15/11/2024

Lý trí át tình cảm

Nhờ vai trò ngoại giao trung gian hòa giải của Iraq, Ả Rập Xê Út và Iran đã tiến hành những cuộc tiếp xúc đầu tiên trực tiếp kể từ khi Ả Rập Xê Út cắt quan hệ ngoại giao với Iran cách đây hơn 5 năm.
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman (phải) và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi thăm thành phố cổ Ad Diriyah gần thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út /// Reuters
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman (phải) và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi thăm thành phố cổ Ad Diriyah gần thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út  REUTERS
Con đường hai bên phải đi để tiến tới bình thường hóa quan hệ vẫn còn rất xa, nhưng ít nhất cũng đã cùng khởi hành về hướng ấy. Không phải biến động của tình hình chính trị xã hội nội bộ ở bên trong, mà thời cuộc bên ngoài thay đổi đã buộc hai bên phải suy tính lại mối quan hệ song phương.
Nguyên do quyết định nhất khiến cả hai phía đều phải thức tỉnh lý trí là sự thay đổi chính quyền ở Mỹ chuyển tiếp từ ông Donald Trump sang ông Joe Biden và tình trạng sa lầy của cả hai nước này vào cuộc chiến tranh ở Yemen.
Ông Biden không nuông chiều Ả Rập Xê Út và Israel như ông Trump trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh nói chung, và đối với Israel cũng như cuộc chiến tranh ở Yemen nói riêng.
Chính quyền của ông Biden đã chấm dứt sự ủng hộ dành cho cuộc chiến tranh của Ả Rập Xê Út ở Yemen và chủ trương cùng Iran trở lại thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Tehran. Iran cũng muốn lôi kéo Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận và phân hóa Washington với các đồng minh trong khu vực.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran vì thế sẽ biến chuyển. Ả Rập Xê Út có nhu cầu càng cấp thiết chấm dứt cuộc chiến tranh ở Yemen. Vì thế, hòa giải vừa là thượng sách vừa là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất của họ.
PHẠM LỮ
TNO