12/01/2025

Tỷ lệ học sinh có vấn đề tâm lý ngày càng gia tăng

Khi học sinh không có nơi để giải tỏa tâm lý

Tỷ lệ học sinh có vấn đề tâm lý ngày càng gia tăng

Theo chuyên gia, trong môi trường học đường, học sinh mắc phải muôn vàn vấn đề tâm lý khiến việc tư vấn tâm lý cần phải được tiếp cận từ những bước đầu.
Học sinh tư vấn tâm lý tại một trường THPT ở TP.HCM /// PHẠM HỮU
Học sinh tư vấn tâm lý tại một trường THPT ở TP.HCM  PHẠM HỮU

Nhạy cảm nhất là độ tuổi vị thành niên

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Triều Tiên, Trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết đa phần trẻ em Việt Nam đều đang ở độ tuổi đến trường, trong đó, từ 0 – 6 tuổi, từ 7 – 12 tuổi và 13 – 18 tuổi sẽ có những vấn đề tâm lý khác nhau. Nhạy cảm nhất về tâm lý là độ tuổi vị thành niên. Đây là lứa tuổi đặc biệt bởi thời điểm này học sinh (HS) có nhiều thay đổi về thể chất, tâm lý cũng như quan hệ xã hội, gia đình. Đồng thời, trong môi trường học đường cũng là một tác nhân làm trẻ thay đổi suy nghĩ và ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất.
Trong trường học hiện nay có quá nhiều sự thay đổi khi HS chuyển cấp. Ở tiểu học, HS được nâng niu, cưng chiều nhưng lên cấp THCS, HS phải đối mặt với môi trường có sự cạnh tranh, ganh đua về điểm số, các kỳ kiểm tra, kỳ thi liên tục. HS bị áp lực đột ngột về kết cấu chương trình cô đặc, cách xếp loại, chấm điểm. Chính vì những chuyển biến như vậy khiến trẻ dễ bị sốc trong môi trường học đường. Chưa kể bản thân HS cũng đang gặp khó khăn về tâm lý ở lứa tuổi này.
Ghi nhận thực tế tại khoa tâm lý tâm thần trẻ em, trung bình khoảng 500 – 700 bệnh nhân trẻ em đến khám trong một tuần về tâm lý tâm thần. Tỷ lệ bệnh nhân là trẻ vị thành niên chiếm số lượng lớn.

Bị tâm lý vì học tập hay các mối quan hệ ?

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Triều Tiên, hiện nay nhiều người còn nhầm lẫn HS bị tâm lý vì quá tải trong học tập. “Điều đó chỉ phản ánh một phần, cái chính HS đang quá tải về các mối quan hệ với giáo viên (GV), bạn bè và những đối tượng tương đồng khác”, bác sĩ Tiên nhấn mạnh. Mối đe dọa từ internet hay những trào lưu và những hội nhóm xấu trên không gian mạng khiến HS bị tẩy chay chỉ vì không theo kịp xu hướng với bạn bè. Một thực tế đau lòng khác là những HS càng học giỏi càng có vấn đề tâm lý nhiều hơn. Đối tượng này dễ bị tổn thương bởi áp lực mình phải luôn giỏi trong mắt nhiều người. Cha mẹ thường mang con học giỏi làm “trang sức” cho mình mà không quan tâm đến suy nghĩ của con. Chỉ cần không thích ứng với những thay đổi nhỏ về điểm số, sợ người khác thất vọng về mình dẫn đến nguy cơ HS có tư tưởng tự tử rất cao.
Ngoài ra, giới tính cũng là vấn đề chi phối tâm lý HS. Đa phần nữ sinh dễ bị tác động tâm sinh lý nhiều hơn nam. Tuy vậy, HS nam cũng vướng phải tâm lý do nhiều vấn đề từ bạn học như: bị nhận xét hình thể, lo lắng về sự thu hút khác giới, cạnh tranh thành tích… Những vấn đề này dần dần dồn nén khiến HS bị áp lực tâm lý kéo dài.

