23/01/2025

Xu hướng mỗi địa phương chọn nhiều sách giáo khoa cho một môn học

Xu hướng mỗi địa phương chọn nhiều sách giáo khoa cho một môn học

Ngày 5.4 là hạn chót mà Bộ GD-ĐT mong muốn các địa phương sẽ chọn xong sách giáo khoa mới cho năm học tới. Tuy nhiên đến nay, chỉ một số ít địa phương hoàn thành công việc này.
Các giáo viên trong hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 2 /// HÀ LINH
Các giáo viên trong hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 2 HÀ LINH
Dù năm nay cấp tỉnh quyết định việc chọn sách giáo khoa (SGK) thay vì cấp trường như năm học trước, nhưng vẫn có xu hướng chọn nhiều SGK cho mỗi môn học.

Chưa thấy tỉnh nào chỉ chọn từ 1 bộ SGK

Bộ GD-ĐT yêu cầu để đảm bảo tiến độ, trước khai giảng năm học 2021 – 2022 khoảng 5 tháng, các địa phương phải chọn xong SGK lớp 2, lớp 6 mới, có nghĩa việc này phải kết thúc trước ngày 5.4. Yêu cầu này được Bộ lý giải là để có đủ thời gian cho việc tập huấn, in ấn phát hành SGK mới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, đến ngày 6.4, mới có một số ít địa phương công bố kết quả lựa chọn SGK mới. Chiều 5.4, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6. Theo đó, có tổng số 18/32 SGK lớp 2 của 9 môn học/hoạt động giáo dục được tỉnh này lựa chọn; lớp 6 có 24/40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc được lựa chọn. Ở cả hai khối lớp, mỗi môn học/hoạt động giáo dục đều có 2 SGK từ 2 bộ sách khác nhau của 3 nhà xuất bản (NXB) là: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Sư phạm được tỉnh này lựa chọn. Căn cứ vào danh mục này, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh sẽ chủ động lựa chọn SGK nào để sử dụng chính thức cho trường mình.
Tương tự, đại diện Sở GD-ĐT Cao Bằng cho biết UBND tỉnh đã phê duyệt 24/32 SGK lớp 2 và 33/40 đầu SGK lớp 6 thuộc 3 NXB để các trường lựa chọn. Trước đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập 9 hội đồng lựa chọn SGK lớp 2 và 12 hội động lựa chọn SGK lớp 6 với 3 bộ, gồm: Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam; bộ Cánh diều của NXB ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sư phạm.
Chiều 5.4, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã có quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 1, 2, 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Yên Bái từ năm học 2021 – 2022. Theo đó, bộ sách lớp 1 giống bộ sách các trường đã chọn từ năm học trước, chỉ thay đổi ở sách toán. SGK lớp 2 và 6 được lựa chọn từ 2 bộ SGK của 3 NXB. Ví dụ, sách tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội, giáo dục thể chất, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm của NXB Giáo dục Việt Nam; sách toán của NXB ĐH Sư phạm và sách tiếng Anh của NXB ĐH Sư phạm TP.HCM. Theo lãnh đạo sở GD-ĐT Yên Bái, để có những lựa chọn này là dựa trên tổng hợp kết quả lựa chọn từ cơ sở, thông qua các hội thảo giới thiệu sách cùng những nghiên cứu, phân tích tại từng đơn vị trường học, huyện, thị, thành phố.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định cho biết cuối tháng 3 vừa qua đã tổ chức họp Hội đồng lựa chọn SGK lớp 2, 6. Trên cơ sở danh mục SGK do cơ sở đề xuất, ngày 25 và 26.3.2021, hội đồng lựa chọn SGK lớp 2, 6 tổ chức họp, thảo luận, đánh giá mỗi SGK theo các tiêu chí được UBND tỉnh phê duyệt.
15 thành viên trong mỗi hội đồng chọn SGK lớp 2, 6 đã bỏ phiếu và lựa chọn được tối thiểu 2 SGK cho mỗi môn học. Kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng được chuyển giao cho sở GD-ĐT để trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Nhiều địa phương đang gấp rút

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nhận được báo cáo về việc chọn SGK của các địa phương nên chưa có đánh giá gì về việc chọn SGK năm nay. Nhiều địa phương vẫn đang gấp rút hoàn tất công tác này.
Tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết dự kiến trong tuần này sẽ hoàn thành việc đề xuất danh mục SGK lớp 2, 6 để trình UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Được biết, Hà Nội thành lập 9 hội đồng lựa chọn SGK lớp 2 và 12 hội đồng lựa chọn SGK lớp 6, mỗi hội đồng phụ trách lựa chọn SGK 1 môn học. Trước đó, các phòng GD-ĐT đã tổng hợp kết quả đề xuất của các nhà trường để gửi sở GD-ĐT.
Bà Phan Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết: “Kết quả đề xuất chọn SGK ở các trường cho thấy khá đa dạng và khách quan khi có nhiều SGK khác nhau được chọn. Hầu như không trường nào chỉ chọn SGK từ 1 bộ mà chọn từ nhiều bộ để đủ cho tất cả các môn học”.
Bà Hằng khẳng định việc đề xuất SGK nào là quyền chủ động hoàn toàn của các trường, phòng GD-ĐT cũng không nhận được bất cứ “gợi ý” nào từ cấp trên về việc nên chọn SGK nào. Với SGK lớp 1, theo bà Hằng hiện nay vẫn chưa nhận được kiến nghị gì của các trường về việc chọn lại SGK để thay thế SGK đã sử dụng từ năm học trước. “Nếu nhận được đề nghị, chúng tôi sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, bà Hằng cho hay.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Nam Từ Liêm, cho biết với lớp 6, do năm đầu thực hiện việc lựa chọn sách và có nhiều môn học nên các trường phải triển khai lựa chọn qua nhiều khâu, giáo viên phải nghiên cứu kỹ, cần nhiều thời gian hơn. Bên cạnh tiêu chí do Sở GD-ĐT Hà Nội hướng dẫn, mỗi nhà trường còn căn cứ vào trình độ năng lực của học sinh, trình độ của đội ngũ giáo viên, trình độ dân trí, cơ sở vật chất… để lựa chọn sách. Riêng đối với lớp 2, rút kinh nghiệm sau một năm thực hiện, mỗi giáo viên cần cho ý kiến về ưu điểm, hạn chế của bộ sách đang thực hiện, đánh giá chung kết quả nhận thức của học sinh lớp 1 để từ đó có sự lựa chọn sách lớp 2 phù hợp.
Tại Hà Tĩnh, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, có 370 trường học trong toàn tỉnh đã hoàn tất công tác nghiên cứu SGK. Mọi đánh giá về ưu, khuyết điểm và quan điểm, ý kiến của giáo viên đã được các trường tổng hợp bằng văn bản. Đây là căn cứ quan trọng để hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh xem xét, cho ý kiến tham mưu UBND tỉnh ra quyết định cuối cùng. (còn tiếp)
TUỆ NGUYỄN
TNO