26/12/2024

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế?

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế?

Chuyên gia quy hoạch, luật sư cho rằng cần phải có cơ chế điều hành thị trường bất động sản để cung đáp ứng cầu, đồng thời đánh thuế để ngăn chặn đầu cơ gây sốt ảo, làm xấu xí bộ mặt đô thị…

 

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 1.

Hàng trăm căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang phế nhiều năm nay trên địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức – Ảnh: QUANG THẾ

Những khu đô thị “ma”, nhà “ma” tập trung nhiều ở huyện Hoài Đức, Thanh Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

TS Đào Ngọc Nghiêm – phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN – cho rằng với thủ đô Hà Nội tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô rộng nhưng giữa quy hoạch, kế hoạch chưa hài hòa với nhau. “Khu vực nào để phát triển, khu vực nào để ổn định tuy nhiên hiện nay giữa quy hoạch và kế hoạch còn bất cập chưa đồng bộ” – TS Nghiêm nói.

TS Nghiêm bày tỏ, phải có kế hoạch để xác định trọng điểm, vùng nào đợt một vùng nào đợt hai. Tạo ra cơ chế phù hợp với định hướng phát triển, đặc biệt với nhà ở. Nhà nước phải điều hành được thị trường bất động sản nhưng hiện nay đang gặp bất cập trong điều hành cơ chế.

Giữa cung và cầu không gắn lại được với nhau, có lúc cung nhiều hơn cầu và ngược lại. Ví dụ như nhà ở xã hội rất cần nhiều, lúc làm nhiều thì lại xảy ra tình trạng người dân chê nhà ở xã hội.

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 2.

Xây biệt thự xong để… trồng chuối – Ảnh: QUANG THẾ

“Không chỉ nhà “ma”, khu đô thị “ma”, mà hiện nay có nhiều đất vàng giao cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư để hơn 10 năm không triển khai. Cần phải sửa Luật Đất đai 2013 vì có nhiều bất cập nhưng đến nay vẫn chưa có luật mới” – TS Nghiêm nói.

“Thể chế, cơ chế xử lý vấn đề này hiện nay không đồng nhất. Ví dụ trong các khu đô thị, nhà ở không hoàn thiện, không khai thác sử dụng cả mười mấy năm vẫn chưa bị xử lý.

Ở Nga quy định mỗi một gia đình chỉ được đăng ký một chỗ ở, còn những nơi khác muốn có nhà phải chịu sự quản lý của nhà nước. Nhưng ở nước ta thì không quy định, muốn mua bao nhiêu cũng được.

Nếu chúng ta không khắc phục bịt lại những lỗ hổng thì không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị, tỉnh thành khác như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ xuất hiện thêm nhiều khu đô thị “ma”” – TS Nghiêm chia sẻ.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trước tình trạng khu đô thị ma xuất hiện ngày một nhiều nhà nước cần phải can thiệp bằng luật pháp, tạo ra những cơ chế đủ sức điều chỉnh thị trường bất động sản hiện nay. Ví dụ như đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3.

“Những nhà ở hoang, nhà hoang do đầu cơ đánh thuế thật nặng để không còn tình trạng mua, gom đầu cơ. Những đối tượng thổi giá chứng khoản bị xử lý nhưng thổi giá bất động sản, đầu cơ làm xấu thị trường chưa bị xử lý” – luật sư Tú nhấn mạnh.

Dưới đây là chùm ảnh phóng viên ghi nhận trong chiều ngày 18-4:

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 4.

Những căn biệt thự “ma” ngoại thành Hà Nội trở thành nơi ở tạm cho công nhân xây dựng – Ảnh: QUANG THẾ

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 5.

Biệt thự ngập cỏ dại – Ảnh: QUANG THẾ

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 6.

Dãy nhà liền kề không người ở trên địa bàn phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm – Ảnh: QUANG THẾ

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 7.

Nhà “ma” ở khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức – Ảnh: QUANG THẾ

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 8.

Trước khu nhà liền kề không người ở thành nơi trồng rau – Ảnh: QUANG THẾ

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 9.

Theo người dân sống gần biệt thự “ma” phần lớn của giới đầu cơ – Ảnh: QUANG THẾ

Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế? - Ảnh 10.

Hoang phế dãy nhà liền kề ở khu đô thị Vân Canh – Ảnh: QUANG THẾ

“Tiếc vì thu hồi bờ xôi ruộng mật làm biệt thự rồi bỏ hoang phế”

Người dân khu đô thị xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) cho biết mặc dù đã chuyển về khu đô thị sinh sống hơn 7 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được cấp điện, nước sinh hoạt.

“Ở đây không có hàng xóm, trước nhà tôi có đến cả trăm căn liền kề bỏ hoang, về đêm mỗi khi mưa gió cũng lo nhưng đã mua rồi đành ở. Tôi có hỏi một số chủ nhà để hoang thì họ nói không có nhu cầu ở, họ chỉ mua đi bán lại thôi” – một người dân sinh sống tại khu đô thị Vân Canh cho biết.

Người dân ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm và xã An Khánh, huyện Hoài Đức phản ánh mặc dù thu hồi đất ruộng để làm dự án nhưng xây nhà lên không có người ở bỏ lãng phí khiến người dân nơi đây vô cùng tiếc.

Bà Nguyễn Thị Hảo, phường Xuân Phương chia sẻ: “Bị lấy đất chúng tôi rất tiếc, không có ruộng để làm. Chúng tôi già rồi, con cháu không có đất canh tác trong khi xây nhà lên thì bỏ hoang…”.

“Việc làm thì không có, đất bỏ hoang, nhà xây lên cũng không có người ở. Dân thì không có việc làm. Trẻ thì còn đi chợ, người già không biết đi đâu. Tiếc vì thu hồi bờ xôi ruộng mật rồi bỏ hoang phế” – bà Mùi, xã An Khánh nói.

Trước đó, cuối tháng 3, UBND TP Hà Nội cho biết UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo có đến 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Trong đó 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha kiến nghị thành phố thu hồi đất, 25 dự án với tổng 57 ha chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

UBND TP Hà Nội cho biết thêm từ năm 2018 đến nay đã ban hành 53 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền 2,5 tỉ đồng. Ngoài ra, đối với các dự án vi phạm về đầu tư đã ban hành 183 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 4,5 tỉ đồng.

QUANG THẾ
TTO