23/01/2025

‘Thủ phủ selfie tử thần của thế giới’

‘Thủ phủ selfie tử thần của thế giới’

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, Ấn Độ, được mệnh danh là “thủ phủ selfie tử thần của thế giới”, ghi nhận hơn 5 người chết vì chụp ảnh tự sướng (selfie), không kể những trường hợp tử vong chưa được báo cáo.
Giới chức Ấn Độ kêu gọi người dân chụp ảnh tự sướng có trách nhiệm /// AFP
Giới chức Ấn Độ kêu gọi người dân chụp ảnh tự sướng có trách nhiệm AFP
Cảnh sát Ấn Độ cho biết số người chết vì chụp ảnh selfie trong 3 tháng đầu năm có thể cao hơn nhiều, lên tới hàng trăm người. Lý do là nhiều trường hợp không được báo cáo hoặc không được xác định nguyên nhân chính thức gây tử vong là do chụp ảnh tự sướng, theo tờ South China Morning Post.
Chẳng hạn, vào đầu tháng 4, hai thiếu niên chết đuối dưới ao trong lúc chụp ảnh tự sướng ở thành phố Agra, miền bắc Ấn Độ. Trước đó, ở bang Orissa, một phụ nữ 27 tuổi chết đuối dưới sông vì trượt chân ngã trong khi chụp ảnh selfie tại khu dã ngoại Kaanakund. Cũng tại bang Orissa, một học sinh 13 tuổi trèo leo toa tàu đang di chuyển để chụp ảnh tự sướng, hậu quả là chết cháy vì vướng vào dây điện cao thế.
Trong những năm gần đây, số người chết vì chụp ảnh tự sướng ngày càng tăng trên khắp thế giới, nhưng nhiều nhất là ở Ấn Độ và nước này còn được mệnh danh là “thủ phủ selfie tử thần của thế giới”. Hồi năm 2018, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ kết luận khoảng 50% trong số 259 trường hợp tử vong vì selfie trên thế giới trong giai đoạn từ năm 2011-2017 là xảy ra ở Ấn Độ.
Nghiên cứu này liệt kê Ấn Độ, Nga, Mỹ và Pakistan là những quốc gia có nhiều ca tử vong vì selfie nhất. Hầu hết “bức ảnh tự sướng dẫn đến chết người” là do chết đuối, bị tàu, xe hơi đâm hoặc ngã từ trên cao xuống đất, theo nghiên cứu.
Giáo sư xã hội học tại Đại học Delhi, bà Rita Joshi đánh giá ảnh tự sướng giúp tầng lớp trung lưu thể hiện bản thân trong xã hội vẫn còn xem trọng tầng lớp ở Ấn Độ.
Bên cạnh đó, những người nổi tiếng và cả quan chức cấp cao cũng đóng một vai trò trong việc thúc đẩy xu hướng chụp ảnh tự sướng. Chẳng hạn, những bức ảnh tự chụp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với các nhà lãnh đạo thế giới và các bức ảnh selfie của những ngôi sao Bollywood luôn thu hút sự chú ý.
‘Thủ phủ selfie tử thần của thế giới’ - ảnh 1

Một người đàn ông Ấn Độ chụp ảnh tự sướng bên cạnh một con bò AFP

Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội, chuyên gia và quan chức ngày càng trở nên lo ngại trước trình trạng nhiều người có hành vi chụp ảnh tự sướng thiếu trách nhiệm. Họ đang nỗ lực thúc đẩy nhiều chương trình nhằm ngăn chặn hành vi này, bao gồm các ứng dụng cảnh báo các khu vực không nên chụp ảnh tự sướng.
Chẳng hạn, giáo sư Ponnurangam Kumaraguru tại Viện Công nghệ Thông tin Indraprastha (Ấn Độ), đã tạo ra một ứng dụng điện thoại mang tên Saftie. Ứng dụng này có chức năng cảnh báo người dùng về những địa điểm chụp ảnh tự sướng được những người dùng khác đánh giá là “nguy hiểm” ở Ấn Độ.
Ngoài ra, doanh nhân Deepak Gandhi (43 tuổi) còn phát động chương trình SelfieToDieFor nhằm nâng cao nhận thức về cạm bẫy của việc chụp ảnh tự sướng ở những địa điểm nguy hiểm. Website của SelfieToDieFor thể hiện những đoạn video cảnh báo về hậu quả của việc chụp ảnh tự sướng nguy hiểm và kêu gọi “Hãy chụp ảnh selfie có trách nhiệm”.
Chính phủ Ấn Độ cũng nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng chụp ảnh tự sướng vô trách nhiệm. Chẳng hạn, cơ quan quản lý đường sắt đã đăng tải hướng dẫn tự chụp ảnh an toàn.
Mặt khác, Lực lượng Bảo vệ Đường sắt Ấn Độ đã công bố các biện pháp xử phạt đối với những người chụp ảnh tự sướng mạo hiểm. Sở cảnh sát ở thành phố Mumbai và bang Goa (Ấn Độ) áp đặt lệnh cấm chụp ảnh selfie tại một số khu vực công cộng.
PHÚC DUY
TNO