08/01/2025

Cách thoát hiểm khi xảy ra cháy

Cách thoát hiểm khi xảy ra cháy

Dùng khăn ướt bịt mặt để không hít phải quá nhiều khói độc. Cố thoát ra ngoài rồi mới tìm cách gọi ngay cứu hoả…

 

Cách thoát hiểm khi xảy ra cháy - Ảnh 1.

Lực lượng chữa cháy phun nước vào đám cháy tại căn nhà trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM chiều 7-5-2021. Vụ cháy khiến 8 người thiệt mạng – Ảnh: M.H.

Thời gian qua, nhiều vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Mới đây nhất là vụ cháy căn nhà trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM khiến 8 người bị mắc kẹt và tử vong.

Nên làm gì khi chẳng may xảy ra cháy? Trong nhà cần chú ý gì để đề phòng hỏa hoạn?

Làm gì khi xảy ra cháy?

Nếu phát hiện ngọn lửa còn ở phạm vi cục bộ và chưa lan rộng nghiêm trọng, hãy dùng ngay bình chữa cháy. Nếu bình chữa cháy không có tác dụng và lửa bắt đầu lan ra, hãy rời khỏi nhà ngay lập tức. Không nên nán lại để lấy theo của cải hoặc giấy tờ hoặc gọi điện thoại cho cứu hỏa khi còn trong nhà. Hãy cố thoát ra ngoài rồi mới tìm cách liên lạc ngay với lực lượng cứu hỏa.

Tuyệt đối không quay trở lại đám cháy nếu phát hiện thiếu người, vật nuôi hay đồ đạc mà thông báo ngay cho nhân viên cứu hỏa. Đối với các món đồ quý giá, bạn cũng có thể nhờ đội cứu hỏa nhưng hãy nhớ chỉ tập trung vào những món thật sự cần thiết.

Người lớn cần dạy cho trẻ em nơi trú ẩn trong trường hợp không may bị kẹt lại trong phòng. Gầm giường là một trong những nơi đầu tiên lính cứu hỏa dò xét khi tìm kiếm người mắc kẹt, vì thế hãy dặn con chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn.

Để đi xuyên qua đám lửa, hãy dùng chăn mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài. Nếu tóc và trang phục bị bén lửa thì hãy ghi nhớ kỹ năng 3 bước: dừng, nằm, lăn. Mau chóng dừng lại, nằm xuống đất và lăn tròn qua lại, kỹ năng này cả người lớn và trẻ nhỏ đều nên biết. Nếu người lớn đang ở cạnh trẻ khi quần áo của chúng bắt lửa thì dùng chăn trùm nhanh lên người chúng.

Khói và hơi độc có thể là tác nhân gây tử vong nhanh hơn cả lửa. Vì vậy để tránh ngộp khói, nên thoát hiểm trong tư thế cúi thấp người. Nếu khói tỏa ra quá nhiều, hãy dùng cách bò, nếu nhà có em bé thì dùng một tay ôm trẻ vào sát bụng trong lúc bò.

Tốt nhất nên lấy khăn thấm nước để che kín miệng và mũi, cách này sẽ giúp lọc không khí, hoặc dùng mặt nạ chống khói nếu có. Tìm cách che chắn mặt, mũi cho em bé nhiều nhất có thể. Tuyệt đối không chạy vào phòng đang tỏa ra nhiều khói lửa.

Một khi bò ra khỏi phòng, nên đóng cửa ngay. Nghiên cứu cho thấy việc đóng cửa giúp hạn chế đám cháy lan ra trong một khoảng thời gian.

Trước khi mở tung cửa chính, nên kiểm tra nhiệt độ của tay cầm. Nếu tay cầm quá nóng, hãy linh động để thoát thân bằng các lối khác. Những người sống ở lầu 1 có thể theo đường cửa sổ, những người sống ở tầng trên nếu có thể hãy chui ra ngoài cửa sổ, đứng tránh lửa trên mái vòm hoặc ban công để lực lượng cứu hỏa nhìn thấy.

Cần thống nhất trước điểm tập trung an toàn ở ngoài nhà để có thể nhanh chóng và dễ dàng kiểm tra số lượng thành viên, phòng trường hợp có người mắc kẹt trong đám cháy.

Thoát hiểm ra sao khi cháy chung cư, nhà cao tầng?

Cách thoát hiểm khi xảy ra cháy - Ảnh 2.

Vụ cháy chung cư Carina, quận 8 năm 2018 khiến 13 người chết, hơn 60 người bị thương – Ảnh: T.L

Khi xảy ra cháy chung cư hay nhà cao tầng, cần nhanh chóng chạy đến lối thoát an toàn và gần nhất vì các khu chung cư hay nhà cao tầng được thiết kế nhiều đường thoát hiểm.

Tuyệt đối không dùng thang máy vì có thể bị kẹt trong thang do cúp điện.

Nếu thoát ra ngoài bằng đường cửa sổ hay hành lang, hãy cố gắng gây chú ý với lực lượng cứu hỏa bằng cách vẫy tay, la hét…

Nếu bị lửa bén vào quần áo, hãy dập lửa theo cách đã nêu ở trên, lưu ý không được chạy vì gió có thể cung cấp không khí khiến lửa bùng mạnh lên. Cũng đừng nhảy vào hồ bơi hay các bể chứa, thùng nước vì có thể chúng đã bị lửa nấu sôi.

Đề phòng cháy: Kiểm tra nhà cửa, nguồn nhiệt, nắm kỹ năng phòng cháy chữa cháy

Theo trang Lifehack, biện pháp phòng cháy luôn luôn là bước quan trọng trước nhất.
Các gia đình nên trang bị sẵn dụng cụ chữa cháy khẩn cấp trong nhà, nếu có khả năng thì hãy lắp thêm hệ thống báo cháy.

Đối với những hộ gia đình sắp xây dựng nhà ở hoặc có ý định sửa chữa, cần thiết kế và định hướng rõ cửa chính và cửa phụ. Trong trường hợp lửa chặn mất đường ra ở cửa chính, bạn còn có cửa phụ để thoát hiểm.

Đối với nhà ở có từ 2 lầu trở lên, nên trang bị thang di động. Đây là công cụ giúp thoát hiểm qua đường cửa sổ an toàn hơn. Quan trọng nhất, mọi thành viên trong nhà cần phải biết kỹ năng phòng cháy chữa cháy.

Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, trưởng Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an TP.HCM, đặc điểm chung các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người thường xảy ra đêm khuya hoặc rạng sáng, khi người dân đang say giấc.

Do đó trước khi đi ngủ, người dân cần dành 1 phút kiểm tra kỹ nguồn lửa, nhiệt như: nhang đèn, hệ thống điện, khu vực bếp, xe máy… Không để xe máy, ôtô trong nhà gần lối ra vào hoặc chắn hết lối đi, khi xảy ra cháy sẽ không có lối thoát hiểm.

Mỗi hộ gia đình nên trang bị một bình chữa cháy. Với những căn nhà xây dựng bít bùng mà khi cháy có các vật cản lối ra vào duy nhất như cửa chính thì nên trang bị trong nhà các dụng cụ phá dỡ như búa tạ, khoan, máy đục để khi cháy có thể phá tường, mái tôn… thoát ra ngoài…

LÊ CHUNG – M.HOÀ
TTO