15/11/2024

Vì sao chi tiêu quân sự toàn cầu bất ngờ tăng vọt, bất chấp đại dịch?

Vì sao chi tiêu quân sự toàn cầu bất ngờ tăng vọt, bất chấp đại dịch?

Báo cáo thường niên bất ngờ cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu có mức tăng cao nhất so với GDP, kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ /// AFP
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ AFP
Hãng AFP ngày 26.4 dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) cho thấy chi tiêu quân sự trên thế giới tăng lên gần 2.000 tỉ USD trong năm 2020, bất chấp tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2020 đạt 1.981 tỉ USD, tăng 2,6% so với năm 2019, trong khi GDP toàn cầu sụt giảm 4,4% cùng kỳ.
Chuyên gia Diego Lopes da Silva, một trong những tác giả báo cáo, cho biết con số tăng trưởng gây bất ngờ. “Do đại dịch, mọi người cứ nghĩ chi tiêu quân sự sẽ giảm. Nhưng có thể kết luận khá chắc chắn rằng Covid-19 không gây tác động lớn đối với chi tiêu quân sự toàn cầu, ít nhất là trong năm 2020”, ông nhận định.
Tuy nhiên, ông thận trọng cho rằng do bản chất nên việc chi tiêu quân sự nên có thể khiến các nước cần có thời gian để “thích nghi với cú sốc”.
Việc tăng chi tiêu quân sự trong một năm kinh tế bị ảnh hưởng cũng đồng nghĩa với việc tăng gánh nặng quân sự, tức tỷ lệ chi tiêu quân sự tính trên GDP. Tỷ lệ này tăng lên 2,4% so với mức 2,2% vào năm 2019, mức tăng cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009.
Kết quả là nhiều thành viên NATO đáp ứng mục tiêu của liên minh này về việc chi ít nhất 2% GDP cho lĩnh vực quân sự, với 12 nước đạt chỉ tiêu vào năm 2020 so với chỉ 9 nước vào năm 2019.

Mỹ, Trung Quốc tăng liên tục

Đến nay, 2 nước dẫn đầu về chi tiêu quân sự vẫn là Mỹ và Trung Quốc, trong đó Washington chiếm 39% và Bắc Kinh chiếm 13% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế, và đã tăng liên tục trong 26 năm, với mức chi 252 tỉ USD trong năm ngoái. Mỹ cũng tăng chi tiêu quân sự trong 3 năm liên tiếp, sau 7 năm giảm.
“Điều này phản ánh lo ngại gia tăng đối với những mối đe dọa từ những đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga, cũng như việc chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn củng cố cái bị coi là quân đội suy yếu của Mỹ”, theo ông Alexandra Marksteiner, đồng tác giả báo cáo.
Ông Lopes da Silva nhận định thêm rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ giảm chi tiêu quân sự.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy đại dịch ảnh hưởng đến chi tiêu quân sự tại một số nước, trong đó có Hàn Quốc và Chile.
“Các nước khác như Nga và Brazil không nói thẳng rằng việc phân phối ngân sách quốc phòng thay đổi do đại dịch, nhưng họ chi tiêu ít hơn đáng kể so với kế hoạch ngân sách ban đầu cho năm 2020”, theo ông Lopes da Silva.
Một số nước như Hungary tăng chi tiêu quân sự “nằm trong gói kích cầu nhằm đối phó đại dịch”.
KHÁNH AN
TNO