24/01/2025

Đối đầu quân sự đáng lo ngại ở Biển Đông và khu vực lân cận

Đối đầu quân sự đáng lo ngại ở Biển Đông và khu vực lân cận

Tại khu vực từ Biển Đông đến eo biển Đài LoanTrung Quốc liên tục triển khai hoạt động quân sự và Mỹ cũng điều động lực lượng hùng hậu để ứng phó.
Máy bay F-16 của Đài Loan (trái) thường xuyên phải xuất kích giám sát oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc đại lục vượt eo biển /// Ảnh: NMD
Máy bay F-16 của Đài Loan (trái) thường xuyên phải xuất kích giám sát oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc đại lục vượt eo biển ẢNH: NMD

Tình hình eo biển Đài Loan đang trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc đại lục điều động hàng chục chiến đấu cơ ngày 12.4 xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, và bay gần quần đảo Đông Sa (Pratas) đang do Đài Bắc kiểm soát nằm ở phía bắc Biển Đông.

Trung Quốc diễu võ dương oai

Cụ thể, đội hình máy bay quân sự tham gia phi vụ trên của Trung Quốc đại lục bao gồm 14 máy bay tiêm kích J-16, 4 máy bay tiêm kích J-10, 4 oanh tạc cơ chiến lược tầm xa H-6, 2 máy bay săn tàu ngầm Y-8 và 1 máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-500.
Động thái trên xảy ra giữa bối cảnh Trung Quốc đang liên tục điều động nhiều đợt máy bay quân sự vượt eo biển Đài Loan, tiếp cận quần đảo Đông Sa. Không những vậy, Bắc Kinh gần đây cũng đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh bao gồm tàu Liêu Ninh cùng 2 tàu khu trục Type 052D, 1 tàu khu trục Type 055, 1 tàu hộ tống Type 054A và 1 tàu hỗ trợ Type 901 ngày 10.4 tiến vào Biển Đông. Trước đó, nhóm tác chiến tàu sân bay này đã có cuộc tập trận ở gần Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng úp mở rằng tàu sân bay Sơn Đông của nước này, đang đồn trú tại căn cứ trên đảo Hải Nam, cũng sẽ sắp được triển khai nhằm hướng đến các hoạt động xa bờ ở Thái Bình Dương.
Không những vậy, tình hình Biển Đông cũng trở nên căng thẳng sau khi Bắc Kinh điều động hơn 200 tàu dân binh từ đầu tháng 3 đã hiện diện ở khu vực bãi Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tiếp đó, Bắc Kinh đã điều động thêm 3 tàu tấn công nhanh Type 022 mang tên lửa đến khu vực quần đảo Trường Sa.
Đối đầu quân sự đáng lo ngại ở Biển Đông và khu vực lân cận - ảnh 1

Chiến đấu cơ F/A-18E xuất kích từ tàu USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông ẢNH: US NAVY

Mỹ phản ứng mạnh mẽ

Giữa hàng loạt hành động của Trung Quốc, Mỹ đầu tháng 4 đã điều động nhóm tác chiến gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và 2 tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52) và USS Port Royal (CG 73) cùng thuộc lớp Ticonderoga, tàu khu trục USS Russell (DDG 59) thuộc lớp Arleigh Burke vào Biển Đông.
Nối tiếp sau đó, Biển Đông còn có sự hiện diện từ nhóm tác chiến thứ 2 của Mỹ gồm tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island (LHD 8) mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35, 2 tàu mẹ vận tải đổ bộ USS Somerset (LPD 25) và USS San Diego (LPD 22) cùng thuộc lớp San Antonio.
Tại Biển Đông, sau khi tập trận cùng một số đối tác, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng với nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island phối hợp huấn luyện tác chiến viễn chinh. Khi hoạt động tại Biển Đông, các chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet và máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye trên tàu USS Theodore Roosevelt, cũng như chiến đấu cơ F-35 trên tàu USS Makin Island liên tục xuất kích hoạt động ở Biển Đông. Các hoạt động rầm rộ trên của tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ được cho là nhằm răn đe đến Trung Quốc với thông điệp rằng Washington vẫn có năng lực quân sự mạnh mẽ cả trên không lẫn trên biển tại khu vực Biển Đông.
Đến hôm qua, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã di chuyển về phía bắc của Biển Đông.

Lo ngại nguy cơ xung đột

Trả lời Thanh Niên ngày 13.4, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định: “Việc Trung Quốc điều động một lực lượng máy bay chiến đấu hùng hậu xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan và vùng lân cận Pratas là thủ đoạn đe dọa mới nhằm đe dọa Đài Bắc. Bắc Kinh muốn khơi lên nỗi sợ hãi đối với người dân Đài Loan và gửi đi thông điệp rằng sẽ không cản được sức mạnh quân sự của Trung Quốc đại lục nhằm vào đảo này. Bắc Kinh sẽ còn nhiều lần hành động như vậy với mật độ và quy mô lớn hơn”.

Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua thông báo bộ này đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên vào ngày 12.4 để bày tỏ “không hài lòng về sự hiện diện phi pháp” của tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa, theo Bloomberg. Ngoài ra, quân đội Philippines hôm 12.4 cho hay đã triển khai 4 tàu hải quân đến hỗ trợ tàu tuần duyên và tàu cá tại đá Ba Đầu, bãi Cỏ Rong và một số thực thể khác thuộc quần đảo Trường Sa.
Liên quan các hoạt động Trung Quốc tại khu vực Trường Sa, trả lời báo chí chiều 25.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Văn Khoa

“Trong khi đó, hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông là một phần trong thông lệ thường niên, nhưng năm nay có sự tham gia của hải quân nước này với lực lượng lớn nhất suốt nhiều năm qua. Các hoạt động này còn là sự tái cam kết của Mỹ với đối tác, đồng minh trong khu vực. Về mặt chiến lược, Washington đang báo hiệu với Bắc Kinh là Mỹ vẫn theo sát các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”, cựu đại tá Schuster phân tích.

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Collin Koh Swee Lean (chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Singapore) đánh giá: “Đến nay, các hoạt động tương tác giữa lực lượng hải quân các nước đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Các bên đều biết rõ tình hình căng thẳng như thế nào, nên sẽ thận trọng để tránh kích động, leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, sắp tới có lẽ sẽ còn tiếp diễn tình trạng bên này diễu võ dương oai thì bên kia phản ứng lại tại khu vực trên”.
Trong khi đó, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) đặt ra lo ngại rằng: “Đang có rất nhiều tàu chiến và chiến đấu cơ tập trung ở vùng biển này trong bối cảnh căng thẳng. Tình hình khiến người ta liên tưởng đến khu vực phía đông Địa Trung Hải hiện cũng đang tập trung tàu chiến của nhiều nước. Khu vực này và Biển Đông đều đang có tuyến hàng hải quan trọng với sự can dự của nhiều bên vì những động cơ và mục tiêu khác nhau. Tình hình như vậy rất dễ tạo ra mồi lửa xung đột”.
NGÔ MINH TRÍ
TNO