22/01/2025

WHO sợ châu Âu giống Ấn Độ nếu nới lỏng cách ly sớm

WHO sợ châu Âu giống Ấn Độ nếu nới lỏng cách ly sớm

Ông Hans Kluge, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, cho rằng các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm, nhằm tránh làn sóng lây nhiễm tương tự Ấn Độ.

 

WHO sợ châu Âu giống Ấn Độ nếu nới lỏng cách ly sớm - Ảnh 1.

Người dân thủ đô London của Anh tụ tập ăn uống ở khu vui chơi nổi tiếng Soho ngày 24-4 sau khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng vì chiến dịch tiêm chủng vắc xin đạt tiến độ tốt – Ảnh: REUTERS

Ngày 29-4, WHO đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có thể gây ra một “trận bão hoàn hảo” khiến số ca nhiễm gia tăng cao như trường hợp xảy ra tại Ấn Độ, theo Hãng tin AFP.

Số ca nhiễm và ca tử vong mới đã tăng vọt ở Ấn Độ những ngày gần đây. Giới chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân là các cuộc tụ tập đông người, gồm các cuộc vận động chính trị và lễ hội, ở quốc gia 1,3 tỉ dân này.

Ông Hans Kluge, người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, cho rằng các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm nhằm tránh những làn sóng lây nhiễm mới tương tự Ấn Độ.

“Khi các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, khi các cuộc tụ tập đông người diễn ra, khi có các biến thể virus dễ lây lan hơn và khi tỉ lệ tiêm vắc xin vẫn còn thấp, thì điều này có thể tạo ra một trận bão hoàn hảo ở bất kỳ quốc gia nào” – ông Hans Kluge cảnh báo trước báo giới ngày 29-4.

Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải nhận ra được rằng tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu”.

Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu nhắc nhở các quốc gia châu Âu rằng “các biện pháp xã hội và y tế của cá nhân và tập thể vẫn là những yếu tố có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành hướng đi của đại dịch COVID-19”.

Ông lưu ý tuần trước số ca nhiễm mới tại châu Âu đã ít đi “đáng kể” lần đầu tiên trong vòng hai tháng, nhưng “tỉ lệ ca nhiễm trên khắp khu vực vẫn vô cùng cao”.

Nhà dịch tễ học Antoine Flahault – giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường ĐH Tổng hợp Geneva (Thụy Sĩ) – chỉ ra rằng tình hình hiện nay là một phần rủi ro của chiến lược mà Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng, là cố gắng kiểm soát sự lây lan của COVID-19, thay vì hướng tới mục tiêu diệt trừ virus, và các chính phủ châu Âu đã chấp nhận vòng quay “tái phong tỏa – dỡ phong tỏa” lặp đi lặp lại.

Đỉnh dịch thứ ba trong vòng một năm qua đã trôi qua, theo nhận định của các chính phủ châu Âu. Các quốc gia từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa, nhằm chuẩn bị cho một mùa hè an toàn hơn.

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Phi cũng cảnh báo các chính phủ và người dân trong châu lục đen không được lơ là cảnh giác trước dịch bệnh nhằm tránh để xảy ra trường hợp tương tự như ở Ấn Độ.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong nhận định: nhìn chung, lục địa đen không có đủ nhân lực, giường bệnh và oxy. Do đó, nếu số ca nhiễm mới tại châu lục với 1,3 tỉ dân này tăng như mức độ hiện nay tại Ấn Độ, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa.

Ông kêu gọi người dân đeo khẩu trang và tránh tụ tập. Theo kế hoạch, Liên minh châu Phi (AU) sẽ triệu tập cuộc họp với sự tham dự của tất cả bộ trưởng y tế trong châu lục vào ngày 8-5 tới để cảnh báo người dân.

BÌNH AN – TÚ ANH
TTO