18/11/2024

Đào tạo tiến sĩ bằng tiền ngân sách, làm thế nào để tiến sĩ về phục vụ đất nước?

Đào tạo tiến sĩ bằng tiền ngân sách, làm thế nào để tiến sĩ về phục vụ đất nước?

Sau thất bại của Đề án 911, Bộ GD-ĐT triển khai Đề án 89, đào tạo ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn.

 

 

 

Đào tạo tiến sĩ bằng tiền ngân sách, làm thế nào để tiến sĩ về phục vụ đất nước? - Ảnh 1.

Các nghiên cứu viên làm việc trong phòng thí nghiệm của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh : TRẦN HUỲNH

Mục tiêu của Đề án 89, trong 10 năm tới cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Rút kinh nghiệm từ Đề án 322 và Đề án 911 trước đó, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đang làm dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Đề án 89), với nhiều điểm thay đổi đáng kể, trên tinh thần phát huy tính tự chủ của các cơ sở đào tạo đại học.

Dự thảo cho phép các trường căn cứ vào các tiêu chí về chuyên môn và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan sẽ tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo (với 3% đào tạo trong nước) trên nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa Nhà nước và cơ sở đào tạo cử giảng viên tham gia Đề án 89, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ứng viên thụ hưởng đề án.

Các trường sẽ tuyển chọn giảng viên để đưa đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo cho tới việc sử dụng sau đào tạo và bồi hoàn kinh phí đào tạo (nếu có). Bộ GD-ĐT giữ vai trò hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các trường trong quá trình thực hiện.

Những đề án trước có bất cập như giảng viên được cử đi học nước ngoài không quay về nước hoặc về nước không làm việc tại cơ quan cử đi. Để khắc phục những bất cập này, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), bà Nguyễn Thu Thủy cho biết:

“Dự thảo thông tư hướng dẫn Đề án 89 giao quyền và trách nhiệm trong việc quyết định, lựa chọn và đảm bảo hiệu quả việc thực hiện cho lãnh đạo cơ sở đào tạo đại học. Có quy định cụ thể về bồi hoàn kinh phí với những chế tài đủ mạnh để áp dụng đối với những trường hợp không thực hiện đúng yêu cầu. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng quy định việc xét cấp kinh phí của năm tiếp theo phải trên cơ sở việc thực hiện Đề án 89 tại năm trước liền kề”.

Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm: “Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ cho giảng viên, cơ sở đào tạo nâng cao năng lực nhân sự. Và ngược lại, các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng cũng cần có chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài.

Và khi đó, chính sách sẽ quay trở lại thành động lực để cán bộ giảng viên thực sự có mong muốn nâng cao năng lực trình độ để được ở lại cống hiến cho cơ sở đào tạo trong nước, đồng thời thu hút thêm nhân tài ở bên ngoài đến làm việc. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả bền vững cho Đề án 89”.

Đề án 89 là nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, hướng tới các mục tiêu: đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% giảng viên đại học (trong đó 7% là đào tạo ở nước ngoài, 3% đào tạo trong nước); đào tạo để trên 80% giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ trở lên; bồi dưỡng kỹ năng quản trị đại học cho giảng viên là cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và bồi dưỡng một số kỹ năng như: phát triển chương trình đào tạo, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy… cho 100% giảng viên; có chính sách thu hút 1.500 nhà khoa học, những người có trình độ tiến sĩ về làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

NGỌC DIỆP
TTO