23/12/2024

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, nguy cơ thiếu thực phẩm vào quý 2 và 3-2021?

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, nguy cơ thiếu thực phẩm vào quý 2 và 3-2021?

Dự báo giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng tối thiểu 500 – 1.000 đồng/kg, trong khi lượng sản xuất con giống gia cầm trong quý 1-2021 giảm 50%.

 

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, nguy cơ thiếu thực phẩm vào quý 2 và 3-2021? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói bộ sẽ kiến nghị Chính phủ giảm thuế một số nguyên liệu nhập khẩu như ngô, lúa mì… để giảm giá thức ăn chăn nuôi – Ảnh: CHÍ TUỆ

Sáng 26-4, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới. Đặc biệt là bàn giải pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, từ cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi tăng 20 – 30%, trong khi đó giá gia cầm nhiều tháng qua rất thấp, tiêu thụ thủy sản cũng gặp khó, như vậy bảo đảm được không.

Trước bối cảnh này, làm thế nào để đạt được sản lượng 8,6 triệu tấn thủy sản, xuất khẩu 85 tỉ USD, chăn nuôi đạt trên 5,5 triệu tấn thịt, 1,2 triệu tấn sữa…

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết trong tháng 4-2021, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng 2,7 – 3,3% so với quý 1-2021, lên mức 10.995 đồng/kg đối với thức ăn cho gà thịt lông trắng, 10.697 đồng/kg đối với heo thịt.

“Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý 2-2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7-2021.

Do đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tăng tối thiểu 5 – 10% (500 – 1.000 đồng/kg) tùy loại để đạt mức tăng 20% thì mới dừng lại, khi đó thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo và gà có thể sẽ lên 11.000 – 11.300 đồng/kg” – ông Dương nhận định.

Theo ông Dương, nguyên nhân do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa tăng trung bình 200 – 300%.

“Giá nguyên liệu như ngô, lúa mì có xu hướng tăng nhanh do những lo ngại về nhu cầu thu mua của Trung Quốc tăng cao, cũng như tình trạng hạn hán tại Brazil có thể ảnh hưởng đến sản xuất ngô của nước này.

Argentina là nước cung cấp số lượng ngô, đậu tương. Khô dầu đậu tương thế giới đình lại tại các cảng biển trong tháng 1 và 2-2020 làm cản trở việc xuất khẩu các lô hàng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam” – ông Dương nói.

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, nguy cơ thiếu thực phẩm vào quý 2 và 3-2021? - Ảnh 2.

Dự báo giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng tối thiểu 500 – 1.000 đồng/kg – Ảnh: TRẦN MẠNH

Theo ông Dương, giá thức ăn chăn nuôi tăng ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi gia cầm. Thời gian qua, giá bán gia cầm rất thấp, hiện giá gà thịt lông màu ngắn ngày trung bình 31.000 đồng/kg, gà thịt 21.800 – 25.000 đồng/kg.

“Giá thức ăn tăng gây khó khăn cho người chăn nuôi. Nếu người dân nuôi không duy trì quy mô đàn thì nguy cơ thiếu sản phẩm thịt gà vào quý 2 và 3-2021.

Giá thịt gia cầm có thể tăng từ tháng 5 trở đi do lượng sản xuất con giống trong quý 1-2021 giảm 50% so với quý 4-2020, nên dự báo nguồn cung gia cầm có thể thiếu trong các tháng tới” – ông Dương nói.

Ông Trần Đình Luân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết giá nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản tăng mạnh từ đầu năm 2021, có loại thức ăn tăng hơn 10%.

“Điều này rất đáng quan ngại vì giá thủy sản cao hơn so với một số nước trong khu vực, đây là điều bất lợi khi xuất khẩu, tính cạnh tranh sẽ yếu đi” – ông Luân nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết bộ sẽ rà soát lại một số cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ để trình Chính phủ giảm thuế một số nguyên liệu nhập khẩu như ngô, lúa mì…

“Đồng thời đề nghị các công ty sản xuất thức ăn cần tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu, giảm các chi phí sản xuất để giảm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm, giữ ở mức độ hợp lý” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

CHÍ TUỆ
TTO