26/12/2024

Ứng phó ra sao nếu 30.000 người nhiễm Covid-19?

Ứng phó ra sao nếu 30.000 người nhiễm Covid-19?

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu ngay trong tuần này Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm Covid-19. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Y tế và các địa phương đang cấp tốc vào cuộc…
TP.Hà Tiên (Kiên Giang) diễn tập tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 /// ẢNH: XUÂN LAM
TP.Hà Tiên (Kiên Giang) diễn tập tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19  ẢNH: XUÂN LAM

Nâng năng lực xét nghiệm hàng chục lần

Nhấn mạnh năng lực xét nghiệm là vô cùng quan trọng trong cao điểm chống dịch hiện nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương căn cứ trên kịch bản 30.000 bệnh nhân (BN) được Bộ Y tế xây dựng để chuẩn bị nhân lực, vật lực cho mình. Trước đó, ông đã yêu cầu 3 tỉnh chưa có phòng xét nghiệm Realtime-PCR là Bến Tre, Lai Châu, Tuyên Quang phải có phòng xét nghiệm trong vòng 1 tuần; 11 tỉnh đã có xét nghiệm Realtime-PCR rồi nhưng chưa đủ năng lực xét nghiệm khẳng định thì trong vòng nửa tháng phải cử người đi tập huấn ở các địa phương đã có năng lực xét nghiệm.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân công các tỉnh có khả năng tiếp nhận cán bộ CDC của 11 tỉnh chưa có khả năng xét nghiệm khẳng định đến làm cùng để tập huấn.

Vẫn đề nghị tháo gỡ cơ chế

Theo Sở Y tế Hà Nội, mức chi cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch thấp. Đáng chú ý, công tác hậu cần đáp ứng chống dịch gặp nhiều khó khăn về thủ tục, quy trình mua sắm, kiến nghị thành phố “xem xét cơ chế đặc thù” trong điều kiện phục vụ công tác phòng, chống đại dịch… Việc vướng mắc trong cơ chế mua sắm và đề nghị tháo gỡ bằng “đặc thù” đã xảy ra từ những ngày đầu chống dịch, đã được kiến nghị nhiều lần ở nhiều cấp độ nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, công suất xét nghiệm của Hà Nội đã tăng 10 lần (từ 3.000 mẫu/ngày tăng lên 30.000 mẫu/ngày) và sẽ tiếp tục nâng lên, vừa đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh để truy vết, vừa mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho nhóm đối tượng nguy cơ để tầm soát phát hiện sớm ca bệnh. Hà Nội cũng phải chuẩn bị cho kịch bản có 200 – 300 ca bệnh trên địa bàn, tức là năng lực xét nghiệm phải đạt tới 300.000 – 600.000 mẫu.

Bắc Ninh, một trong những điểm nóng về dịch, cũng cho biết đang tiếp tục nâng cao công suất xét nghiệm SARS-CoV-2, đề nghị Vingroup hỗ trợ 2 hệ thống Realtime-PCR và 10.000 test nhanh xét nghiệm SARS-CoV-2 cho Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Vĩnh Phúc đang triển khai 3 phòng xét nghiệm sàng lọc với khoảng 1.800 mẫu/ngày và 9.000 mẫu gộp/ngày. Ngành y tế Vĩnh Phúc tiếp tục nâng công suất thông qua đào tạo nhân lực lấy mẫu cho cán bộ BV Sản – Nhi và các đơn vị y tế để đạt 15.000 mẫu/ngày. Dự kiến đến ngày 18.5, Vĩnh Phúc sẽ huy động thêm 3 đơn vị cùng thực hiện xét nghiệm với công suất xét nghiệm khoảng 10.000 – 15.000 mẫu/ngày, 50.000 – 100.000 mẫu gộp/ngày.
Tại Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã chuẩn bị phương án cách ly 5.400 người và phương án xấu nhất tính đến là 10.000 người. Tỉnh đang tích cực nâng cao năng lực xét nghiệm, đã trang bị 6 máy xét nghiệm sàng lọc ban đầu với 1.200 mẫu/ngày. Trong khi đó, ông Tô Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết tỉnh đã đầu tư hệ thống xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại BV đa khoa trung tâm An Giang với công suất 400 – 500 mẫu/ngày; đồng thời đang mua sắm trang thiết bị để nâng công suất xét nghiệm đạt 1.200 – 1.500 mẫu/ngày.
Ứng phó ra sao nếu 30.000 người nhiễm Covid-19 ?

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng  ẢNH: AN DY

Nâng cấp bệnh viện hiện có, xây dựng bệnh viện dã chiến

Ngày 11.5, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), kiểm tra công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác xét nghiệm, phục vụ chống dịch tại BV Nhi T.Ư. Tại đây, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi T.Ư, thông tin: “Năng lực xét nghiệm Realtime-PCR xác định Covid-19 của BV đã đạt trên 1.000 mẫu/ngày và đang nâng lên 1.500 mẫu/ngày”.
Theo PGS Khuê, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các BV tuyến T.Ư bố trí đủ nhân lực phục vụ người bệnh; chăm sóc toàn diện cho người bệnh để kiểm soát nhiễm chéo, phòng dịch. Đặc biệt phải đủ nhân lực trong trường hợp BV bị cách ly, phong tỏa.

