23/12/2024

Khi doanh nghiệp sản xuất đua nhau lấn sân sang… buôn đất

Khi doanh nghiệp sản xuất đua nhau lấn sân sang… buôn đất

Không ít doanh nghiệp sản xuất đang thu hẹp ngành chính, thậm chí đóng cửa, để chuyển qua kinh doanh bất động sản.
Hình ảnh sản xuất tại Cơ khí 19-8 ngày còn... sáng đèn /// Ảnh Chí Hiếu

Hình ảnh sản xuất tại Cơ khí 19-8 ngày còn… sáng đèn  ẢNH CHÍ HIẾU

1. Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí 19-8, tiếp tôi trong một văn phòng sang trọng ở trụ sở, với bộ vest xanh, áo sơ mi trắng.

Trước khi lên H.Sóc Sơn (Hà Nội) trong một chuyến thực tế muốn tìm hiểu về ngành cơ khí cách đây ít lâu, tôi được một người bạn thân miêu tả rằng “ông Tuấn Anh lúc nào cũng lọ mọ trong xưởng, người thì lấm lem dầu mỡ nên em chào thôi chứ đừng bắt tay”. Thế nên, khi gặp ông trong bộ vest, tôi đã buột miệng nói vui rằng: “Trông anh giống môi giới bất động sản, chuyên viên ngân hàng, bảo hiểm hơn một người làm cơ khí”.
“Sao em biết? Anh làm bất động sản thật. Để kiếm sống, kiếm tiền nuôi ngành cơ khí”, ông đáp lại khiến tôi thêm một lần “giật mình”.
Sản phẩm nhíp của Cơ khí 19-8 đạt tiêu chuẩn DIN của ngành công nghiệp Đức, từng bán vào châu Âu vài năm qua, có năm nhiều thì thu về gần chục triệu USD, nhưng ông bảo “không đủ sống”, lợi nhuận rất thấp mà chi phí thì lớn, nên phải đi buôn đất để có tiền giữ anh em.
Khi doanh nghiệp sản xuất đua nhau lấn sân sang... buôn đất - ảnh 1

Ông Trần Tuấn Anh những ngày đi buôn đất để có tiền theo đuổi ngành cơ khí  CHÍ HIẾU

Theo ông Tuấn Anh, thật ra, với dung lượng thị trường ô tô trong nước, nếu bán được ở nội địa thôi thì cũng sống dư giả, nhưng ông đã chào hàng rất nhiều, với giá rất cạnh tranh, thậm chí có lúc “gần như mời không” mà số lượng bán rất hạn chế. Lân la tìm hiểu, ông đoán rằng đa phần muốn vào chuỗi cung ứng của một “ông lớn” ô tô đa quốc gia, phải được sự gật đầu của doanh nghiệp đứng đầu chuỗi chứ không đơn giản muốn là vào.
Thế mà trong câu chuyện mới nhất với tôi hôm nay, ông Tuấn Anh bảo phải tạm ngừng nhà máy, đi “làm linh tinh” để chờ ngày được lăn trở lại hết mình với ngành nghề cơ khí được học và đã ăn vào máu.

2. Đem câu chuyện này kể cho một cán bộ quản lý ngành công nghiệp nước nhà, tôi được ông chia sẻ lại bằng một chuyện khác mà theo ông là “đau xót hơn nhiều”. “Anh không tiện nêu tên, nhưng đó là một doanh nghiệp trong Nam. Họ mất đến 4 năm phấn đấu mới đạt điều kiện là vendor (nhà cung cấp) cấp 2 cho tập đoàn hàng đầu thế giới có nhiều nhà máy ở Việt Nam, nhưng đạt được rồi thì bỗng họ bỏ ngang để chuyển sang làm bất động sản vì thấy lãi hơn nhiều”, ông nói.

