Không có kháng huyết thanh, rắn cắn làm sao cứu?
Không có kháng huyết thanh, rắn cắn làm sao cứu?
Mới đây, bé gái 14 tháng tuổi tử vong do bị rắn hoa cổ đỏ cắn. Do không có kháng huyết thanh cho trường hợp này nên các bác sĩ ở cả hai bệnh viện (từ Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang lên đến Bệnh viện Nhi đồng 1) chỉ có thể điều trị triệu chứng.
Cháu bé N.T.N.T., 14 tháng tuổi, ngụ ở Tiền Giang, đang chơi ở nhà thì thấy con rắn bò ngang, bé lấy tay bắt rắn thì bị rắn cắn vào cẳng tay phải. Gia đình đã đưa bé đến nhà một thầy thuốc rắn để điều trị.
Ông thầy đắp lá cây, cắt lể lấy nọc rắn cho bé thì máu chảy không ngừng nên gia đình đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang để điều trị.
Sau 17 giờ điều trị tại đây, bệnh viện đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị trong tình trạng tỉnh táo, chỉ có vết thương rắn hoa cổ đỏ cắn ở cẳng tay phải.
“Thay máu” cũng không cứu được
Khi biết bệnh nhi bị loại rắn này cắn, các bác sĩ đã rất lo lắng, tiến hành thử xét nghiệm đông máu cho bệnh nhi. Kết quả cho thấy bệnh nhi bị rối loạn đông máu nhiều. Vết thương cứ tuôn máu ra vùng cẳng tay.
Các bác sĩ cho truyền chế phẩm của máu, truyền máu rất nhiều cho bệnh nhi. Thể tích máu truyền vào giống như thay toàn bộ máu trong cơ thể bệnh nhi nhưng cũng không ổn, do bệnh nhi không chỉ chảy máu ở vết thương mà còn bị chảy máu toàn thân.
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương – trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đã rất đau lòng khi không thể cứu sống được bệnh nhi này. Lúc đến bệnh viện cháu bé hoàn toàn tỉnh táo, vết thương không bị hoại tử nhưng máu lại chảy ra liên tục dù đã được băng ép.
Đây là ca bệnh các bác sĩ đã làm việc với tốc độ rất khẩn trương nhưng nọc độc đã vào trong cơ thể bệnh nhi quá nhiều, các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng chứ không có kháng huyết thanh nên cháu bé đã bị suy hô hấp, tử vong.
Hành trình tìm kháng huyết thanh
Bác sĩ Đinh Tấn Phương kể lại sau khi xác định được bệnh nhi bị rắn hoa cổ đỏ cắn, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ ngay với Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có đề tài nghiên cứu về rắn hoa cổ đỏ, để hỏi xem có kháng huyết thanh cho rắn hoa cổ đỏ hay không, cách điều trị nếu không có kháng huyết thanh?
Tại Việt Nam chưa có kháng huyết thanh cho rắn hoa cổ đỏ nên chỉ điều trị triệu chứng như các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã điều trị cho bệnh nhi.
Các bác sĩ đã rất lo lắng cho bệnh nhi nên tiếp tục liên hệ ngay với một số nước bạn xem có kháng huyết thanh không nhưng không nước nào có.
Chỉ riêng Nhật Bản có một viện nghiên cứu hợp tác với một bệnh viện của trường đại học y khoa đang nghiên cứu thử nghiệm kháng huyết thanh rắn hoa cổ đỏ. Chế phẩm có nhưng đang trong giai đoạn nghiên cứu nên chưa thể mang ra bên ngoài để sử dụng, trừ khi phải ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu.
Nhiều người tưởng loại rắn này lành, không đáng sợ nên thường chơi với loại rắn này. Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Tấn Phương khẳng định đây là một loại rắn nước có nọc độc.
Theo một chuyên gia Nhật Bản, loại rắn này không tự sản xuất ra chất độc cho bản thân nó, mà chất độc này được lấy từ những thức ăn của nó, sau đó cơ thể tự tổng hợp thành chất độc.
Về chuyên môn, rắn hoa cổ đỏ, còn gọi là rắn hổ lửa, rắn hoa sải cỏ, rắn hoa cỏ học trò, rắn bảy màu… có tên khoa học là Rhabdophis subminiatus, được xếp loại rắn nước, nhưng là loại rắn có nọc độc.
Hiện nay ở các tỉnh miền Tây hay gặp loại rắn này, nó sống gần hồ, ao, bãi cỏ và trong vườn. Khi gặp nguy hiểm nó ngóc đầu phồng mang lên như rắn hổ và sẵn sàng tấn công đối thủ.
Rắn thường hoạt động vào ban ngày, ưa thích ăn các loại lưỡng cư có chứa chất độc như cóc, ếch, cá.
Tự bản thân loài rắn cổ đỏ này không sản xuất ra nọc độc mà nọc độc của nó được tích lũy qua quá trình chúng ăn phải các loài động vật có độc như cóc độc, ếch độc, nhái độc.
Nhờ tuyến Nuchal của rắn, tức tuyến nằm sau ót của rắn, nó lọc và giữ lại các chất độc khi nó nuốt phải, sau đó tổng hợp, chuyển hóa thành nọc độc cho riêng mình, đó là chất kích hoạt yếu tố đông máu mạnh như yếu tố X, sẽ làm tiêu sợi huyết, hình thành fibrin trong lòng mạch.
Sự thiếu hụt sợi fibrin trong máu khiến cho máu chảy không cầm được, nặng nhất là xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết thận, dẫn đến sốc mất máu và tử vong.
Theo bác sĩ Tấn Phương, nước ta nên nghĩ đến việc tự sản xuất kháng huyết thanh cho loại rắn này, hoặc hợp tác với nước ngoài để nghiên cứu, hoặc mua những thành phẩm kháng huyết thanh của các nước đã có trên thế giới để cứu sống những trường hợp bị rắn cắn.
Coi chừng thú vui lạ gây nguy hiểm
Hiện nay nhiều bạn trẻ có những thú vui rất lạ như nuôi rắn, bọ cạp trong lồng. Điều này cũng rất nguy hiểm vì người nuôi vẫn có khả năng bị rắn cắn, bọ cạp cắn. Rắn hoa cổ đỏ xuất hiện nhiều ở miền Tây, bà con bắt được đem đun nấu lên vẫn không hết nọc độc, do vậy khi ăn vào vẫn có khả năng bị rối loạn đông máu.
Nhiều người ở các tỉnh thường để rắn sản sinh để bắt chuột. Tuy nhiên, nếu loại rắn này sinh sôi nảy nở nhiều, bị rắn cắn sẽ rất nguy hiểm vì hiện nay trong nước chưa có kháng huyết thanh cho loại rắn này.
T.DƯƠNG