‘Thủ phạm’ tiếp tay gây chết chóc kinh hoàng vì Covid-19 ở Ấn Độ?
‘Thủ phạm’ tiếp tay gây chết chóc kinh hoàng vì Covid-19 ở Ấn Độ?
Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan vừa cho rằng một biến thể của virus gây Covid-19 có khả năng lây lan nhanh đang góp phần gây ra đợt bùng phát dịch kinh hoàng như hiện nay ở Ấn Độ.
Bà Swaminathan cảnh báo “những đặc tính về dịch tễ học mà chúng tôi chứng kiến ở Ấn Độ hiện nay cho thấy đó là một biến thể lây lan cực kỳ nhanh”, theo AFP.
Hôm qua 8.5, Ấn Độ lần đầu tiên ghi nhận số ca Covid-19 tử vong lên tới hơn 4.000 ca trong vòng 24 giờ và hơn 400.000 ca nhiễm mới.
Bà Swaminathan cho hay biến thể B.1.617, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10.2020, rõ ràng là yếu tố góp phần gây ra thảm họa Covid-19 hiện nay ở đất nước của nhà khoa học này.
WHO gần đây đã phân loại B.1.617 là “biến thể đáng quan tâm”, nhưng chưa xem đó là “biến thể đáng lo ngại”, vốn có đặc tính nguy hiểm hơn SARS-CoV-2 vì có khả năng lây lan nhanh hơn, gây chết người nhiều hơn hoặc có thể vô hiệu hóa vắc xin, theo AFP.
Giới chức y tế ở nhiều nước như Mỹ và Anh cho hay họ xem B.1.617 là “biến thể đáng lo ngại” và bà Swaminathan hy vọng WHO sẽ sớm có động thái tương tự.
Nhằm kiểm soát dịch Covid-19, chính phủ Ấn Độ hiện đang cố tăng tốc việc tiêm vắc, nhưng bà Swaminathan cảnh báo rằng chỉ có việc tiêm vắc xin thì chưa đủ. Bà chỉ ra Ấn Độ, là quốc gia sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, chỉ mới tiêm được cho khoảng 2% tổng số 1,3 tỉ dân và cho rằng phải mất nhiều tháng, tỷ lệ này mới đạt tới 70-80%.
Với tình trạng như trên, bà Swaminathan cho rằng Ấn Độ cần phải dựa thêm vào nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan.
VĂN KHOA
TNO