Khi bích hoạ thành… tai hoạ
Khi bích hoạ thành… tai hoạ
Xanh xanh, hồng hồng ở nhiều nơi; nội dung nôm na, không có thông điệp… là nhận định về nhiều bích hoạ đang xuất hiện tràn lan, thậm chí gây ảnh hưởng đến di tích.
Tường đình cổ bị tranh “vây kín”
Chị Đào Mỹ Liên không khỏi xót xa khi nhìn thấy bức tường phía sau đình làng Tiên Lữ (H.Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Cả mảng tường dài được vẽ lên 4 bức tranh, bức vẽ cây đa giếng nước, bức vẽ ruộng đồng; có cả bức vẽ một vịnh với núi non như thể vịnh Hạ Long. Chị cũng đưa những bức ảnh chụp đình làng Tiên Lữ lên nhóm Đình làng Việt, mong nhóm có những tiếng nói hỗ trợ để đình làng có lại bức tường trơn như xưa.
Chỉ 2 ngày sau, phản hồi về đình Tiên Lữ đã có trong nhóm Đình làng Việt. Tường của di tích 200 năm tuổi này đã được quét vôi trắng, xóa hết những bức tranh tường xanh đỏ lòe loẹt kia. “Rất nhanh chóng, địa phương đã có hành động khắc phục với việc sơn trắng, bỏ đi những mảng bích họa kia”, thành viên Trần Ngọc Đông của nhóm cho biết. Cùng với bức ảnh tường đình sạch sẽ, ông Đông cũng cho biết bức tường được vẽ tranh phong cảnh theo trào lưu mỹ thuật bình dân hiện nay do có nhiều quảng cáo bôi bẩn di tích trước đó. Người dân cũng hiểu các bức tranh vẽ như vậy là không chuyên và không ăn nhập với di tích.
Vụ việc đình làng Tiên Lữ khép lại ở đó. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên của nhóm Đình làng Việt: “Thảm họa các loại tranh tường này về đến làng quê lâu rồi. Cơ quan chức năng liên quan cho đến thời điểm này có ai nhận trách nhiệm quản lý và định hướng? Ngay ở thủ đô Hà Nội, bức tường ở Trường Phan Đình Phùng còn đó thì còn rất nhiều người vẫn sẽ làm theo”.
Bức tường ở Trường THPT Phan Đình Phùng được nhắc tới là bức tường được 4 họa sĩ cùng vẽ nhân dịp kỷ niệm trường 45 tuổi, năm 2018. Mỗi ô tường nhỏ được vẽ một bức tranh, từ hàng cây quen thuộc của phố Phan Đình Phùng đến cầu Long Biên, phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, những gánh hàng hoa… Có tổng cộng 28 bức tranh, trong đó có 3 bức về Trường Phan Đình Phùng, 25 bức còn lại vẽ về Hà Nội xưa. “Trong đó có nhái cả tranh Phố hàng Mắm của ông Phái (họa sĩ Bùi Xuân Phái – NV) ở đấy, ký ngang nhiên chữ Phái to tướng. Thực sự việc tự bảo trọng phẩm cách nghệ sĩ ở đó kém”, ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nói.
|
Nguy cơ “ô nhiễm không gian công cộng”
Một năm sau bích họa Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), một bích họa khác cũng nổi như cồn. Đó là bích họa ở đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), công trình được xem là tạo điểm nhấn cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2019. Phố bích họa này có chủ đề Hương sắc Tây nguyên, thể hiện hình ảnh địa phương, văn hóa cà phê… Tuy nhiên, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk ở thời điểm đó, đánh giá bố cục lẫn chi tiết của các bức tranh thể hiện quá nghiệp dư. Rất nhiều chi tiết sai về logic, không hợp lý mà ai nhìn vào cũng dễ dàng nhận ra. Tranh về cô gái đang giã gạo, không logic ở điểm 2 cái chày không thể bỏ vào cối cùng một lúc; người trong tranh cũng sai tỷ lệ. Quả bầu khô gắn với bến nước thì lại vẽ các cô gái cầm bầu khô đi dạo trên cánh đồng hoa dã quỳ…
Bích họa đang thành “dịch” gây họa cho Hà Nội và nhiều nơi. Nó biến tướng rất nhiều thứ, thành một thứ tranh tường rất vớ vẩn. Đã đến lúc cần phải xem xét và ngừng khẩn trương nhiều thể loại bích họa
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam
Ông Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết từ năm 2018, Cục đã có phân tích nhiều về cái hay, cái dở của việc tranh tường phát triển tự phát. Chúng mang tới nguy cơ “ô nhiễm văn hóa, ô nhiễm mỹ thuật” cho không gian công cộng. Tuy nhiên, theo ông Thành thì lại rất khó cấm mà chỉ có thể đưa ra khuyến cáo. “Đấy là hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, nếu cấm thì lại vi phạm quyền sáng tạo nghệ thuật của quần chúng. Cục cũng chỉ có thể khuyến cáo thông qua các văn bản trên Tạp chí Mỹ thuật của Cục thôi”, ông Thành nói.
Kiến trúc sư Vương Đạo Hoàng (Công ty thiết kế kiến trúc cảnh quan Mein Garten) cho rằng không nên khuyến khích tranh tường kiểu như bây giờ. Theo ông, hiện nay đang có nhiều bích họa làm theo kiểu diễn họa rất cụ thể, yếu tố nghệ thuật đã bị giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn, người ta vẽ cả một đoạn phố, một đoạn tường mà vẽ lại hình ảnh Hà Nội cũ, vịnh Hạ Long… một cách quá cụ thể, quá nôm na. “Graffiti khi hình thành cũng có bối cảnh của nó. Nghệ thuật đó cũng mang quan niệm sống, diễn tả quan điểm về một vấn đề xã hội. Nhưng tranh tường ở Việt Nam không phải như thế. Nó chỉ diễn tả thông thường, yếu tố nghệ thuật và ý tưởng đều không được đề cao nên trông rất xấu xí và không ăn nhập. Nó cũng chẳng mang thông điệp gì cả về xã hội và nghệ thuật”, ông Hoàng nói.
Ông Lương Xuân Đoàn nhận xét: “Bích họa đang thành “dịch” gây họa cho Hà Nội và nhiều nơi. Nó biến tướng rất nhiều thứ, thành một thứ tranh tường rất vớ vẩn. Đã đến lúc cần phải xem xét và ngừng khẩn trương nhiều thể loại bích họa. Điều này cơ quan chức năng quản lý ở địa phương cần phải làm kỹ”.
TRINH NGUYỄN
TNO