24/12/2024

Kinh tế Mỹ sắp bùng nổ

Kinh tế Mỹ sắp bùng nổ

Gói kích thích khổng lồ cộng với chiến dịch tiêm chủng thần tốc dự báo giúp kinh tế Mỹ tăng tốc vượt mặt Trung Quốc trong năm nay, kéo theo các nền kinh tế vệ tinh khác.

 

Kinh tế Mỹ sắp bùng nổ - Ảnh 1.

Bên ngoài một nhà hàng ở Los Angeles (Mỹ). Kinh tế dần mở cửa trở lại đem theo nụ cười – Ảnh: Reuters

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay – nhanh nhất kể từ năm 1984, và sẽ đưa quy mô nền kinh tế vượt xa mọi dự báo trước đại dịch.

6,5% là con số “chóng mặt” với một nước đã phát triển như Mỹ, không có nền kinh tế nào kể cả Trung Quốc dám hi vọng phép mầu này. Bởi vậy, từ bây giờ các nhà kinh tế đặt cược Mỹ sẽ là động lực tăng trưởng chính toàn cầu trong năm nay.

GDP Việt Nam được kéo thêm 1,4%

Có hai động lực chính đằng sau sự bùng nổ của kinh tế Mỹ.

Thứ nhất, chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 diễn ra quy mô và thần tốc – bỏ xa châu Âu và châu Á – đã giúp hoạt động kinh tế Mỹ khôi phục nhanh chóng. Dấu hiệu mới nhất là tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 3-2021 đã giảm xuống chỉ còn 6% so với thời điểm xấu nhất là 14,8% (tháng 4-2020).

Thứ hai, chính phủ của Tổng thống Joe Biden đã tỏ ra quyết tâm khi tung ra gói giải cứu kinh tế thứ hai quy mô đến 1.900 tỉ USD. Có rất ít quốc gia phát triển dám tiêu tiền như Mỹ trong năm vừa qua, các nước nghèo càng không có cơ hội.

Có một điểm sáng là kinh tế Mỹ nóng lên kéo theo sự phục hồi ở nơi khác, nhất là những nước xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ. Hai công ty dịch vụ tài chính Allianz và Euler Hermes ước tính chỉ riêng gói kích thích của Mỹ sẽ bổ sung 1,4% cho GDP Việt Nam trong 2 năm tới, chỉ đứng sau Mexico.

Cú hích đó sẽ giúp Việt Nam bù đắp được phần nào thiệt hại kinh tế do mảng du lịch nước ngoài bị đóng băng trong dịch bệnh, báo WSJ nhận định.

Ở Thái Lan, bầu không khí cũng lạc quan. Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái dự báo xuất khẩu sẽ tăng 3-5% trong năm nay, trong đó doanh số bán sang thị trường Mỹ tăng 10-11% sẽ bù đắp được phần giảm nhỏ ở châu Âu và Trung Quốc.

Ngành công nghiệp phụ tùng ôtô của Thái Lan – với quy mô lớn nhất Đông Nam Á – cũng đu theo xu hướng và có thể quay lại mức doanh số 22 tỉ USD – bằng với năm 2019, sau khi rơi 14% trong năm 2020. Nhu cầu lốp ôtô ở Mỹ là động lực cho sự hồi phục của ngành này.

Dù chưa đến đoạn cao trào nhưng sức mạnh hồi phục của Mỹ hiện đã gây sức ép lên chuỗi cung toàn cầu, đặc biệt càng trầm trọng hơn sau sự cố nghẽn kênh đào Suez.

Brompton Bicycle Ltd. – một công ty sản xuất xe đạp gấp ở London, cho biết dù đã tăng cường thêm dây chuyền, ưu tiên đầu ra cho thị trường Mỹ vẫn không đáp ứng hết nhu cầu. Công ty dự định sẽ mở rộng ở các thành phố chiến lược như New York, Chicago và San Francisco để đón đầu luồng gió mới.

Kẻ đi trước, người bị bỏ lại

Các nhà kinh tế nhận định không phải quốc gia nào cũng hưởng lợi nhờ kinh tế Mỹ tăng tốc. Năm ngoái, cả thế giới bị tác động gần như giống nhau khi COVID-19 ập đến, nhưng bây giờ các dấu hiệu sớm cho thấy khả năng thoát ra khỏi đại dịch sẽ rất chênh lệch giữa các nước.

Ngân hàng Trung ương châu Âu ước tính các gói kích thích kinh tế Mỹ chỉ giúp tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng euro tăng từ 4% lên 4,1% trong năm nay, và từ 4,1% lên 4,3% trong năm 2022. Tiêm chủng chậm chạp là nguyên nhân khiến châu lục này còn loay hoay.

Nhưng châu Âu vẫn còn đỡ, các nước nghèo nhất thế giới có nguy cơ không thể tiêm chủng cho phần lớn dân số trong nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa. Họ sẽ mất đi sinh kế từ ngành du lịch vốn tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế trong những năm gần đây.

Tháng trước, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Mỹ, đồng thời hạ dự báo đối với châu Phi. Kinh tế châu Phi sẽ tăng chậm hơn cả Mỹ, một khoảng cách còn lớn hơn nếu tính trên đầu người vì dân số châu Phi tăng nhanh hơn.

“COVID-19 rớt xuống đầu người nghèo như lửa cháy rừng. Trong đại dịch của sự bất bình đẳng, các nước nghèo càng tụt lại phía sau xa hơn” – ông David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phát biểu tại Trường Kinh tế London.

Một khả năng xấu là chi tiêu công của Chính phủ Mỹ đẩy lạm phát lên cao quá và buộc Cục Dự trữ liên bang phải nâng lãi suất lên sớm hơn mong đợi. Kịch bản này sẽ chứng kiến chi phí đi vay của nhiều nước bị đội lên, trong khi tốc độ hồi phục lại chậm.

“Mặt tiêu cực lớn nhất là chuyện gì sẽ xảy ra nếu đây là một chu kỳ bùng nổ – đổ vỡ? Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta không chỉ làm thị trường nóng quá mức, mà chúng ta còn bị buộc phải thắt chặt hầu bao nhanh hơn, nhiều hơn so với giá cả hàng hóa trên thị trường?” – ông Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), đặt câu hỏi.

916.000

Là số lượng việc làm mới được bổ sung vào nền kinh tế Mỹ trong tháng 3-2021, kéo tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 6%. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy thị trường lao động Mỹ đang tiến về mốc trước đại dịch khi số lượng người được tiêm ngừa COVID-19 mỗi lúc một đông.

PHÚC LONG
TTO