Toạ đàm vụ kiện da cam: Không phải chuyện quá khứ, mà là chuyện cuộc sống hôm nay
Toạ đàm vụ kiện da cam: Không phải chuyện quá khứ, mà là chuyện cuộc sống hôm nay
Nguyên tắc 5K khiến buổi toạ đàm ‘Vụ kiện da cam và hành trình đòi công lý’ sáng 8-5 tại Đường sách TP.HCM không có nhiều khách dự trực tiếp. Những người quan tâm theo dõi qua livestream từ các trang fanpage của đơn vị tổ chức.
30 chiếc ghế được xếp giãn cách vẫn kín chỗ. Và dẫu là những người đã theo dõi vụ kiện da cam từ lâu, dẫu đã đi dọc đường sách, chăm chú xem – đọc trên từng tấm panô triển lãm, nhiều người vẫn thốt lên rằng đây là lần đầu họ được nghe giải thích cặn kẽ về vụ kiện, về câu chuyện da cam từ mọi góc độ: khoa học – y khoa – sinh học – môi trường – pháp lý – nhân quyền – ngoại giao…
Tên tuổi, uy tín khoa học, trải nghiệm xã hội của các khách mời đã làm nên sự thành công đó.
Tuổi Trẻ Online ghi nhận ý kiến phát biểu tại tọa đàm:
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam): Tác hại của chất độc da cam lên con người Việt Nam là có thật
Từ ca đỡ đẻ một em bé khuyết sọ đầu tiên năm 1965 khi mới ngoài 20 tuổi, tôi bắt đầu thu thập các số liệu, chứng cứ, nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, trẻ em Việt Nam.
Qua bao năm, qua hàng chục ngàn trường hợp mẹ phơi nhiễm – con dị tật, chúng tôi đã chứng minh được tác hại của chất độc da cam lên con người Việt Nam là có thật. Giới khoa học thế giới đã phải công nhận.
Dù tòa án Mỹ đã bác đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ba lần ở cả ba cấp tòa, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục vì đó là sự thật, là công lý.
TS sinh học Vũ Thị Quyền: Nạn nhân cần được đền bù xứng đáng
Dioxin là tên gọi chung của hàng trăm chất độc bền vững, tích tụ trong cơ thể, làm rối loạn sự phát triển tế bào, đứt đoạn các thông tin di truyền, tác hại xuyên thế hệ… Cả thế giới đều đã rõ điều đó.
Dioxin nhiễm vào con người là khó xử lý nhất, và chúng tôi đã chứng kiến những di chứng tới thế hệ thứ ba, thứ tư. Về môi trường, Việt Nam có may mắn khi với đặc điểm nhiệt đới nên môi trường dễ tự hồi phục hơn. Chúng ta đã chứng kiến điều đó ở khu vực Cần Giờ.
Hiện các khu trọng điểm Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát… đang được tẩy độc với sự hỗ trợ của Mỹ, coi như một sự đền bù. Nhưng về pháp lý, nhân quyền, công lý, các nạn nhân cần sự công nhận và đền bù xứng đáng hơn.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Tôi rất cảm ơn và cảm phục chị Nga
Đã có nhiều vụ kiện về chất độc da cam của các cựu binh Mỹ và các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhưng phía Mỹ vẫn viện nhiều lý do để không nhận trách nhiệm pháp lý.
Họ đã thương lượng rất nhiều với Việt nam và thực hiện nhiều chương trình như tổ chức tẩy độc các sân bay quân sự trọng điểm (Đà Nẵng, Biên Hoà), hỗ trợ người khuyết tật (nói chung).
Tuy nhiên, với các nạn nhân Việt Nam (4 triệu người phơi nhiễm, hơn 100.000 trẻ em dị tật), hậu quả vẫn rất nghiêm trọng và không thể bù đắp được.
Tôi rất cảm ơn và cảm phục chị Nga đã đeo đuổi vụ kiện từ năm 2014 tới nay, bất kể những khó khăn cá nhân. Chị hành động vì công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam, và vụ kiện tại Pháp có rất nhiều hi vọng thắng.
Trước hết, luật pháp Pháp không cho quyền miễn trừ với các công ty hóa chất khi tham gia trong chiến tranh. Hơn nữa, tại Pháp đã có án lệ khi một nông dân bị nhiễm độc từ chất diệt cỏ đã thắng kiện công ty sản xuất sau 10 năm theo kiện. Không chỉ có nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cả người Pháp cũng mong vụ kiện của chị Nga sẽ thắng để tạo thêm án lệ cho họ.
Theo dõi cuộc tọa đàm, tôi rất xúc động và ấm lòng. Còn hai ngày nữa đến phán quyết của tòa, tôi đã nhận được rất nhiều chia sẻ, động viên của rất nhiều người trên thế giới. Nhưng tôi đã chuẩn bị tinh thần để tiếp tục cuộc chiến đấu này, dù kết quả như thế nào. Dù năm tháng có dài thì công lý vẫn sẽ thắng. Nếu không còn tôi ở cuối con đường thì vẫn còn các bạn.
Bà Trần Tố Nga
Bà Trần Thị Mỹ Quyên – chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Hoa Sen: Sự chia sẻ lớn hơn tất cả
Từ ngày được biết mình là nạn nhân chất độc da cam, tôi đã dành tất cả các cuối tuần cùng Tổ chức Les enfants de la dioxin (Những đứa con da cam) đi khắp các tỉnh thành để gặp các nạn nhân.
Chúng tôi cấp học bổng cho các em nhỏ, trợ vốn cho người lớn. Tuy vậy, sự chia sẻ lớn hơn nhiều lần số tiền. Tôi muốn lấy chính bản thân mình để động viên các em vươn lên, vứt bỏ cái vỏ nạn nhân, khuyết tật. Tôi tự hào vì mình đã làm động lực được cho nhiều em nỗ lực đi học, tự thay đổi đời mình.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao: Kiên quyết bảo vệ công lý sẽ càng làm họ nể trọng
Chúng tôi đã ra thư ngỏ ủng hộ công lý bất luận phán quyết tòa án thế nào. Chúng ta ngồi ở đây chính là để vấn đề chất độc da cam không bao giờ đi vào lãng quên. Chúng ta phải tự tin và rất trưởng thành khi nói lên lẽ phải.
Việc kiên trì kiện sẽ không ảnh hưởng đến ngoại giao, vì bạn bè vẫn có thể bất đồng ý kiến. Kiên quyết bảo vệ công lý sẽ càng làm họ càng nể trọng mình hơn.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Đây là chuyện của cuộc sống hôm nay
Chúng ta khẳng định không bao giờ bỏ cuộc, vì đây là vấn đề sự thật và lẽ phải, đánh động đến lương tri mọi người ở nhiều quốc gia, nhiều tầng lớp người. Đây cũng không chỉ là chuyện quá khứ, chuyện chiến tranh, mà là chuyện của cuộc sống ngày hôm nay. Các thế hệ trẻ của chúng ta rất cần được biết và quan tâm những câu chuyện này.
Ông Dương Thành Truyền – quyền giám đốc NXB Trẻ: Đây không chỉ là câu chuyện nhân đạo, mà là câu chuyện của lương tri và công lý. Tôi hi vọng sẽ có nhiều triển lãm, nhiều tọa đàm, nhiều cuốn sách đòi công lý và chúng tôi sẽ vẫn nỗ lực tìm nhiều nguồn hỗ trợ tinh thần, vật chất cho vụ kiện.