Thêm 71 ca mắc Covid-19 trong nước

Ngày 11.5, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 76 BN Covid-19 mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 71 ca lây nhiễm trong nước. 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Đồng Nai và TP.HCM. 71 ca lây nhiễm trong nước ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư (1 ca là nhân viên y tế) và tại 9 tỉnh, thành, gồm: Bắc Ninh (34 ca), Bắc Giang (17 ca), Vĩnh Phúc (7 ca), Hà Nội (4 ca), Hải Dương (2 ca), Quảng Trị (2 ca), Thái Bình (2 ca), Lạng Sơn và Thừa Thiên-Huế (mỗi tỉnh 1 ca). Các BN đều được phát hiện trong khu cách ly, khu vực được phong tỏa, khu vực thực hiện giãn cách.

Theo Bộ Y tế, hiện 67.877 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly y tế, theo dõi sức khỏe. Từ ngày 8.3 đến nay, 892.454 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 trên cả nước.
Liên Châu

Để chủ động trong xét nghiệm chống dịch, Bộ Y tế yêu cầu các BV có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. BV tuyến T.Ư đã được yêu cầu và luôn sẵn sàng nhân lực hỗ trợ tuyến dưới về xét nghiệm.

GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết đơn vị đã bổ sung thêm 300 giường bệnh, nâng số giường tại BV Bạch Mai cơ sở 2 lên 700, ngoài ra còn có 200 giường bệnh cho các BN dương tính của Hà Nội, các F1 nguy cơ cao…
Tại TP.HCM, làm việc với BV Chợ Rẫy và BV Nhân dân 115, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu BV sẵn sàng triển khai thêm BV dã chiến; phương án tổ chức điều trị cho 50 – 100 giường bệnh theo kế hoạch có sẵn của ngành y tế; dự trù kế hoạch bảo đảm điều trị cho từ 100 – 200 người bệnh, thậm chí lên đến 500 giường. Ngày 11.5, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết cũng đã xây dựng kịch bản với 3 tình huống: dưới 100 ca nhiễm, từ 100 – 200 và từ 300 – 500 ca. Nếu TP.HCM có 500 ca bệnh Covid-19, ngành y tế TP.HCM sẵn sàng 3.200 giường bệnh, 192 máy thở, 172 giường hồi sức với cả chục BV tham gia điều trị.
Ứng phó ra sao nếu 30.000 người nhiễm Covid-19 ?

Kiểm soát người ra vào cổng Bệnh viện Chợ Rẫy  ẢNH: DUY TÍNH

Cùng ngày 11.5, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho biết với số 53 ca nhiễm Covid-19 hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai điều trị tại BV Phổi và Trung tâm y tế H.Hòa Vang. BV Phổi Đà Nẵng sẽ thu dung điều trị cho BN Covid-19 ở cả 5 mức độ (không triệu chứng, nhẹ, vừa, nặng, nguy kịch). Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng có kế hoạch thu dung, điều trị BN Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh với quy mô trên dưới 1.000 ca mắc. Chẳng hạn, khi số ca bệnh tại địa phương ở mức từ 121 – 500 ca, tại Trung tâm y tế H.Hòa Vang sẽ khai thác khu vực điều trị ở mức 200 giường (tức tăng 10 lần) cùng với các BV khác: BV Giao thông vận tải (100 giường), BV Chỉnh hình – Phục hồi chức năng (100 giường). Khi số ca bệnh ở mức từ 500 – 1.000 ca, sẽ khai thác khu vực điều trị 100 giường tại BV 199; BV C (100 giường), BV Quân y 17 (50 giường), các Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Sơn Trà, Hải Châu (30 – 40 giường/đơn vị). Khi số ca bệnh Covid-19 vượt trên 1.000, tùy theo mức độ gia tăng sẽ huy động từ các BV tư nhân, cơ sở y tế khác…
Ở “điểm nóng” Bắc Ninh, đến tối 11.5 đã ghi nhận 123 ca dương tính tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố; trong đó riêng H.Thuận Thành có 89 ca. UBND tỉnh Bắc Ninh đã kích hoạt 2 BV dã chiến số 1 (300 giường, tại Trung tâm y tế H.Tiên Du) và số 2 (cũng 300 giường bệnh tại Trung tâm y tế H.Gia Bình) để tiếp nhận điều trị, cách ly BN Covid-19.
Trong khi đó, tại Kiên Giang, ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế, hôm qua cho biết trường hợp dịch Covid-19 xảy ra lớn thì TP.Hà Tiên có sức chứa hơn 600 giường, TP.Rạch Giá với 2 BV gần 1.000 giường, chưa kể nếu cần trong tình huống khẩn cấp thì BV Ung bướu cũng có thể được huy động…
THANH NIÊN
TNO