27/12/2024

Bản quyền vắc xin COVID-19 đâu dễ ‘cho không, biếu không’

Bản quyền vắc xin COVID-19 đâu dễ ‘cho không, biếu không’

Các hãng dược vì lợi nhuận không muốn từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19. Hàng trăm nước lại muốn bỏ rào cản sáng chế để vắc xin được sản xuất nhiều hơn và rẻ hơn.

 

Bản quyền vắc xin COVID-19 đâu dễ cho không, biếu không - Ảnh 1.

Ngày 5-5, một số người tụ tập ở Washington DC kêu gọi Chính phủ Mỹ từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19 – Ảnh: AFP

Ngày 5-5 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ thái độ ủng hộ từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19.

Vì lý do gì ủng hộ hay phản đối?

Các hãng dược phát triển vắc xin COVID-19 đương nhiên có quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin của họ.

Nếu từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các công ty dược khác có thể tự do sản xuất vắc xin đó mà không bị rào cản pháp lý nào cản trở.

Những người phản đối cho rằng nếu từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các công ty dược không còn động lực đầu tư sản xuất vắc xin nữa.

Những người ủng hộ đưa ra ba lý do giải thích:

– Từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 sẽ có lợi cho toàn thế giới.

– Vắc xin sẽ được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ hơn.

– Vắc xin được đầu tư và phát triển bằng tiền thuế của dân bơm cho các nghiên cứu nhà nước, đặc biệt là vắc xin sử dụng công nghệ ARN thông tin.

Để giải thích vì sao ủng hộ từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hồi đầu tháng 3-2021 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus giải thích: “Các quy định thương mại đã dự kiến tính linh hoạt trong các tình huống khẩn cấp. Chắc chắn một trong số tình huống đó là đại dịch toàn cầu đã khiến nhiều công ty phải ngừng hoạt động và gây biết bao thiệt hại cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ”.

Các nước nào ủng hộ hay phản đối?

Đầu tháng 10-2020, Ấn Độ và Nam Phi đã yêu cầu với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng không thành công.

Hai nước lập luận: “Nhiều báo cáo cho thấy quyền sở hữu trí tuệ cản trở hoặc có nguy cơ cản trở việc cung cấp kịp thời các sản phẩm y tế với giá phải chăng cho bệnh nhân”.

Hai nước đề nghị dỡ bỏ rào cản này đến khi “công tác tiêm chủng rộng rãi được thực hiện trên toàn cầu và phần lớn dân số thế giới đều đã miễn dịch”.

Ngày 11-3, WTO tổ chức cuộc thảo luận mới. Lần này có khoảng 100 quốc gia thành viên WTO ủng hộ nhưng cuối cùng đàm phán thất bại vì các nước Bắc bán cầu không muốn.

Giữa tháng 4-2021, một số nhà khoa học đoạt giải Nobel và các cựu nguyên thủ quốc gia đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Joe Biden.

Thư ngỏ với khoảng 170 chữ ký đánh giá từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 là “bước quan trọng và cần thiết để chấm dứt đại dịch”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ. Liên minh châu Phi tuyên bố: “Lịch sử sẽ ghi nhớ quyết định của Chính phủ Mỹ là điều đúng đắn vào đúng thời điểm để chống lại thách thức khủng khiếp này”.

Ban đầu Liên minh châu Âu (EU) không ủng hộ. Sau tuyên bố của tổng thống Mỹ hôm 5-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lại khẳng định “sẵn sàng thảo luận bất kỳ đề xuất nào để giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả và thực tế”.

Pháp từ phản đối chuyển sang ủng hộ. Trong khi đó, Đức cảnh báo: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của đổi mới và trong tương lai phải tiếp tục duy trì”.

Thụy Sĩ có ngành công nghiệp dược phẩm nặng ký đã phản đối.

Bản quyền vắc xin COVID-19 đâu dễ cho không, biếu không - Ảnh 2.

Công nhân đóng gói kim tiêm vắc xin ở Ấn Độ – Ảnh: AFP

Phản ứng của ngành dược phẩm thì sao?

Nói chung các công ty dược phẩm phản đối vì họ có nguy cơ mất nguồn lợi tài chính bù đắp cho công tác cải tiến tốn kém.

Các hãng dược Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson không trả lời khi AFP đặt câu hỏi.

Liên đoàn Công nghiệp dược phẩm quốc tế (IFPMA) tuyên bố quyết định của Mỹ là “đáng thất vọng”.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp dược phẩm Mỹ (PhRMA) Stephen Ubl nhấn mạnh quyết định của Mỹ có thể “làm suy yếu thêm các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và khuyến khích gia tăng vắc xin giả”.

Công ty BioNTech (Đức) nhận xét quyết định của Mỹ không có tác dụng trong ngắn hạn và trung hạn vì bảo hộ sáng chế không phải là yếu tố hạn chế sản xuất và cung cấp vắc xin.

Có tiền lệ nào chưa?

Theo kênh truyền hình France Info (Pháp), WTO sẽ tiếp tục tổ chức ba cuộc họp về chủ đề này vào cuối tháng 5, ngày 8-6 và 9-6.

Cuối những năm 1990, thuốc kháng virus đã tạo bước ngoặt trong điều trị HIV/AIDS nhưng giá thuốc nằm ngoài tầm của đại đa số bệnh nhân.

Năm 2003, một thỏa thuận tạm thời (được xác nhận vào cuối năm 2005) cho phép miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ, từ đó các nước nghèo có thể nhập khẩu thuốc generic.

Bản quyền vắc xin COVID-19 đâu dễ cho không, biếu không - Ảnh 3.

Vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất được chuyển đến Somalia theo chương trình COVAX vào giữa tháng 3-2021 – Ảnh: AP

HOÀNG DUY LONG
TTO