25/12/2024

Nguy cơ ‘vỡ trận’ 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam

Nguy cơ ‘vỡ trận’ 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam

Ba dự án đối tác công tư (PPP) cao tốc Bắc – Nam đã lựa chọn xong nhà đầu tư, nhưng đang “mắc kẹt” trong vòng thương thảo.
Dự án Mai Sơn - QL45 theo hình thức PPP đã phải chuyển sang đầu tư công /// Ảnh: Mạnh Hưng

Dự án Mai Sơn – QL45 theo hình thức PPP đã phải chuyển sang đầu tư công  ẢNH: MẠNH HƯNG
Tình trạng này phát sinh do cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước với nhà đầu tư đang bất lợi cho phía nhà đầu tư. Nếu không sớm được tháo gỡ, đây sẽ là nút thắt khiến các dự án PPP về sau gặp nguy cơ thất bại.

Chưa bình đẳng nhà nước – doanh nghiệp

Sau rất nhiều khó khăn, 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam gồm Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lâm (Khánh Hòa) – Nha Trang, Cam Lâm – Vĩnh Hảo (Bình Thuận) mới tìm được nhà đầu tư vào cuối năm 2020. Dù vậy, theo ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Đối tác công tư (PPP) thuộc Bộ GTVT, trong quá trình đàm phán hợp đồng có rất nhiều vướng mắc về mặt cơ chế phát sinh. Trước đó, Nghị định 28/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, đã được Chính phủ ban hành cuối tháng 3.2021. Tuy nhiên, theo ông Huy, các nhà đầu tư phản ánh cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư theo nghị định chưa rõ ràng.
Ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT: “Quan điểm với 3 dự án này là cố gắng hoàn tất đàm phán để ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư, vướng mắc nào về pháp lý sẽ treo lại để tiếp tục giải quyết trong quá trình thực hiện dự án. 11 dự án thành phần chỉ còn lại 3 dự án thực hiện theo hình thức PPP, nếu không thành công thì rất khó, vỡ phương án sẽ phải thay đổi hình thức đầu tư, sẽ tạo tiền lệ xấu cho các dự án PPP triển khai sau này”.

Thứ nhất là vướng mắc về phần vốn hỗ trợ của nhà nước. Theo Nghị định 28, nhà đầu tư sẽ phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, phần vốn hỗ trợ của nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình đã hoàn thành. “Hợp tác công tư là chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư, nói cách khác, nhà đầu tư giải ngân một đồng thì nhà nước cũng phải bỏ vốn góp theo tỷ lệ tương ứng. Thời hạn, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư được quy định rất rõ, nếu không đủ vốn chủ sở hữu thậm chí còn bị thu hồi dự án, song với phía vốn nhà nước lại chưa rõ ràng. Nếu quy định phần vốn nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình hoàn thành thì rất khó cho việc ký hợp đồng tín dụng, vì phía ngân hàng sẽ lo ngại rủi ro khi phần vốn hỗ trợ nhà nước chậm được giải ngân”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.

Bên cạnh đó, quan điểm dự án PPP là “lời ăn, lỗ chịu”, song việc vốn nhà nước chỉ giải ngân theo tỷ lệ nhà đầu tư bỏ ra, theo ông Huy, không khuyến khích được nhà đầu tư co kéo, tiết giảm chi phí. “Chẳng hạn, dự án 10.000 tỉ đồng nhưng nếu nhà đầu tư tính toán tốt, giảm xuống chỉ còn 8.000 tỉ đồng mà phần vốn góp nhà nước cũng giảm tương ứng thì không nhà đầu tư nào thực hiện”, ông Huy cho hay.
Trước đó, góp ý cho Nghị định 28, Bộ GTVT cho biết nghị định chưa quy định rõ cách thức xử lý trong trường hợp chậm giao kế hoạch vốn, làm chậm tiến độ giải ngân theo quy định tại hợp đồng dự án PPP. “Trong quá trình đàm phán hợp đồng dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông, một số nhà đầu tư yêu cầu phải tính lãi nếu nhà nước chậm giải ngân vốn nhà nước”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nêu. Dù vậy, Nghị định 28 ban hành đã không bổ sung quy định chi tiết cách xử lý trong trường hợp vốn nhà nước chậm.

Tiền lệ xấu cho dự án PPP

Lo ngại của các nhà đầu tư không phải không có cơ sở. Thực tế tại một số dự án sau khi hoàn thành vài năm, doanh nghiệp vẫn đang mòn mỏi chờ phần vốn hỗ trợ theo cam kết của nhà nước. Điển hình như dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, theo phương án của Chính phủ, nhà nước sẽ hỗ trợ 4.069 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Song, do nhà nước chưa thể bố trí ngay, nên nhà đầu tư là Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) đã phải vay hơn 4.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, thi công dự án từ năm 2008. Cuối năm 2015, dự án thông xe toàn tuyến, ròng rã nhiều năm nhà đầu tư này vẫn chưa “đòi” được hết phần vốn góp cam kết này, chưa kể khoản chi phí lãi vay phát sinh 800 – 900 tỉ đồng.
Một dự án khác là dự án hầm Đèo Cả (gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân), phần vốn ngân sách nhà nước tham gia là 5.048 tỉ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được 3.868 tỉ đồng vốn ngân sách, còn 1.180 tỉ đồng chưa được bố trí như cam kết. Tín hiệu mới nhất là phần vốn này dự kiến sẽ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Không chỉ chia sẻ rủi ro vốn góp, chia sẻ doanh thu tại dự án PPP cũng còn nhiều bất cập. PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI), cho rằng Nghị định 28 mới xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ do cơ quan ký kết hợp đồng dự án thực hiện, mà không nhắc tới nhà đầu tư. “Luật PPP đã quy định, định kỳ hằng năm, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định doanh thu thực tế, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện cơ chế chia sẻ phần doanh thu tăng, giảm. Nhưng Nghị định 28 lại chỉ quy định cơ quan nhà nước ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp là một bên trong hợp đồng dự án nên hoàn toàn có quyền tham gia quá trình xác định doanh thu, làm căn cứ để thực hiện cơ chế chia sẻ doanh thu”, ông Chủng nói.
Hiện VARSI cũng đang tập hợp các vướng mắc trong Nghị định 28 để kiến nghị lên các bộ, ngành và cao hơn có thể lên Chính phủ. PGS-TS Chủng cho rằng những bất cập trong Nghị định 28 cần sớm được tháo gỡ, không chỉ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư mà ngay cả với cơ quan quản lý hiện đang rất lúng túng trong quá trình đàm phán hợp đồng.
Theo dự kiến ban đầu, 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam sẽ ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư vào cuối tháng 3, song tới nay vẫn đang trong quá trình đàm phán.
MAI HÀ
TNO