24/11/2024

Khi học sinh không có nơi để giải toả tâm lý

Khi học sinh không có nơi để giải toả tâm lý

Những vấn đề tâm lý của học sinh, những trăn trở về giới tính, nhiều vụ tự tử hay bạo lực học đường xảy ra gần đây cũng phần lớn vì các em không có người hiểu biết chia sẻ ngay trong nhà trường.
 /// MINH HỌA: DAD
MINH HỌA: DAD

“Con từng nghĩ đến… tự tử”

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc học sinh (HS) tự tử. Nguyên nhân từ những mâu thuẫn trong gia đình hoặc các áp lực vô hình ở trường mà HS đang gánh.
Đơn cử tháng trước, một nữ sinh lớp 6 treo mình lơ lửng lan can tầng 3 Trường THCS Minh Đức (TP.HCM). May mắn, nhiều người phát hiện và cứu kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nữ sinh này trước đó buồn chuyện gia đình rồi nảy sinh ý định dại dột.
Một trường hợp khác chịu áp lực tâm lý từ gia đình là B., HS lớp 11 một trường THPT ở Q.8, TP.HCM. B. cho biết đang sống trong một gia đình không êm ấm, chỉ ở với ông bà vì cha mẹ đã chia tay từ 10 năm nay. B. lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cha mẹ, luôn cảm thấy tủi thân vì thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhiều lúc nữ sinh muốn tìm mẹ hoặc người thân để tâm sự nhưng không ai lắng nghe.
Từ buồn chuyện gia đình, B. dần dần sa sút trong việc học. “Cha mẹ ly thân đã lâu nhưng khi nghe cha mẹ ly dị, thật sự em cảm thấy buồn lắm. Suy nghĩ tiêu cực hoài, cảm thấy mình như người thừa. Vào lớp ngày nào em cũng khóc. Mỗi ngày tích tụ làm em không chịu được nữa. Em cứ nghĩ đến cái chết. Có lần em bước ra lan can định nhảy lầu ở trường. Nhưng nhờ các bạn, thầy cô khuyên nên em từ bỏ ý định đó”, B. kể với chúng tôi mà nhòe cả mắt.
Còn H., đang học lớp 12 tại trường THPT L. (Q.8, TP.HCM), cho biết cũng từng nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân. Đó là giải pháp cuối cùng H. nghĩ đến khi bị dồn nén tâm lý trong nhiều năm. Năm lớp 11, nhiều chuyện gia đình đã xảy đến khiến em bị trầm cảm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và học tập. Vào lớp, H. mất tập trung, khóc nhiều và không giao tiếp với ai. Đồng thời bạn bè trong lớp bắt đầu nói xấu và tẩy chay H. Lên lớp 12, H. tiếp tục bị bạn bè đối xử không thân thiện.
“Đến lúc này em chỉ nghĩ đến cái chết là giải thoát hết. Đi học lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, vừa bị áp lực tinh thần từ gia đình, em còn bị áp lực từ bạn bè. Em không có nơi nào để giải tỏa, tâm sự cả. Em đã dồn nén áp lực đến 2 năm trời. Có lúc bạn đến chọc ghẹo, em nghĩ sẵn sàng đánh lại bạn vì em bị dồn ép quá lâu. Mỗi ngày vào lớp là một cực hình với em. Em nghĩ học xong em sẽ bỏ đi bụi luôn”, H. chia sẻ.

Rối ren tâm lý giới tính tuổi mới lớn

Trong một lần trò chuyện cùng cô Mai Thị Thiên Lý, giáo viên Trường THPT Bình Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), chúng tôi hiểu thêm nỗi lòng của một giáo viên dạy giáo dục công dân nhưng trở thành người tham vấn tâm lý “bất đắc dĩ” khi HS ở trường gặp phải những vấn đề về tâm lý.

HS bây giờ đủ thứ chuyện trên đời. Các em bị bất ổn về tâm lý của tuổi mới lớn do nhiều tác động từ thế giới mạng nhưng lại không có giáo viên chuyên về tâm lý trong nhà trường để giúp các em tháo gỡ

Cô Mai Thị Thiên Lý, Trường THPT Bình Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương)