Không thể để tình trạng giáo viên kiêm nhiệm

Theo quan sát của bác sĩ Tiên, hiện trạng ngành giáo dục chưa thực sự quan tâm vị trí việc làm cho đội ngũ chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp. Hiện nay tư vấn tâm lý trong trường học là những GV kiêm nhiệm, không đủ chuyên môn để xử lý mâu thuẫn tâm lý cho HS, không biết nơi gửi HS đến khám khi có vấn đề. HS tìm đến với thầy cô nhưng GV rất thờ ơ. Một số thầy cô không biết phải xử lý như thế nào với nhiều trường hợp khó. Hiện nhiều GV vẫn còn tư duy thụ động, ngồi chờ HS tư vấn.
Muốn làm tốt tâm lý học đường trước nhất cần chuyên gia tâm lý đúng chuyên ngành. Trường học phải là nơi giải quyết và ngăn chặn chiều hướng tâm lý xấu của HS từ sớm. Nếu không phát hiện và can thiệp sớm vấn đề tâm lý, nhiều khả năng tương lai của HS sẽ rẽ sang hướng hoàn toàn tiêu cực.
Chữa khi đã quá muộn
Bác sĩ Tiên cho biết xã hội hiện nay còn nhiều định kiến nặng nề về tâm lý tâm thần. Có trường hợp phụ huynh đưa con đến bệnh viện là bước đi cuối cùng vì con đã trải qua nhiều biến cố lớn. Thật sự, bước đi này đã quá muộn và chỉ để giải quyết hậu quả đã xảy ra. “Tôi còn nhớ có một phụ huynh dẫn người con thứ 2 của mình đến khám vì đứa con đầu đã tự tử vì áp lực tâm lý. Đứa trẻ đầu đó là niềm tự hào của gia đình, có thành tích học giỏi, năng động và rực rỡ trong mắt mọi người. Nhưng gia đình không nhận thấy được con có vấn đề tâm lý gì. Đến một ngày, công an gọi điện cho phụ huynh đến nhận xác con mới biết được con mình tự tử vì vấn đề mâu thuẫn tâm lý. Đó là một điều đáng tiếc khi phụ huynh không quan tâm tư vấn tâm lý trẻ ngay từ đầu”, bác sĩ Tiên nói.
Giáo viên cần tìm đến các em để tư vấn
Ngày 18.12.2017, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 31 về việc hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho HS. Đây là tín hiệu vui, giúp cho các HS an tâm, có nơi để “giãi bày tâm sự” với người làm công tác tư vấn tâm lý học đường.
Tuy nhiên thực tế hiện nay công tác tư vấn học đường vẫn còn là hình thức, nhiều trường không có phòng tư vấn, rồi thầy cô làm công tác tư vấn cũng chỉ là GV kiêm nhiệm, không có chuyên môn nên chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn của HS phong phú đa dạng.
Để công tác tư vấn tâm lý học đường hiệu quả cần có những giải pháp sau.
Các trường cần thành lập phòng tư vấn và có chuyên gia tư vấn tâm lý học đường chuyên trách (bắt buộc).
Song song việc tư vấn, cần có kế hoạch giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn bằng việc kêu gọi các nhà hảo tâm đỡ đầu cho từng em. Về mặt tinh thần, hằng tuần mời những em có hoàn cảnh khó khăn trong học tập, tình cảm… đến để động viên, hỏi thăm và phối hợp với các đoàn thể có giải pháp thiết thực giúp các em. Tư vấn cũng kết hợp tốt với chính quyền địa phương, các đoàn thể ban ngành động viên gia đình giúp sức học sinh nghèo, khó khăn.
Phương châm là chủ động tìm đến các em để tư vấn, đừng để các em phải tìm đến tư vấn.
Hy vọng, với việc trường học có chuyên gia tư vấn học đường cùng những việc làm cụ thể, thiết thực, thường xuyên “mưa dầm thấm lâu” giúp HS có nơi để chia sẻ riêng tư tạo nên môi trường thân thiện. Đừng để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nguyễn Văn Lực
PHẠM HỮU
TNO