20/11/2024

Ca COVID tăng vọt 3 con số, chuyện gì xảy ra ở Campuchia, Thái Lan?

Ca COVID tăng vọt 3 con số, chuyện gì xảy ra ở Campuchia, Thái Lan?

Số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày bất ngờ tăng vọt lên 3 con số ở cả Campuchia lẫn Thái Lan khiến dư luận sửng sốt đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại đây?

 

Ca COVID tăng vọt 3 con số, chuyện gì xảy ra ở Campuchia, Thái Lan? - Ảnh 1.

Cảnh sát phong tỏa một tuyến đường ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) để phòng chống dịch COVID-19 – Ảnh: KHMER TIMES

Thủ tướng Samdech Hun Sen ngày 10-4 thông báo nước này có thêm 477 ca COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus corona tại Campuchia lên 4.081 ca. Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận gần 800 ca mới, nhà chức trách đã phải dựng gấp 10 bệnh viện dã chiến để có chỗ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Campuchia: phong tỏa một số khu vực ở thủ đô

“Sự cố ổ dịch cộng đồng ngày 20-2 không hề chậm lại mà ngày càng trầm trọng hơn, kể cả khi chúng ta đã áp đặt các biện pháp hạn chế. Quản lý yếu kém trong một số lĩnh vực đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khiến số ca bệnh tăng lên” – ông Hun Sen nói.

Theo ông Hun Sen, trong cả năm 2020 Campuchia chỉ ghi nhận khoảng 500 người bệnh COVID-19, hiện nay con số này đã tăng lên hơn 4.000 ca. Trong số 477 ca mới ghi nhận ngày 10-4 có 454 ca tại thủ đô Phnom Penh.

Theo báo Khmer Times, chính quyền Phnom Penh thông báo phong tỏa 14 ngày với một số khu vực trong thủ đô từ nửa đêm 9-4 đến ngày 23-4, hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại và tụ tập đông người. Chỉ những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu mới được mở cửa dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Ông Khuong Sreng, đô trưởng Phnom Penh, cho biết các khu vực bị phong tỏa đều liên quan đến ổ dịch “nhà máy dệt may Din Han”. Ổ dịch này đã ghi nhận gần 1.000 người mắc COVID-19 trong chưa đầy 3 ngày qua.

Ổ dịch Din Han cũng liên quan đến “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2” của Campuchia. “Sự cố cộng đồng 20-2” là tên gọi ổ dịch thứ ba trong cộng đồng ngày 20-2 và cũng là ổ dịch lớn nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng lên tại Campuchia một năm trước.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia – bà Or Vandine Vandine – kêu gọi người dân hạn chế việc đi lại không cần thiết, đặc biệt là trong kỳ nghỉ tết của người Khmer, đồng thời khuyến nghị người dân nên tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Ngoài lệnh giới nghiêm từ 20h đến 5h mỗi ngày kể từ 1-4, Campuchia cũng cấm hoạt động đi lại liên tỉnh để ngăn chặn đại dịch COVID-19, đồng thời đóng cửa tất cả địa điểm du lịch trên cả nước từ ngày 7 đến 20-4.

Dịch bệnh ở Campuchia đang ở thời điểm nguy hiểm nhất

Trong khi tranh cãi giữa hai nước láng giềng Thái Lan – Campuchia về nguồn lây chủng virus corona mới chưa hạ nhiệt, cả hai nước liên tục trải qua những ngày dịch bệnh bùng phát nhanh chóng.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một chuyên gia nghiên cứu Campuchia tại Phnom Penh nhận định tình hình dịch bệnh tại nước này có thể sẽ càng phức tạp hơn trong thời gian tới.

“Số ca bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân, phụ thuộc phần lớn vào năng lực xét nghiệm của Viện Pasteur tại Phnom Penh. Số người nhiễm tăng nhanh, buộc Campuchia hôm qua đã phải mở hai bệnh viện dã chiến trong trường học và trung tâm giải trí; buộc phải làm theo cách của các nước phương Tây là cho các bệnh nhân COVID-19 bị nhẹ chữa bệnh tại nhà.

Căn cứ vào tình trạng hiện nay, có thể nói dịch bệnh ở Campuchia đang ở thời điểm nguy hiểm nhất. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cộng đồng ở Campuchia rất cao. Trên thực tế, điều này không còn là nguy cơ vì nó đã xảy ra” – vị chuyên gia nói với Tuổi Trẻ(TIẾN TRÌNH)

Ca COVID tăng vọt 3 con số, chuyện gì xảy ra ở Campuchia, Thái Lan? - Ảnh 3.

Một nhân viên ngồi phía trước đại lý du lịch bị đóng cửa của ông tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 8-4 – Ảnh: BANGKOK POST

Du lịch Thái Lan bị ảnh hưởng

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan ngày 10-4 báo cáo ghi nhận 789 ca mắc mới và 1 ca tử vong trong ngày, trong đó có 781 ca cộng đồng và 8 ca nhập khẩu. Chính phủ Thái Lan đã ra lệnh đóng cửa các quán rượu, quán bar và tiệm massage tại 41 tỉnh, bao gồm thủ đô Bangkok, trong vòng 2 tuần kể từ 10-4 sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất lan ra toàn quốc.