Ông khẳng định không phải doanh nghiệp nội không làm được ốc vít cho Samsung như báo chí nói vài năm trước, mà bởi ngành này vất vả, lợi nhuận không lớn nhưng phải đầu tư nhiều. “Còn chính sách để khuyến khích thì nói mãi nhưng không ra được, hoặc ra nhưng không khả thi khi triển khai. Trong khi cả làng ầm ầm đi buôn đất, ít thì lãi 30 – 50%/năm, thậm chí 100% cũng không phải là hiếm, nên bảo sao chúng ta ít tỉ phú sản xuất mà nhiều tỉ phú bất động sản”, ông nói.
Tuần trước, một chuyên gia kinh tế thông thạo mấy ngoại ngữ, từng có trên 30 năm làm cơ khí với cả người Nhật, người Hàn, người Trung Quốc, đã phải thốt lên khi đọc báo cáo tài chính của một “ông lớn” ngành chăn nuôi. Đó là bởi lợi nhuận thu được từ nuôi lợn năm qua của họ vô cùng lớn, nhưng năm nay doanh nghiệp này cũng bắt đầu lấn sân sang… bất động sản.
Từng đứng đầu doanh nghiệp cơ khí lớn, vị chuyên gia này hiểu đã là doanh nghiệp, thấy lợi nhuận thì làm, và kinh doanh đa mảng cũng là để phòng khi một mảng nào đó khó khăn còn có mảng khác bù vào. Nhưng ông không khỏi tiếc nuối, bởi một đất nước nông nghiệp như Việt Nam mà đến thức ăn chăn nuôi cũng đi nhập phần lớn, từ ngô, đậu… Và một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ngành chăn nuôi thì lại là một cái tên đến từ khối vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn doanh nghiệp nội thì dần chuyển sang… đi buôn đất.
“Chúng ta cứ nói phải lót ổ cho đại bàng, thu hút những con chim lớn về đây, điều đó không sai. Nhưng đến những lĩnh vực thế mạnh, hoặc những ngành rất vừa sức cho doanh nghiệp nội tự làm lấy như công nghiệp nhẹ, chăn nuôi mà không có chính sách để thúc đẩy, thì rồi đây sẽ tự chủ thế nào, hay đến thức ăn cho chim sẻ cũng sẽ bị đại bàng ăn hết?”, ông hỏi.
Khi doanh nghiệp sản xuất đua nhau lấn sân sang... buôn đất - ảnh 2

Những dây chuyền được thực hiện bằng rô bốt bên trong nhà máy ô tô Trường Hải – một “ông lớn” thuần Việt của ngành công nghiệp Việt Nam  ẢNH CHÍ HIẾU

Theo ông, chúng ta không phân biệt đối xử trong thu hút đầu tư, nhưng thực tiễn cho thấy rất nhiều địa phương đua nhau trải thảm, mời doanh nghiệp nước ngoài vào với đủ ưu đãi từ đất đai, điện giá rẻ, thuế thấp… đến khi hết ưu đãi họ dọn đi mà không hề có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp nội hay tạo ra sự lan toả. “Nhiều lãnh đạo cấp cao yêu cầu phải khắc phục chuyện 2 nền kinh tế trong 1 nền kinh tế là vì vậy”, ông phân tích.

3. Trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 vừa công bố mươi ngày trước, có một con số rất đáng báo động, đó là số lượng “các chim sẻ” FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Báo cáo cho hay, lần đầu tiên trong 11 năm điều tra PCI, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có dưới 5 lao động đã vượt quá 10%. Tỷ lệ doanh nghiệp có từ 5 – 9 lao động cũng tăng từ 10,6 lên 11,3%.
Dấu hiệu “đảo ngược” này cũng diễn ra với quy mô vốn chủ sở hữu. Theo đó, năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp (FDI) có số vốn dưới 0,5 tỉ đồng chỉ là 9,8%. Một năm sau, con số này tăng lên mức cao kỷ lục 13,1%. Với nhóm doanh nghiệp lớn, chỉ có 3,7% doanh nghiệp FDI có số vốn chủ sở hữu từ 200 – 500 tỉ đồng, và chỉ 4,6% doanh nghiệp có số vốn trên 500 tỉ đồng (so với con số tương ứng 5,0 và 5,1% năm 2019).
Điều này, theo các chuyên gia, có thể thấy các đại bàng khi đến Việt Nam làm tổ đã mang theo nhiều “chim sẻ” từ nước họ. “Chính những chim sẻ này sẽ làm cho những mẫu thức ăn vụn của doanh nghiệp nội sẽ ngày càng ít đi. Hay nói trắng ra là cơ hội việc làm, làm vệ tinh cho các công ty FDI của doanh nghiệp nội cũng ít đi, nếu còn thì đa số là xương xẩu”, một chuyên gia bình luận.
Trang website của Bộ Công thương cuối tuần qua đưa tin, những ngày đầu tiên bắt tay vào công việc mới, tân Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Công nghiệp tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nền tảng, chế biến, chế tạo. Qua đó, hình thành trung tâm phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như luyện kim, hoá chất và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp Việt tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Liệu 5 năm trong nhiệm kỳ của ông Diên, nền công nghiệp sẽ thoát được cảnh “2 nền kinh tế trong 1 nền kinh tế”? Liệu công nghiệp nội địa có khởi sắc, để chạy đà, góp phần hiện thực hoá mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.
CHÍ HIẾU
TNO