28/12/2024

Các Giáo hội Châu Âu kêu gọi ưu tiên cho người nghèo trong gói phục hồi Châu Âu

Các Giáo hội Châu Âu kêu gọi ưu tiên cho người nghèo trong gói phục hồi Châu Âu

Cờ Liên minh Châu Âu (REUTERS)

Các Giáo hội Châu Âu kêu gọi ưu tiên cho người nghèo, trong việc phân phối 750 tỷ euro cho sự phục hồi Châu Âu sau đại dịch Covid-19.

Trong một tuyên bố có tựa đề “Một năm sau: đâu là chỗ cho công bằng xã hội, sinh thái và góp phần trong gói phục hồi Châu Âu?”, được phổ biến ngày 13/4, Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Uỷ ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE), viết: “Chúng ta được mời gọi sống tình liên đới và bao gồm đầy đủ cho những người đang sống trong những hoàn cảnh bấp bênh. Tình trạng khẩn cấp về y tế trong 12 tháng qua không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội nói chung. Cùng với cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra và các chuyển đổi nhân khẩu học và kỹ thuật số, giờ đây Châu Âu cũng đang phải đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ và kinh tế.”

Trong phần tiếp theo của bản tuyên bố, các Giám mục hoan nghênh gói phục hồi của Châu Âu như “một dấu hiệu mới của tình liên đới trong Liên minh Châu Âu, mà hơn bao giờ hết cần thiết nhằm giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng và để đối phó với cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu đang diễn ra”.

Từ điểm này, các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo ở Châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên “tôn trọng các cam kết đã được đưa ra vào tháng 7/2020”, đồng thời khuyến khích tất cả các tổ chức quốc tế “hợp tác để tìm ra các giải pháp toàn cầu về thuế và kỹ thuật số, giúp làm việc vì một hệ thống công bằng hơn, trong đó các công ty lớn đóng góp cách công bằng cho việc phục hồi”.

Các Giám mục Châu Âu cũng nhắc lại rằng “nếu chúng ta muốn chống lại các khuynh hướng cá nhân và đặt nhân phẩm ở trung tâm trong các chính sách của chúng ta, thì hơn bao giờ hết tình liên đới là điều cần thiết. Bởi vì đây là trung tâm của Châu Âu và là chìa khoá để phục hồi”.

“Chỉ riêng thị trường không thể đảm bảo sự phát triển toàn diện con người và hoà nhập xã hội”, Uỷ ban các Vấn đề Xã hội kết luận và hy vọng gói phục hồi sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm nay. “Chúng tôi tin từ cuộc khủng hoảng này chúng ta có thể thoát ra mạnh mẽ, khôn ngoan và hiệp nhất hơn, nhờ mọi người biết thực hành tình liên đới.”

Gói phục hồi của Châu Âu quy định rằng, để nhận được hỗ trợ, các quốc gia thành viên phải xác định rõ một gói các dự án, cải tổ và đầu tư trong 6 lĩnh vực: chuyển đổi sinh thái; chuyển đổi kỹ thuật số; việc làm tăng trưởng và thông minh, bền vững và bao gồm; sự gắn kết xã hội và lãnh thổ; sức khoẻ và khả năng phục hồi; chính sách cho thế hệ tiếp theo, bao gồm giáo dục và kỹ năng. Theo quy định, ngày 30/4/2021 là hạn cuối cùng các quốc gia phải trình bày kế hoạch quốc gia, trong đó chương trình cải cách và đầu tư được xác định cho đến năm 2026. (CSR_2654_2021)

Ngọc Yến