27/12/2024

Chưa kịp ‘gật đầu’, tiền trong tài khoản đã bị trừ sau cuộc gọi điện thoại

Chưa kịp ‘gật đầu’, tiền trong tài khoản đã bị trừ sau cuộc gọi điện thoại

Nhiều người dùng chỉ sau một cuộc điện thoại mời làm thẻ hội viên của công ty du lịch đã bị trừ tiền trong tài khoản thẻ tín dụng từ 2,9 đến 3,6 triệu đồng. Những giao dịch này không hợp lệ và người dùng đủ cơ sở lấy lại tiền.

 

Chưa kịp gật đầu, tiền trong tài khoản đã bị trừ sau cuộc gọi điện thoại - Ảnh 1.

Hóa đơn thanh toán 3 liên từ máy POS được doanh nghiệp tự động ký tên và gửi đến nhà của khách hàng sau một cuộc điện thoại tư vấn, dù khách chưa có đồng ý tham gia – Ảnh: T.D.

Rất nhiều người mất tiền oan

Sau bài viết “Lừa đảo kích cầu du lịch”, có thêm nhiều phản ánh của bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online về việc họ lừa mua thẻ thành viên ưu đãi được giới thiệu giảm giá đến 50% khi đi ăn nhà hàng hay đặt phòng khách sạn nhưng thực tế không hề như quảng cáo, khiến họ bị thiệt hại.

Chị T., ngụ TP.HCM, cho biết cũng nhận được cuộc điện thoại từ nhân viên Công ty H.Travel (Q.4) giới thiệu chị là khách hàng may mắn được mời làm thẻ hội viên VIP S. của công ty, với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Dù không phải là người thích đi du lịch nhưng do thường hay đi ăn bên ngoài nhiều, khi bên nhân viên tư vấn có thể được giảm giá sâu ở nhiều hệ thống nhà hàng lớn nếu làm thẻ thành viên, chị đã “chịu” nghe tư vấn.

Theo chị T, các ưu đãi gồm gia hạn thời hạn sử dụng thẻ là 24 tháng thay vì 12 tháng vì công ty đang muốn kích cầu du lịch, ăn uống sau thời gian dịch COVID-19, mức phí 2,9 triệu đồng đối với thẻ VIP, tặng voucher buffet cho 2 người, giảm giá 50% khi đặt nhà hàng, khách sạn trong hệ thống liên kết…

“Sau khi quảng cáo dịch vụ, nhân viên nói tiếp chương trình ưu đãi nêu trên chỉ áp dụng cho những khách hàng sử dụng thẻ tín dụng “có chương trình liên kết với công ty” và yêu cầu tôi đọc các đầu số trên thẻ để kiểm tra”, chị T kể. Sau cuộc gọi, thẻ tín dụng của chị bị trừ tiền và chị nhận được email chào đón hội viên mới từ công ty này trong ngỡ ngàng.

Một chiêu khác để “moi” thông tin của chủ thẻ là yêu cầu khách hàng cung cấp 16 số in nổi trên thẻ cùng hạn dùng thẻ với lý do “để kiểm tra xem thẻ của mình có đủ điều kiện đăng ký thẻ hội viên bên em không”, hoặc để kiểm tra xem có nợ xấu không và trấn an khách là không cung cấp CVV hay OTP nên vẫn an toàn.

Một số khách hàng cũng cho biết họ còn được tư vấn “phí thành viên này sẽ do ngân hàng đứng ra bảo lãnh và 1-2 ngày sau sẽ hoàn lại vào thẻ”. Tuy nhiên, thực tế khách sẽ được “hoàn” bằng các voucher, mỗi cái trị giá 300.000 đồng và đều có điều kiện kèm theo mới sử dụng được voucher.

Trong khi đó, dù cung cấp cho khách một danh sách đối tác “dài vô hạn” những nơi chấp nhận thẻ để được giảm giá, nhưng khi khách liên hệ thì nhận được câu trả lời không hề liên kết với công ty này.

Dấu hiệu lừa đảo?

“Tuy số tiền không lớn, nhưng hành vi tư vấn mập mờ không rõ ràng để lấy thông tin thẻ tín dụng, tự ý thanh toán khi chưa có sự đồng ý của khách hàng của công ty này là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho khách hàng, nhất là những khách hàng mới bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng như tôi”, chị T nói.

Theo luật sư Lê Việt Hùng – Đoàn luật sư TP.HCM, việc một số người bỗng nhận được cuộc gọi từ một công ty mời làm thẻ thành viên/hội viên để có ưu đãi khủng, dùng cách tư vấn lập lờ để dụ chủ thẻ cung cấp thông tin, sau đó tự động trừ tiền trong thẻ tín dụng là có dấu hiệu lừa đảo.

Vì khách không đồng ý trả tiền mà người bán đã tự thu tiền qua thẻ, theo quy định, việc thanh toán không được sự chấp thuận của chủ thẻ thì giao dịch đó không hợp lệ.

Theo điều 290 Bộ luật hình sự 2015, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, trong đó áp dụng với hành vi sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có hành vi vi phạm cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng nhằm bán một dịch vụ không tồn tại, khách đã được nhận ưu đãi không đúng như quảng cáo.

Cũng theo luật sư Hùng, Luật bảo vệ người tiêu dùng nghiêm cấm các hành vi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ.

“Luật cũng không cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng”, luật sư Hùng thông tin thêm.

N.BÌNH
TTO