“HS bây giờ đủ thứ chuyện trên đời. Các em bị bất ổn về tâm lý của tuổi mới lớn do nhiều tác động từ thế giới mạng nhưng lại không có giáo viên chuyên về tâm lý trong nhà trường để giúp các em tháo gỡ”, cô Lý thở dài nói.
Cô Lý kể nhiều hôm lên lớp thấy HS khóc lên khóc xuống, vật vã không chịu học hành gì hết vì mới chia tay với bạn trai. Rồi yêu đương ghen tuông với nhau dẫn đến bạo lực học đường…
Cũng theo cô Lý, hiện nay ở học đường có nhiều HS gặp vấn đề về giới tính rất cần chuyên gia tâm lý định hướng, chia sẻ. “Nhiều nữ sinh xin hớt tóc con trai, xin mặc đồ tây chứ không chịu mặc áo dài. Những trường hợp này nhà trường phải bảo đi xét nghiệm, giám định nếu hormone nam nhiều hơn thì mới cho phép không mặc áo dài. Nhưng nhiều em đi xét nghiệm về vẫn bình thường, chỉ là do tâm lý các em bị ảnh hưởng mà không có chuyên gia tâm lý định hướng”, cô Lý ray rứt nói.
Cũng nhiều trăn trở, cô Nguyễn Thị Xuân Oanh, giáo viên giáo dục công dân Trường THPT Vĩnh Cửu (H. Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cho biết: “Tâm lý học đường là vấn đề đang rất cần được quan tâm hiện nay. Rất nhiều HS tìm đến mình đa phần đều liên quan về giới tính, chuyện tình cảm rồi áp lực học hành do bố mẹ đặt nặng thành tích… Các em không biết nói cùng ai nên tìm đến nhờ mình tư vấn. Vừa rồi có một em đòi tự tử vì gia đình phát hiện em này thuộc giới tính thứ 3 và ra sức ngăn cản, người mẹ vì quá thất vọng nên có những hành động không kiểm soát được. Hôm em ấy đến tìm mình vừa nói vừa khóc và thấy cả thế giới không ai hiểu mình nên có ý định tự tử”, cô Oanh kể.

Nhiều trường hợp đáng tiếc vì không có giáo viên tâm lý

Vì không có chuyên môn sâu về tư vấn tâm lý nên cô Oanh cho rằng đã có những tình huống mà cô đau đầu và không biết phải giải quyết như thế nào.
Cô Oanh kể có trường hợp một HS nhìn bên ngoài rất ngoan hiền, học tốt, nhưng cô phát hiện được bí mật là HS này nghiện đọc truyện sex nên khi có người yêu lại quay các video sex gửi cho bạn trai.
“Đây là ca mà mình đau đầu và không biết phải làm sao để tiếp cận và khuyên ngăn, vì sợ em đó nghĩ mình biết được bí mật thì em ấy sẽ có tâm lý sợ, xấu hổ, sợ cô sẽ nói cho người khác nghe, rồi không dám đi học… Mình rất lo, giả sử mà em ấy quen phải người yêu có ý đồ xấu thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, cô Oanh lo lắng.
Cũng giống tâm tư của cô Oanh, cô Thiên Lý kể: “Trong lớp có một HS bị trầm cảm, không giao tiếp với bất cứ ai và không có phản ứng gì với bạn bè. Mình đã rất cố gắng trò chuyện nhưng em không hợp tác. Thật sự em học sinh này cần một liệu pháp về tâm lý nhưng điều đó lại vượt ngoài khả năng của mình”.
Cô Lý còn kể thêm một trường hợp đáng tiếc khác. “Gia đình một em HS lục đục, bố mẹ chuẩn bị ly hôn nên tâm lý của em ấy rất bất ổn. Không nghe lời cha mẹ, lên trường gây sự với giáo viên rồi quyết định rút hồ sơ nghỉ học để đi làm khi chỉ còn vài tháng nữa thi tốt nghiệp. Ai khuyên ngăn em ấy cũng không được. Thật sự mình rất tiếc là không có một chuyên gia tại trường để tác động tâm lý của em ấy”, cô Lý áy náy. (còn tiếp)
Học giỏi, tỏa sáng cũng gặp vấn đề về tâm lý
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Triều Tiên, Trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết có HS nữ học rất giỏi, tháo vát trong nhiều hoạt động ở các câu lạc bộ trường. Chính vì quá giỏi nên nữ sinh này bị nhiều bạn bè tẩy chay chỉ vì quá tỏa sáng. Thậm chí, nữ sinh này còn bị chụp ảnh lén trong nhà vệ sinh, bị lập nhóm rồi nói xấu trên mạng xã hội. Nữ sinh này rơi vào khủng hoảng suốt thời gian dài, học tập sa sút. Cuối cùng, em phải xin chuyển trường trong sự mất định hướng từ cha mẹ.
“Để có bạn chơi, nữ sinh này tự buộc mình phải học tệ hơn, giảm bớt thành tích xuống một chút, dẫn đến trầm cảm. Tính tình của HS này cũng thay đổi, từ hoạt bát đến không muốn nói chuyện với ai”, bác sĩ Tiên nói.
Bác sĩ Tiên cũng kể thêm: “Cũng có một HS tâm sự bị áp lực vì chọn ngành, nghề vào đại học. Cô bé có sở trường về hội họa mỹ thuật nhưng bị cha mẹ một mực đánh giá thấp ngành học này, ép con phải học theo ý muốn của cha mẹ. Cô bé chỉ muốn cha mẹ công nhận tài năng nhưng không một ai chịu nhìn nhận. Ngay cả ở trường học, cô bé cũng không thể thổ lộ với thầy cô vì mọi người đều quá bận. Thế là cô bé tự cắt tay, rạch đùi của mình để bớt đau khổ”.
NỮ VƯƠNG – PHẠM LỮ
TNO