28/12/2024

Các tổ chức Công giáo Philippines phản đối các vụ vi phạm nhân quyền

Các tổ chức Công giáo Philippines phản đối các vụ vi phạm nhân quyền

Lực lượng an ninh Philippines (AFP or licensors)

Các tổ chức Công Giáo Philippines lên tiếng phản đối các vụ vi phạm nhân quyền và các cuộc hành quyết phi pháp do các lực lượng chính phủ thực hiện.

Trong những ngày vừa qua, một cuộc họp trực tuyến được tổ chức bởi các hiệp hội Công giáo, bàn về các vụ vi phạm nhân quyền và các cuộc hành quyết phi pháp đang diễn ra trong quốc gia. Nhiều nạn nhân trong số này bị cáo buộc là “phiến quân cộng sản”.

Trước đó, Đức cha Gerardo Alminaza, Giám mục của San Carlos, cũng đã công khai yêu cầu chấm dứt văn hoá không trừng phạt và ngài hoan nghênh việc thông qua dự luật đặc biệt, được đề xuất bởi một số nghị sĩ, trừng phạt việc “dán nhãn đỏ”, như là dán nhãn là “khủng bố” hoặc “cộng sản” cho các cá nhân hoặc tổ chức phê bình tổng thống. Đức cha nói rằng, luật pháp phải bảo vệ tự do ngôn luận và bảo vệ khỏi việc bắt giam và giết người đối với những người phê phán chính quyền của Tổng thống Duterte.

Lên tiếng tại buổi họp, Cha Aris Miranda, thành viên của Hiệp hội “Thúc đẩy phản ứng của người dân của Giáo hội” (PCPR), và mạng lưới các hiệp hội bao gồm Uỷ ban Nhân quyền Quốc tế tại Philippines (ICHRP), Phong trào Đại kết vì Công lý và Hòa bình nói: “Các cộng đoàn Công giáo thực sự phẫn nộ, lên án về vô số các hành vi vi phạm nhân quyền và các cuộc hành quyết phi pháp do các lực lượng chính phủ thực hiện”.

Cha Miranda nhắc lại vụ 9 nhà hoạt động bị giết trong một cuộc đột kích của cảnh sát vào ngày 7/3, chỉ sau hai ngày tổng thống Duterte đưa ra lời kêu gọi loại bỏ “các chiến binh cộng sản ở Philippines”. Thực tế, những người bị giết không phải là thành viên của nhóm cộng sản.

“Từ lâu, các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế đã nhấn mạnh rằng tất cả những điều này là một sự kích động bạo lực”, Cha Miranda giải thích và nói tiếp: “Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho tất cả những người bị bắt; đồng thời yêu cầu Quốc hội và Uỷ ban Nhân quyền tiến hành một cuộc điều tra độc lập và đáng tin cậy về các cuộc đột kích, nhằm xác định những người chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng muốn Toà Tối cao phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn các lệnh khám xét tiếp theo hoặc các công cụ tư pháp khác để bịt miệng các nhà hoạt động, những người bất đồng chính kiến và những người phê bình chính phủ. Do đó, chúng tôi kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Toà án Hình sự Quốc tế giải quyết những trường hợp này. Ngoài ra cần phải thành lập Lực lượng Đặc nhiệm để chấm dứt xung đột vũ trang và bãi bỏ luật chống khủng bố của Tổng thống Duterte.”

Ngọc Yến