27/12/2024

Livestream, bán hàng qua mạng nở rộ

Livestream, bán hàng qua mạng nở rộ

Quản lý thị trường nhiều địa phương gần đây liên tục triệt phá các cơ sở, kho hàng lớn có dấu hiệu kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu với số lượng lớn.
Cơ quan thuế sẽ truy thu các cá nhân có kinh doanh, thu nhập trên mạng /// Ảnh: Đ.N.T
Cơ quan thuế sẽ truy thu các cá nhân có kinh doanh, thu nhập trên mạng ẢNH: Đ.N.T
Ngoài việc các cá nhân đó có nhiều chiêu để tránh sự truy quét của quản lý thị trường thì khả năng việc kê khai, thu thuế chắc chắn cũng sẽ bỏ lơ.
Cuối tháng 3 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triệt phá một kho hàng giả mạo, nhập lậu các loại quần áo, mỹ phẩm tại H.Ba Vì. Cơ sở này có cả chục trang Facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ các livestream bán hàng toàn quốc. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở, chỉ trong 6 tháng, có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Như vậy, trung bình mỗi ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát giao hàng nhanh.
Trước đó, vào tháng 7.2020, Cục Quản lý thị trường Lào Cai đã truy quét kho hàng lậu cực lớn tại trung tâm TP.Lào Cai. Toàn bộ số hàng này phải kiểm đếm trong 4 ngày đêm mới xong và được niêm phong vào 34 container. Chủ hàng đã thuê trên 70 nhân viên để vận hành kho hàng và kinh doanh qua mạng, chủ yếu bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên Facebook. Mỗi ngày, nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hằng tháng riêng phần bán lẻ là hơn 10 tỉ đồng. Đặc biệt, sao kê do phía ngân hàng (NH) cung cấp cho cơ quan an ninh cộng dồn trong vòng chưa đến 2 năm, doanh thu bán hàng của nhóm đối tượng này là hơn 649 tỉ đồng… Hình thức livestream bán hàng qua Facebook đang được áp dụng ngày càng nhiều, từ người bán mỹ phẩm đến quần áo, giày dép, túi xách hay thực phẩm chức năng. Thậm chí, một chiếc túi Gucci đã qua sử dụng có giá gần 100 triệu đồng, nhưng khi livestream cũng có khách hàng chốt đơn ồ ạt.
Theo TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, việc cơ quan thuế phối hợp với NH là một trong những phương cách cần đẩy mạnh để bảo đảm việc thu thuế của người có doanh thu qua mạng. Sự phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan hữu quan (trong đó có NH và các đơn vị trung gian thanh toán) là yêu cầu cần thiết cho việc thực thi chính sách thuế. Đây cũng là điểm mới đáng chú ý trong luật Quản lý thuế (2019) và các chính sách thuế ban hành gần đây và sẽ khá hiệu quả nếu được thực thi nghiêm túc.
Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này cũng gặp khó khăn. Hiện nay các phương thức trung gian thanh toán rất đa dạng. Trường hợp các đơn vị nước ngoài và các cá nhân có doanh thu qua mạng lựa chọn áp dụng các phương thức thanh toán khác không thông qua NH, thì NH lẫn cơ quan thuế cũng không biết được thông tin đó. Vì vậy, luật sư Châu Huy Quang cho rằng cần có sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan thuế với NH và các cơ quan liên quan khác, gồm cả các đơn vị trung gian thanh toán thẻ quốc tế. Các tổ chức cần có sự đầu tư về kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để giúp truy xuất dữ liệu chính xác. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nữa liên quan việc bảo mật thông tin của khách hàng và uy tín của NH. Vì thế, cần thiết phải tiến hành công tác tuyên truyền để người nộp thuế hiểu rằng các NH chỉ cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin cơ bản về tài khoản của người nộp thuế, chứ không tiết lộ số dư tài khoản hay lịch sử giao dịch.
M.PHƯƠNG – T.XUÂN
TNO