22/01/2025

Gạo ST25 ‘ngon nhất thế giới’ và chuyện vất vả đi đòi thương hiệu

Gạo ST25 ‘ngon nhất thế giới’ và chuyện vất vả đi đòi thương hiệu

Thương hiệu gạo ST25 Việt Nam trước nguy cơ bị “đánh cắp” ở Mỹ khi có đến 4 doanh nghiệp ở xứ cờ hoa đã nhanh tay đăng ký bảo hộ loại “gạo ngon nhất thế giới” này chỉ là sự việc nối dài chuỗi câu chuyện bài học kinh doanh của doanh nghiệp Việt.

 

 

 

Gạo ST25 ‘ngon nhất thế giới’ và chuyện vất vả đi đòi thương hiệu - Ảnh 1.

Giới doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bao phen “ngẩn ngơ” khi chứng kiến những thương hiệu bị “chuyển hộ khẩu” như bia Sài Gòn tại Mỹ và Canada, bánh phồng tôm Sa Giang tại Pháp và châu Âu, cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi ở Mỹ, hay kẹo dừa Bến Tre, mít sấy Vinamit tại Trung Quốc, nước mắm Phú Quốc… đã từng “chịu trận” vì chậm chân trong bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài.

Phải rất vất vả, kẹo dừa Bến Tre mới trở về quê hương ở miền Tây, còn Vinamit cũng bao phen lao tâm khổ tứ mới lấy lại được thương hiệu của mình từ tay đối tác Trung Quốc…

Điều đáng tiếc, câu chuyện thương hiệu gạo ST25 lại xảy ra vào đúng thời điểm Việt Nam tham gia năng động sân chơi toàn cầu với hàng loạt hiệp định thương mại FTA để doanh nghiệp bước chân ra thương trường quốc tế.

Nhưng dường như câu chuyện về tài sản trí tuệ, vốn là một trụ cột quan trọng trong bất kỳ FTA nào, lại chỉ mới được thực hiện tốt từ chiều ngoài vào, còn giới doanh nghiệp Việt Nam hãy còn khá loay hoay.

Luật sư Nguyễn Tấn Hoa cho biết từ năm 1979 khi ông có cơ hội sang Pháp và phát hiện những chai nước mắm Phú Quốc được ghi chữ Việt nhưng phía dưới nơi sản xuất lại “loằng ngoằng tiếng Thái”. Lúc đó, ông Hoa mới “lật đật xem lại các quy định về bảo hộ thương hiệu” thì thấy “chúng ta ngây thơ” quá.

Gạo ST25 ‘ngon nhất thế giới’ và chuyện vất vả đi đòi thương hiệu - Ảnh 2.

Nước mắm Phú Quốc

Hay từng có trường hợp, một người bạn của ông Hoa là tác giả của một font chữ mới, sau khi nghĩ ra liền khoe ngay với người khác. Người bạn kia sau khi xem thì thấy hay quá và phát hiện font chữ này chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ nên liền tay đăng ký. Cuối cùng hai người này dẫn nhau ra tòa, dù có biện minh thế nào thì tòa vẫn kết luận “mình sáng tạo ra trước mà mình quên đăng ký” vậy cũng như không.

Những sự việc như vậy diễn ra hàng chục năm nay, tại sao lặp lại với những thương hiệu rất quen thuộc của Việt Nam. Luật chơi về sở hữu trí tuệ đã rất rõ, nhưng dường như không nhiều doanh nghiệp dõi theo nhịp sống thương trường này, mà câu chuyện gạo ST25 là một ví dụ mới nhất.

“Trên thị trường quốc tế, khi một thương hiệu nổi tiếng, thì sẽ có người nhanh tay tra cứu trên hệ thống công bố toàn cầu là có ai đăng ký chưa. Nếu chưa có thì tìm hiểu thông tin và họ sẽ đăng ký ngay”, luật sư Hoa nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Đại Dương – phó giám đốc One IBC, tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ nước ngoài – cho biết, tại Việt Nam, vấn đề bản quyền và bảo hộ thương hiệu chưa thực sự được các doanh nghiệp ý thức và có sự quan tâm cần thiết.

“Ngay cả một số doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong nước, khi tìm đến chúng tôi vẫn còn mơ hồ cho rằng mình đã đăng ký tại Việt Nam thì sẽ được bảo hộ trên toàn cầu. Trên thực tế, có đến hàng trăm loại bảo hộ thương hiệu khác nhau, với quyền hạn và phạm vi áp dụng khác nhau. Do đó, vai trò của chúng tôi là tư vấn và cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu phù hợp nhất với thị trường và nhu cầu của mỗi khách hàng”, ông Dương nói.

Gạo ST25 ‘ngon nhất thế giới’ và chuyện vất vả đi đòi thương hiệu - Ảnh 3.

Thương hiệu gạo ST25 Việt Nam bị “đánh cắp” ở nước ngoài không còn là câu chuyện riêng đối với một doanh nghiệp Hồ Quang Trí mà đã trở thành tiếng chuông báo động của một thương hiệu quốc gia “gạo Việt Nam ngon nhất thế giới”.

Nói như thế để thấy, một mặt, doanh nghiệp cần phải bảo vệ chính thương hiệu, “con đẻ” của mình, mặt khác Nhà nước cũng chung tay lo bảo vệ thương hiệu quốc gia và giúp đỡ các doanh nghiệp trong chuyện này, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Không những vậy, đã đến lúc cũng phải thay đổi cách thức đưa hàng ra quốc tế. Một thời gian dài, hàng Việt xuất khẩu thường chọn bán qua khâu trung gian, doanh nghiệp chỉ biết bán hàng, còn vấn đề thương hiệu, đăng ký nhận diện thương hiệu, đăng ký bảo hộ… gần như không biết gì.

Đây chính là kẽ hở để các đối tác nước ngoài “lấy cắp” thương hiệu, trong khi nhãn hiệu hàng hóa là một tài sản trí tuệ quý giá, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh.

Đã là tài sản quý giá, như trong trường hợp “gạo ngon nhất thế giới” của ST25 thì cần phải bảo vệ thương hiệu thật tốt. Một mặt không nên quá kín tiếng dù “hữu xạ tự nhiên hương”, mặt khác, cần đẩy mạnh công bố chất lượng sản phẩm để tránh tình trạng người tiêu dùng mua nhầm gạo không phải ST25 dẫn đến có những đánh giá sai về chất lượng gạo, ảnh hưởng uy tín thương hiệu gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam.

HẢI KIM
TTO