25/12/2024

Vì sao hải quân Mỹ ‘gác chân’ quan sát tàu sân bay Trung Quốc?.

Vì sao hải quân Mỹ ‘gác chân’ quan sát tàu sân bay Trung Quốc

Dù Trung Quốc đang không ngừng phát triển tàu sân bay, nhưng năng lực tác chiến tàu sân bay của nước này hiện chưa đủ sức đe doạ hải quân Mỹ.
Các sĩ quan trên tàu USS Mustin “ngắm” tàu sân bay Liêu Ninh /// Ảnh: US Navy
Các sĩ quan trên tàu USS Mustin “ngắm” tàu sân bay Liêu Ninh ẢNH: US NAVY
Chuyên trang USNI vừa dẫn lời tướng Stephen Townsend, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Phi, phát biểu vào ngày 20.4 với Ủy ban Vũ trang Hạ viện nước này cho hay căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Cộng hòa Djibouti vừa có bến tàu mới đủ lớn để phục vụ cho tàu sân bay. Đây là một trong số nhiều thông tin được công bố gần đây liên quan việc Bắc Kinh đang tăng cường thực lực tàu sân bay.

Mỹ xem nhẹ

Tuy nhiên, một website của Lầu Năm Góc mới đây đã công bố bức ảnh chụp tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc mang ẩn ý “xem nhẹ” đối thủ. Cụ thể, tấm ảnh chụp sĩ quan của tàu khu trục Mỹ USS Mustin (DDG 89) thuộc lớp Arleigh Burke tỏ ra vô cùng bình thản khi ngồi gác chân lên cao để nhìn về tàu sân bay Liêu Ninh đang di chuyển ở trên biển Hoa Đông, với khoảng cách 2 tàu khá gần nhau.

Chiến đấu cơ Mỹ mang tên lửa
bay đến Biển Đông

Bốn chiến đấu cơ F-16 của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản đã bay đến Biển Đông để hội quân với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động tại đây vào ngày 12.4. Theo trang The Drive, các chiến đấu cơ có thể đã cất cánh từ căn cứ Kadena ở Okinawa và được 4 máy bay KC-135 tiếp nhiên liệu. Sau nhiệm vụ, 4 chiếc F-16 bay về căn cứ Yokota ở Tokyo để tiếp nhiên liệu trước khi quay về căn cứ chính Misawa ở miền bắc Nhật Bản.
Hoạt động diễn ra cùng ngày Trung Quốc điều lượng máy bay kỷ lục 25 chiếc đi vào Vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Việc cả 4 chiếc F-16 mang theo tên lửa được cho là nhằm khẳng định năng lực tuần tra tầm xa, gửi tín hiệu đến quân đội Trung Quốc và có thể nhằm đề phòng tình huống bất ngờ.

Bảo Vinh

Thực tế, dù đã vận hành thành nhóm tác chiến tàu sân bay, nhưng tàu Liêu Ninh đến giờ chỉ tập trung vào việc huấn luyện, chứ khó có thể được bố trí các hoạt động chiến đấu. Trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) từng nhận định: “Tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Trung Quốc có lẽ sẽ sớm được chính thức hóa việc chỉ đóng vai trò là tàu huấn luyện, khi nước này bổ sung thêm tàu sân bay”. Chính vì thế, tàu sân bay Liêu Ninh thực tế chưa có sức mạnh tác chiến đủ sức đe dọa hải quân Mỹ.

Trong khi đó, về tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc là Sơn Đông cũng chưa đạt mức hoàn thiện khả năng tác chiến. Đây là chiến hạm thuộc Type-001A và thực chất là một phiên bản nội địa của Trung Quốc được phát triển từ chính chiếc Liêu Ninh. Theo một đoạn video do Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) phát đi hồi đầu tháng 4, tàu sân bay Sơn Đông sắp bước vào giai đoạn bắt đầu tham gia các cuộc tập trận và huấn luyện vào cuối năm nay. Phải trải qua bước này thành công thì tàu Sơn Đông mới đạt được năng lực hoạt động ban đầu (IOC).
Như thế, tàu sân bay Sơn Đông vẫn cần thêm nhiều thời gian để có thể đủ sức hoạt động thực chiến theo hình thức nhóm tác chiến tàu sân bay.

Điểm yếu chưa được giải quyết

Cũng theo đoạn video do CCTV phát đi, máy bay J-15 xuất kích và hạ cánh trên tàu sân bay Sơn Đông cũng chỉ mang theo vài tên lửa tầm ngắn. Bởi thực tế, tàu sân bay Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn đối với dòng máy bay J-15.
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng máy bay J-15 quá nặng để cất và hạ cánh trên tàu sân bay. Cụ thể, J-15 có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh lên đến 33 tấn, còn máy bay F/A-18 trên tàu sân bay Mỹ có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh là 23 tấn. Trong khi đó, không chỉ ngắn và nhỏ hơn các tàu sân bay Mỹ hiện tại, các tàu sân bay Trung Quốc cũng không được trang bị bộ phóng máy bay.
So sánh với tàu Ấn Độ INS Vikrant có kích thước gần tương đương tàu Liêu Ninh thì loại chiến đấu cơ mà Ấn Độ dùng kèm theo là Mig 29 có tổng trọng lượng khi cất cánh chỉ 18 tấn, chỉ bằng 55% so với J-15. Như thế, máy bay quá nặng và thiếu bộ phóng máy bay nên các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông sẽ gặp nhiều hạn chế.
Trong khi đó, giải pháp của Trung Quốc về việc sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản tàu sân bay vẫn chưa rõ khi nào có thể thực hiện.
Với các điều kiện thực tế vừa nêu, nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc hiện chỉ ở mức phô diễn, thị uy chứ chưa đủ sức khiến hải quân Mỹ lo ngại.
HOÀNG ĐÌNH
TNO