23/01/2025

Cảnh báo rủi ro khi ngân hàng ồ ạt ‘bơm’ vốn điện gió, điện mặt trời

Cảnh báo rủi ro khi ngân hàng ồ ạt ‘bơm’ vốn điện gió, điện mặt trời

Chưa khi nào mà các dự án điện gió, điện mặt trời lại bùng nổ tại Việt Nam như hiện nay; kéo một dòng vốn khổng lổ chảy vào lĩnh vực này, đặc biệt từ phía các ngân hàng.
Ồ ạt phát triện điện gió, điện mặt trời sẽ để lại nhiều rủi ro /// Ảnh Thiện Nhân
Ồ ạt phát triện điện gió, điện mặt trời sẽ để lại nhiều rủi ro ẢNH THIỆN NHÂN
Vốn chủ yếu từ các nhà băng
Theo báo cáo do Trung tâm Phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa phát hành về lĩnh vực điện, năm 2020 các doanh nghiệp (DN) năng lượng phát hành 35.700 tỉ đồng trái phiếu, tăng 274% so với 2019. Trong đó các dự án điện mặt trời vẫn chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất. Số vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời tăng từ 8.430 tỉ đồng trong năm 2019 lên 29.900 tỉ đồng trong năm 2020, tập trung nhiều vào các dự án ở Ninh Thuận, Đắk Lắk.
Dẫn đầu trong cuộc đua phát hành trái phiếu tài trợ cho dự án điện mặt trời là Tập đoàn Xuân Thiện. Thông qua nhiều công ty con, Xuân Thiện đã phát hành được 12.710 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn kéo dài từ 4 – 9 năm. Đơn cử nhóm Ea Súp 1-5, vận hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp, Đắk Lắk tổng mức đầu tư 50.000 tỉ đồng, đã phát hành được 7.000 tỉ đồng. Tập đoàn này còn thông qua 4 công ty thành viên phát hành thêm 5.710 tỉ đồng trái phiếu để đầu tư dự án ở các địa phương khác.
Đứng thứ hai về phát hành trái phiếu là Tập đoàn Trung Nam đầu tư Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, công suất 450 MW. Tập đoàn này đã phát hành tổng cộng 6.373 tỉ đồng trong năm 2020. Công ty CP Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn cũng huy động được 2.480 tỉ đồng trái phiếu.
Xu hướng này tiếp tục trong quý 1/2021, gần đây nhất, Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam (Gelex) quyết định huy động trái phiếu và rót vốn vào 5 dự án điện gió tại Quảng Trị gồm: Dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 (H.Hướng Hoá, Quảng Trị), với công suất của khoảng 50 MW. Nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 (xã Hướng Linh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), công suất mỗi nhà máy 30 MW.
Đầu tư điện gió, điện mặt trời được xếp vào lĩnh vực khuyến khích, được áp cơ chế ưu đãi giá bán cao hơn điện than, điện khí; tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ “trăm hoa, đua nở” dòng vốn chảy vào các dự án này rất nóng, đặc biệt từ phía các nhà băng.
Cảnh báo rủi ro khi ngân hàng ồ ạt ‘bơm’ vốn điện gió, điện mặt trời - ảnh 1

Điện mặt trời đang có nguy cơ vỡ kế hoạch vì quá tải ẢNH C.H

Đòn bẩy tài chính cao, áp lực nợ xấu

Mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong văn bản kiến nghị, tập đoàn cho hay phải vay vốn nhiều ngân hàng để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo và nguồn trả nợ duy nhất là từ doanh thu bán điện. Tuy nhiên, do bị cắt giảm công suất thường xuyên, nên việc trả nợ đang gặp khó khăn.
Đáng chú ý, phần lớn đợt phát hành trái phiếu của Trung Nam Thuận Nam năm 2020 (gần 6.400 tỉ đồng) đều được Ngân hàng Quân đội (MB) thu xếp và làm trái chủ. Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng khác như VietinBank, TBank, SCB… cũng tham gia cho vay hoặc đầu tư lượng lớn trái phiếu DN điện mặt trời.
Báo cáo của Ngân hàng nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỉ đồng cho vay năng lượng tái tạo, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời. So với tổng dư nợ tín dụng thì con số này chưa phải quá lớn, nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thừa nhận, việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.
Theo PGS TS. Ngô Trí Long, một rủi ro khác là các phần lớn các DN đầu tư điện tái tạo hiện nay đều chưa phải là các tập đoàn có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm. Rất nhiều DN sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Bên cạnh đó, năm 2021, EVN dự kiến cắt giảm 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo. Điều này càng làm gia tăng rủi ro cho các ngân hàng và nhà đầu tư. Với những dự án nằm ngoài quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, sử dụng đòn bẩy tài chính cao, chậm tiến độ… thì nguy cơ vỡ nợ càng lớn.
TIÊU PHONG
TNO