Luật không gian và cuộc chiến chống rác quỹ đạo
Luật không gian và cuộc chiến chống rác quỹ đạo
Quỹ đạo Trái đất theo thời gian đang ngày càng chật chội, với hơn 100 triệu mảnh rác nhỏ, hàng chục ngàn khối rác lớn và khoảng 3.300 vệ tinh. Nguy cơ va chạm cũng theo đó tăng lên.
Một số công nghệ dọn rác vũ trụ đang trong quá trình được cân nhắc, gần đây nhất là phương án của Công ty Electro Optic Systems (EOS) sử dụng bộ đôi “vũ khí” laser trên mặt đất để theo dõi rác vũ trụ. Khi phát hiện nguy cơ va chạm, chuyên viên kỹ thuật sẽ dùng tia laser xử lý mảnh rác nguy hiểm, theo báo The Market Herald. Dự kiến những công cụ như của EOS sẽ trở nên phổ biến trong những năm tới.
Công cụ xử lý rác quỹ đạo
Hệ thống laser của EOS nằm trong số các công nghệ “chủ động loại bỏ rác vũ trụ” (ADR) đang được đề xuất trong vòng một thập niên qua. Những công cụ khác bao gồm cánh buồm, xúc tu, lưới, móc, lao, nam châm và mút xốp.
Giới chuyên gia kêu gọi các quốc gia trên thế giới hãy nhanh chóng xây dựng luật lệ nhằm quy định hoạt động trong không gian và truy cứu trách nhiệm đối với những kẻ “vượt rào” hoặc lợi dụng “vũ khí” laser cho những mục đích khác.
Chuyên trang TechCrunch đưa tin Hãng Astroscale (Nhật Bản) hiện thử nghiệm hệ thống ELSA để hút các mảnh rác vũ trụ bằng nam châm. Còn dự án RemoveDEBRIS (Anh) đang thử dùng lưới và lao móc để thực thi mục đích tương tự.
Bên cạnh đó, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) tham gia nhiều sứ mệnh dọn rác quỹ đạo khác nhau, bao gồm dự án ClearSpace-1 nghiên cứu “móc không gian”. Đây là loại móc có thể tóm lấy một mảnh rác và kéo nó xuống quỹ đạo thấp hơn, khiến đối tượng mất đi độ cao và rơi xuống khí quyển trái đất.
Nhu cầu về luật không gian
Rác vũ trụ là mối đe dọa cấp bách, và công nghệ ADR ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới. ESA ước tính hiện có khoảng 128 triệu mẩu rác vũ trụ có kích thước nhỏ hơn 1 cm, khoảng 900.000 mẩu từ 1 – 10 cm, và 34.000 mảnh lớn hơn 10 cm đang trôi nổi trên quỹ đạo địa cầu.
Do các vật thể di chuyển với tốc độ cao trong không gian, một vụ va chạm với vệ tinh đang hoạt động có thể tạo ra hàng ngàn mẩu rác nhỏ, từ đó nguy cơ “đụng độ” tiếp tục gia tăng theo thời gian. Năm 2020, giới nghiên cứu chỉ biết đứng nhìn khi hai vệ tinh “chết” suýt nữa va vào nhau. Có lúc vệ tinh IRAS và GGSE-4 chỉ cách nhau vài mét trước khi sượt qua. Còn Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thường xuyên thay đổi độ cao của Trạm Không gian Quốc tế để tránh rác vũ trụ.
Trong khi đó, viễn cảnh loại bỏ rác vũ trụ bằng công nghệ ADR đang làm nảy sinh các vấn đề về chính trị và pháp lý, theo trang The Conversation.
Không gian bên ngoài trái đất không thuộc quyền tài phán của một quốc gia. Các nước trên thế giới đang dựa vào Hiệp ước ngoài vũ trụ năm 1967 và 4 hiệp ước quốc tế hiện hành khi sử dụng và khai thác không gian.
Nhu cầu dọn rác trên quỹ đạo lại liên quan đến những khía cạnh đầy phức tạp, tạo nên những thách thức mới trong việc xây dựng chính sách, địa chính trị, kinh tế và xã hội. Ai sẽ chịu trách nhiệm loại bỏ rác vũ trụ? Bên nào phải chi cho hoạt động này? Liệu những quốc gia chưa có năng lực du hành vũ trụ có quyền tham gia cuộc thảo luận của nhóm cường quốc không gian hay không? Và loại rác nào cũng được xếp vào dạng di sản?
Trong trường hợp một nước phát triển được năng lực loại bỏ hoặc đánh dạt rác vũ trụ, làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng họ sẽ không sử dụng công nghệ đó để triệt hạ vệ tinh của nước khác?
Ủy ban Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng hòa bình không gian ngoài trái đất (COPUOS) đang xây dựng các hướng dẫn và bộ quy tắc áp dụng trên thực tế nhằm hạn chế nguy cơ việc dọn rác trở thành ngòi nổ của chiến tranh trên không gian.
HẠO NHIÊN
TNO