Theo báo Bangkok Post, phần lớn các ca nhiễm mới của Thái Lan có liên quan đến ổ dịch các quán rượu và quán bar tại khu Thong Lor ở thủ đô và hiện đã lan rộng ra 18 tỉnh. Cơ sở không kinh doanh giải trí vẫn được phép mở cửa nhưng phải tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe nghiêm ngặt. Nếu vi phạm lệnh cấm, doanh nghiệp sẽ bị đóng cửa.

Bangkok đã đóng cửa các tụ điểm vui chơi giải trí tại 3 quận Klong Toey, Watthana và Bang Khae từ 6 đến 9-4 nhưng vẫn không thể ngăn đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất lan rộng ra toàn quốc.

Bộ Quốc phòng Thái Lan thông báo sẽ trưng dụng 10 khu vực quân sự ở Bangkok và các tỉnh lân cận để dựng gấp 10 bệnh viện dã chiến, cung cấp 3.000 giường bệnh để giải quyết số bệnh nhân COVID-19 đang tăng nhanh chóng tại nước này.

Quyết định đóng cửa các tụ điểm vui chơi giải trí được đưa ra trước kỳ nghỉ lễ dài Songkran. Dịp tết cổ truyền của người Thái sẽ bắt đầu từ tuần sau, hàng triệu người có ý định đi nghỉ hoặc về nhà đoàn tụ với gia đình.

Cục trưởng Yuthasak Supasorn của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết ổ dịch Thong Lor sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch của nước này trong tuần tới, do các quy định phòng dịch và tâm lý mất niềm tin vào du lịch.

Trước đó, TAT dự báo sẽ có khoảng 3,2 triệu chuyến du lịch quốc nội trong tuần lễ Songkran, đem về 12 tỉ baht (khoảng 381 triệu USD) cho nền kinh tế Thái Lan. Tuy nhiên, ông Yuthasak cho biết các chuyến du lịch và lợi nhuận từ đó có khả năng giảm 50% xuống còn 1,6 triệu chuyến và 6 tỉ baht do tình hình dịch bệnh hiện nay.

Biên giới Tây Nam phòng dịch từ đất liền ra biển

tuan tra dem tren bien - anh 1' 1(read-only)

Lực lượng biên phòng Thổ Châu kiểm tra tàu cá đánh bắt đêm trên vùng biển Tây Nam – Ảnh: Bộ đội biên phòng Kiên Giang

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát phức tạp ở các nước bạn, các địa phương có đường biên giới Tây Nam tiếp tục siết chặt lại tuyến biên giới.

Tại Long An, sau khi tiếp nhận thêm 40 cán bộ, chiến sĩ biên phòng từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh vào tăng cường, cơ quan này tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “nhiệm vụ kép” – vừa đảm bảo quản lý, bảo vệ biên giới vừa tăng cường phòng chống dịch.

Gần đây, khu vực biên giới tỉnh Long An có hiện tượng nhiều thanh niên từ các tỉnh thành và người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tụ tập về để tìm cách sang Campuchia tìm việc theo chỉ dẫn của nhiều đường dây, tổ chức việc làm quảng bá trên mạng xã hội.

Cộng thêm lượng người tìm cách trở về từ Campuchia do tình hình dịch bệnh ở nước này ngày càng phức tạp, bộ đội biên phòng tỉnh Long An tiếp tục duy trì 36 chốt canh phòng, 6 tổ công tác lưu động, 3 tổ công tác cơ động, 4 tổ công tác biên phòng và 12 trạm kiểm soát với hơn 500 cán bộ chiến sĩ để tăng cường canh giữ suốt ngày đêm khu vực biên giới.

Tại Kiên Giang, ngoài đường biên giới trên bộ, việc siết chặt tuyến biên giới biển cũng được củng cố không ngừng. Ông Đỗ Văn Dừng, chủ tịch UBND xã Thổ Châu (TP Phú Quốc, Kiên Giang), cho biết xã này đã tăng cường 100% nhân lực, huy động đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng biên phòng đóng trên đảo kiểm soát người nhập cảnh lậu.

Trước đây chỉ có 2 tàu biên phòng tuần tra thì nay đã tăng cường thêm 1 số canô cao tốc tuần tra kiểm soát liên tục 24/24 giờ trên vùng biển quanh đảo, để ngăn người nhập cảnh lậu tiếp cận bờ biển vào ban đêm.

Đại tá Nguyễn Thế Anh, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang, cho biết thêm sau vụ việc 10 người nhập cảnh lậu bằng đường biển từ Campuchia vào đảo Phú Quốc, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đã chỉ đạo biên phòng phối hợp với hải quân, cảnh sát biển tăng cường tối đa lực lượng tuần tra, chủ yếu tập trung trên vùng biển vào ban đêm. (SƠN LÂM – KHOA NAM)

ANH THƯ
TTO