23/12/2024

Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… “sát thủ” âm thầm tàn phá sức khỏe người trẻ

Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… “sát thủ” âm thầm tàn phá sức khỏe người trẻ

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim – 3 bệnh hiểm nghèo nguy hiểm – đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là ở người trẻ.

 

 

Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ lối sống thiếu khoa học như: thức khuya, lười vận động, sinh hoạt thiếu điều độ, hút thuốc lá, lạm dụng chất kích thích…

Trong đó, đột quỵ được ví như “sát thủ giấu mặt”, là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch nhưng đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật.

Phát hiện bệnh là… giai đoạn cuối

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng – giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 30.000 ca bệnh mới mắc, lứa tuổi 20 – 39 chiếm khoảng 15,8%. Trước đó, giai đoạn 1997-2007, số người mắc ở lứa tuổi này chỉ khoảng 11,8%.

“Bệnh ung thư trên người trẻ thường diễn tiến rất nhanh. Nhiều bệnh nhân đến khám lần đầu tiên đã phát hiện mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Một phần dẫn đến thực trạng này có thể do người trẻ ít quan tâm đến sức khỏe bản thân, ít thăm khám định kỳ, tầm soát… nên đi khám là đã có bệnh rồi và ở giai đoạn thực sự khó khăn” – bác sĩ Dũng nói.

Các loại bệnh ung thư thường gặp trong độ tuổi 20 – 39 có xu hướng tăng rõ rệt gồm: ung thư tuyến giáp (cả nam và nữ), ung thư vú, ung thư cổ tử cung, các u ác vùng hầu mũi.

Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… “sát thủ” âm thầm tàn phá sức khỏe người trẻ - Ảnh 1.

Trước tình hình các bệnh hiểm nghèo đang ngày càng trẻ hóa tại Việt Nam, nhiều chương trình kêu gọi “người trẻ” tích cực rèn luyện sức khỏe đã được triển khai. Gần đây nhất là chương trình “3Plank thử thách” của FWD kêu gọi người trẻ tham gia plank và gây quỹ ủng hộ bệnh nhân ung thư và tim mạch

Đột quỵ, nhồi máu cơ tim tàn phá ghê gớm hơn cả tử vong

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường – giám đốc Bệnh viện Đột quỵ – tim mạch Cần Thơ – cho biết trong năm 2020, bệnh viện đã điều trị cho hơn 60.000 bệnh nhân đột quỵ, mỗi ngày cấp cứu không dưới 20 bệnh nhân bị đột quỵ.

“Thời gian gần đây, ở Bệnh viện Đột quỵ – tim mạch Cần Thơ ghi nhận rất nhiều ca bệnh mắc đột quỵ trẻ tuổi, dưới 50 tuổi rất nhiều, thậm chí có trường hợp 29 tuổi. Và ngược lai, nhiều bệnh nhân trên 70 tuổi khi đến khám, tầm soát lại không xuất hiện dấu hiệu nguy cơ đột quỵ. Khi khai thác 2 sự khác biệt đó, chúng tôi thấy chính lối sống của chúng ta làm gia tăng bệnh đột quỵ trong cộng đồng” – bác sĩ Cường nói.

Di chứng do những “sát thủ âm thầm” này để lại đang trở thành một vấn đề lớn cho cả gia đình lẫn xã hội. Nhiều người đang là trụ cột của gia đình bỗng thành người tàn phế, sống hoàn toàn phụ thuộc vào người thân.

Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… “sát thủ” âm thầm tàn phá sức khỏe người trẻ - Ảnh 2.

Bệnh đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa

Anh Trương Văn L., sinh năm 1984, là trưởng đại diện một tập đoàn đa quốc gia có văn phòng tại TP.HCM. Do công việc nhiều nên anh L. không có thời gian tập thể dục, thường xuyên thức khuya để làm việc với các đối tác ở châu Âu, ăn đêm nhiều nên béo phì. Tháng 10-2020, anh bất ngờ bị đột quỵ dù trước đó không có một dấu hiệu nào về sức khỏe. Hiện tại anh L. phải bỏ công việc tại TP.HCM để về quê nhờ ba mẹ chăm sóc, sức khỏe hồi phục chậm, giao tiếp kém và đi lại phải dùng xe đẩy.

Dấu hiệu của một người bị đột quỵ khá dễ nhận biết, người bình thường cũng có thể chẩn đoán được: đột nhiên bị yếu nửa người, tay, chân cùng một bên; méo miệng; nói đớ, ú ớ hoặc hỏi câu này người bệnh trả lời câu khác…

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Đình Thanh – giám đốc Bệnh viện Thống Nhất – cho biết: “Đa số người trẻ nhập viện trong tình trạng đau tức ngực sau khi vận động mạnh như chơi thể thao hoặc làm việc quá sức, có nhiều trường hợp lần đầu tiên vào bệnh viện đã rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim. Nhiều trường hợp mắc tim bẩm sinh hoặc có nguy cơ tiềm ẩn nhưng siêu âm bình thường không thể nào phát hiện được, cần phải làm những xét nghiệm chuyên sâu. Đây cũng là một trong những lý do nhiều người có bệnh nhưng không hề biết”.

