18/11/2024

Mỹ ủng hộ bỏ bản quyền vắc xin COVID-19

Mỹ ủng hộ bỏ bản quyền vắc xin COVID-19

Việc chính quyền Joe Biden ủng hộ tạm thời bỏ bản quyền vắc xin COVID-19 là một chiến thắng cho các nước thu nhập thấp và trung bình đang ‘khát’ vắc xin. Giới phân tích cảnh báo các hãng dược sẽ không ngồi yên nhìn ‘chén cơm’ vơi đi.

 

Mỹ ủng hộ bỏ bản quyền vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Một nhóm các nhà hoạt động dân sự Mỹ kêu gọi chính quyền Biden bãi bỏ các hạn chế và chia sẻ vắc xin COVID-19 với thế giới. Sự kiện diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ ngày 5-5 – Ảnh: AFP

“Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và các trường hợp bất thường như đại dịch COVID-19 cần những giải pháp đặc biệt”, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai chuyển quan điểm của Tổng thống Biden tới báo giới ngày 5-5.

Bà Tai thừa nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, song nhấn mạnh trước tình thế cấp bách như hiện tại, các rào cản về bản quyền nên tạm thời được dỡ bỏ. “Chỉ có tạm từ bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền mới chấm dứt được COVID-19”, bà Tai kêu gọi.

Theo đại diện thương mại Mỹ, Washington sẽ bắt đầu đàm phán về việc này với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Quá trình đàm phán có thể sẽ mất khá nhiều thời gian do đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm lợi ích nhiều công ty và quốc gia.

Cổ phiếu của một số nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lập tức biến động vì thông tin trên, theo Hãng tin Reuters. Các nhóm vận động hành lang cho ngành dược phẩm cảnh báo hành động của chính quyền Biden sẽ làm suy yếu các công ty dược và nhiều hệ lụy khác.

Một số học giả cũng đồng tình với các hãng dược, ví von động thái này là một sự tước đoạt tài sản của các công ty dược phẩm. Theo họ, điều này khiến tiền của các hãng dược bị ít đi, dẫn tới thụ động trong nghiên cứu nếu xảy ra một đại dịch mới.

Trong số các nhà sản xuất vắc xin lớn của thế giới có 2 công ty Mỹ là Pfizer và Moderna. Đây cũng là 2 công ty sở hữu vắc xin COVID-19 được sản xuất bằng công nghệ mRNA tiên tiến nhất trên thế giới.

Mỹ và một số quốc gia hồi tháng trước đã ngăn chặn một nỗ lực thảo luận tại WTO về việc tạm bãi bỏ những rào cản liên quan bằng sáng chế vắc xin COVID-19.

Ấn Độ và Nam Phi cùng gần 100 nước khác đã kêu gọi các nước giàu tạm ngừng bảo vệ bản quyền, cho phép những nước này sản xuất hàng loạt vắc xin COVID-19 để đối phó đại dịch trong nước. Một nguồn tin của Reuters am hiểu vấn đề tiết lộ chính quyền Biden không ủng hộ việc bỏ rào cản bản quyền 100%.

Theo vị này, việc chính quyền Biden đồng ý đàm phán với WTO và thể hiện sự ủng hộ là để xoa dịu những chỉ trích từ các nghị sĩ Đảng Dân chủ và áp lực quốc tế. Trong quá trình đàm phán với WTO, đoàn Mỹ sẽ cố gắng “thu hẹp phạm vi từ bỏ”, theo Reuters.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi quyết định của chính quyền Biden. Ông gọi đây là “khoảnh khắc vĩ đại” trong cuộc chiến chống COVID-19.

BẢO DUY
TTO