23/12/2024

Đến gian hàng để biết cụ thể hơn về nghề nghiệp

Đến gian hàng để biết cụ thể hơn về nghề nghiệp

Không chỉ tìm hiểu thông tin về cách xét tuyển, học phí, học bổng, chương trình học…, rất nhiều học sinh đến các gian hàng triển lãm trải nghiệm những hoạt động liên quan ngành nghề để hiểu rõ hơn về nghề nghiệp tương lai
Học sinh thích thú với robot đi xung quanh khu vực gian hàng /// MỸ QUYÊN
Học sinh thích thú với robot đi xung quanh khu vực gian hàng   MỸ QUYÊN

Tranh luận luôn thắng thì học ngành gì ?

Có mặt tại gian hàng của Trường ĐH Luật TP.HCM, Phan Thanh Ngọc Bảo, học sinh (HS) Trường THPT Trần Văn Ơn (Bình Dương) chăm chú đặt câu hỏi với cán bộ tuyển sinh: “Em tự thấy bản thân mình có tính cách hòa đồng, hay… cãi và mỗi lần tranh luận điều gì với bạn bè thì em thường xuyên… chiến thắng. Em tự hỏi liệu với tố chất này thì mình nên học ngành gì sẽ phù hợp. Liệu em có nên chọn ngành luật hay không?”.
Thạc sĩ Vũ Đình Lê, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, nhìn nhận rất nhiều HS dù mới đang học lớp 11 nhưng đã xác định được mình sau này muốn học ngành gì và đã nắm được ít nhiều thông tin. “Tuy nhiên, các em đến gian hàng để tìm hiểu thêm về cách xét tuyển của ngành, trường mình chọn, điểm chuẩn ngành đó ở mức nào, học xong sẽ làm công việc cụ thể ra sao… Từ những thông tin này, các em sẽ có thêm tự tin để quyết định, hoặc nếu thấy không phù hợp thì sẽ tìm hiểu ngành khác phù hợp hơn”, thạc sĩ Lê cho hay.
Tại gian hàng của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Nguyễn Quốc Việt, sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật công nghiệp của trường, luôn tay khắc tên lên những chiếc móc khóa dễ thương tặng cho HS, đồng thời giải đáp những câu hỏi về ngành học liên quan. Việt nói: “Các em HS rất tò mò về chiếc máy khắc laser dùng để khắc trên gỗ và các vật liệu phi kim này. Đây là sản phẩm do em lắp đặt, có kết nối với máy tính, có thể khắc tên, hoa văn lên các sản phẩm được làm bằng gỗ hay da. Nhờ trực tiếp theo dõi quy trình hoạt động của máy, các em có thể hình dung ra phần nào nội dung học của ngành kỹ nghệ gỗ và nội thất và kỹ thuật công nghiệp”.

Những hình ảnh trực quan sinh động thu hút học sinh

Đến gian hàng để biết cụ thể hơn về nghề nghiệp - ảnh 1

Học sinh gti2m hiểu ngành nghề tại gian hàng của các trường đại học PHẠM HỮU

Nhiều HS tập trung tại gian hàng của Trường ĐH Thủ Dầu Một để tìm hiểu mô hình về robot giao tiếp, máy bay không người lái. Thạc sĩ Lê Đăng Hoa, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Các em rất thích thú vì biết robot giao tiếp có thể nhận diện, xử lý hình ảnh, mô phỏng hành vi của con người, còn máy bay không người lái thì có khả năng ghi nhận hình ảnh, nhận dạng gương mặt… sử dụng cho những việc như cứu người tai nạn, đo sinh trắc khí hậu… ở những địa hình khó. Nhờ vậy HS có thể hiểu được học ngành cơ điện tử và tự động hóa có thể tạo ra những sản phẩm như vậy”.
Cũng ngay trong ngày hội, nhiều HS thích thú khi thấy một “bạn” robot đi vòng quanh để chào mọi người và phát tài liệu. Được biết đây là sản phẩm của Trường ĐH Bình Dương. Tiến sĩ Đỗ Đoan Trang, Phó trưởng ban Tuyển sinh của trường, cho hay: “Các em HS đang trải nghiệm và điều khiển robot do Khoa Công nghệ thông tin chế tạo trên nền tảng IoT. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm, mô hình thuộc các ngành nghề khác như kiến trúc, công nghệ ô tô…, cũng được HS quan tâm”.
Đến gian hàng để biết cụ thể hơn về nghề nghiệp - ảnh 2

Vẽ chân dung, một họat động thu hút học sinh tại các gian hàng PHẠM HỮU

Những chiếc xe mô hình áp dụng IoT kết nối qua điện thoại, có thể điều khiển bằng điện thoại và máy bay không người lái do sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tự lắp đặt cũng thu hút nhiều HS.
Tại gian hàng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, các cán bộ tuyển sinh cũng liên tục đón tiếp HS tới tham quan, tìm hiểu về ngành nghề, phương thức xét tuyển, chỉ tiêu… Nguyễn Thế Quân, HS Trường THPT Tân Phước Khánh, sau khi nghe tư vấn đã cả quyết: “Em rất thích làm bác sĩ. Nhưng với lực học chỉ đạt khoảng 23 – 24 điểm, em biết mình không đủ điểm đậu vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Nhưng vẫn còn một số trường khác tuyển ngành này với mức điểm thấp hơn như ĐH Nguyễn Tất Thành, nên em sẽ vẫn theo đuổi ngành y mà em yêu thích”.
Đến gian hàng để biết cụ thể hơn về nghề nghiệp - ảnh 3

Đông đảo học sinh tham gia tìm hiểu ngành nghề ở các gian hàng   PHẠM HỮU

Nhờ được tận tay trải nghiệm pha chế các món nước tại gian hàng của Trường CĐ Nova, Ngô Phương Hoa, HS Trường THPT Trịnh Hoài Đức, cho biết mình sẽ đăng ký ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Còn Nguyễn Thùy Dương, HS Trường THPT Trần Văn Ơn, sau khi tìm hiểu các mô hình giải phẫu người, chăm sóc điều dưỡng tại gian hàng của Trường CĐ Đại Việt và chứng kiến việc lấy máu để xét nghiệm tại gian hàng của Trường CĐ Viễn Đông, đã hiểu cụ thể hơn về những ngành học liên quan đến khối sức khỏe.
MỸ QUYÊN -ĐỖ TRƯỜNG
TNO