Những người trẻ khi vận động quá sức mà xuất hiện những cơn đau nhói ngực thì không nên tiếp tục, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và theo dõi.

Đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thường gặp nhất là những người thừa cân, béo phì, vòng bụng lớn, có rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và đặc biệt là ở bệnh nhân hút thuốc lá.

Đối với bệnh tăng huyết áp cũng vậy, hiện rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 30 – 35 mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch và thậm chí là không ít trong số đó tử vong do nhồi máu cơ tim.

Căn bệnh “nặng tiền”

Các chi phí điều trị đột quỵ tùy thuộc vào chỉ định can thiệp cụ thể, thời điểm bệnh nhân vào sớm hay muộn, có biến chứng kéo dài hay không. Nếu bệnh nhân được đưa vào bệnh viện sớm (tốt nhất là trong 4h30 phút kể từ khi khỏi bệnh, không có chỉ định can thiệp), chi phí điều trị sẽ trong khoảng 20 triệu đồng. Nếu bệnh nhân có chỉ định can thiệp, chi phí điều trị sẽ trong khoảng 60 – 200 triệu đồng. Trường hợp bệnh nhân bị biến chứng, liệt, cần nhiều người hỗ trợ, chăm sóc thì chi phí là khó có thể tính toán hết.

Chi phí của cấp cứu tim mạch tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi bệnh nhân, người bệnh phải chi trả phần vượt trội so với quy định của bảo hiểm y tế.

Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… “sát thủ” âm thầm tàn phá sức khỏe người trẻ - Ảnh 3.

Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim được xem là những căn bệnh “nặng tiền”

“Đối với bệnh nhân ung thư, nếu không có bảo hiểm thì chắc chắn không thể điều trị được, thời gian điều trị kéo dài, các kỹ thuật điều trị đều đắt tiền. Khi phát hiện bệnh càng sớm thì chi phí điều trị sẽ rẻ hơn rất nhiều và thành công sẽ lớn hơn. Do đó, vấn đề khám bệnh định kỳ và tầm soát cụ thể theo từng loại bệnh sẽ là điều quyết định” – tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng – giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – nói.

Thực tế cho thấy nhiều người chúng ta còn khá chủ quan với các bệnh hiểm nghèo, và khi mắc bệnh thì rất khổ sở vì không có tiền chữa trị.

Bà Nguyễn Thị Phương Anh – phó tổng giám đốc Phát Triển Các Dự Án Chiến Lược Và Thương Hiệu của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam – nhận định: “Nhiều người chúng ta vẫn chưa coi trọng việc có một nguồn tài chính dự phòng cho những lúc không may mắc các căn bệnh tốn kém như ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Một nguyên nhân khác là do nhiều người không biết và không có cơ hội tiếp cận với các giải pháp bảo hiểm có thể giúp họ giải quyết vấn đề này. Đây là điều mà những công ty bảo hiểm như FWD đang nỗ lực thay đổi, mang những sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu đến với nhiều người hơn để họ biết về vai trò của bảo hiểm, tham gia để bảo vệ mình”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2012 trên toàn cầu có 14,1 triệu ca ung thư mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong, thì dự báo đến năm 2030 sẽ có 21,7 triệu ca mắc mới, 13 triệu ca tử vong. Sự gia tăng này chủ yếu ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cứ 45 giây trôi qua chúng ta có 1 trường hợp đột quỵ mới mắc và cứ 3 phút trôi qua thì sẽ có 1 trường hợp tử vong do đột quỵ. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 15 triệu người mắc bệnh đột quỵ. Tính riêng ở Việt Nam, hằng năm có 200.000 người mắc bệnh đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch, cao hơn cả số tử vong do ung thư. Bệnh tim mạch hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và số người mắc căn bệnh này ở lứa tuổi trẻ ngày càng tăng.

Những thông tin liên quan đến 3 căn bệnh nguy hiểm này sẽ có trong Talk Show Bảo vệ bạn trước 3 bệnh hiểm nghèo phổ biến: ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim – Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam tổ chức.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia y tế đầu ngành uy tín: TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh – chuyên khoa ung bướu, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM;

* Thạc sĩ – bác sĩ Trần Hòa, phó trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM;

* Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM;

* Bà Nguyễn Phương Anh – phó tổng giám đốc phát triển các dự án chiến lược và thương hiệu của FWD Việt Nam.

 

THẾ SẢY – MỸ THƯƠNG

TTO