23/12/2024

Mức thuế khoán sẽ công bằng hơn?

Mức thuế khoán sẽ công bằng hơn?

Khi doanh thu của hộ hoặc cá nhân kinh doanh có biến động 20%, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và điều chỉnh mức khoán thuế cho phù hợp, thay vì phải chờ doanh thu biến động đến 50% mới được điều chỉnh mức khoán thuế như hiện nay.

 

Mức thuế khoán sẽ công bằng hơn? - Ảnh 1.

Các hộ kinh doanh tại chợ An Đông, TP.HCM phải tạm đóng cửa do dịch COVID-19 (ảnh chụp tháng 4-2020) – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đây là một trong những nội dung khá mới trong dự thảo thông tư quản lý thuế với hộ, cá nhân kinh doanh. Theo nhiều chuyên gia, việc giảm mức độ biến động doanh thu này sẽ giúp mức thuế khoán sát hơn và công bằng hơn, có lợi cho cả hộ/cá nhân kinh doanh lẫn cơ quan thuế.

Công bằng và lợi cả đôi bên

Số liệu của Cục Thuế TP.HCM cho biết trên địa bàn chỉ còn hơn 196.000 hộ đang hoạt động, giảm mạnh so với con số hơn 226.260 hộ kinh doanh trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong thực tế, nhiều hộ kinh doanh phải thu hẹp hoạt động vì khó khăn, doanh thu giảm 30 – 40% nhưng không được ngành thuế xem xét điều chỉnh giảm mức thuế khoán.

Một lãnh đạo ngành thuế thừa nhận tình trạng sụt giảm mạnh doanh thu của các hộ kinh doanh do ảnh hưởng của dịch, nhưng cho biết không thể điều chỉnh giảm mức thuế khoán do chưa đáp ứng được điều kiện doanh thu khoán thuế phải biến động từ mức 50% trở lên mới điều chỉnh mức khoán.

“Với quy định hiện hành, dù nhiều hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đặc biệt ở thời điểm giãn cách toàn xã hội vào tháng 4-2020, nhưng không được điều chỉnh do chưa thỏa điều kiện doanh thu biến động 50%. Do vậy, quy định biến động doanh thu 20% sẽ được điều chỉnh mức khoán thuế là phù hợp, giúp cơ quan thuế có thể “phản ứng” kịp thời khi doanh thu hộ khoán tăng hoặc giảm”, vị này nói.

PGS.TS Lê Xuân Trường – trưởng khoa thuế và hải quan (Học viện Tài chính) – cho rằng quy định biến động doanh thu 50% mới được điều chỉnh thuế khoán như hiện nay đã gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Đặc biệt, trong thời gian COVID-19, những hộ có doanh thu bị sụt giảm gần mức 50% vẫn không được giảm thuế khoán.

“Do đó, việc thu hẹp mức biến động doanh thu để điều chỉnh mức thuế khoán là hợp lý, phản ánh đúng với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Trường nói. Chị Nguyễn Ngọc Huyền, chủ một quán cà phê (Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết rất nhiều hộ kinh doanh ủng hộ việc điều chỉnh này, nhằm đảm bảo việc nộp thuế khoán được công bằng hơn, doanh thu sụt giảm phải được giảm thuế và ngược lại.

Mức thuế khoán sẽ công bằng hơn? - Ảnh 2.

Hàng loạt sạp hàng cửa đóng then cài, khung cảnh vắng lặng do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 (ảnh chụp tháng 6-2020) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Giám sát mức khoán thuế thế nào?

Theo ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH tư vấn thuế Trọng Tín, quy định doanh thu biến động quá 50% mới điều chỉnh thuế khoán và không hồi tố cho thời gian trước đó đã quá lạc hậu, từng được kiến nghị sửa đổi nhiều lần nhưng chưa thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Được, vấn đề quan trọng là giám sát doanh thu khoán như thế nào để đảm bảo công bằng.

“Doanh thu khoán giảm, hộ kinh doanh có quyền yêu cầu cơ quan thuế khảo sát lại để điều chỉnh. Nhưng ngược lại, cơ quan thuế làm thế nào để giám sát và điều chỉnh kịp thời khi doanh thu của hộ khoán tăng? Có thực tế là từ trước đến nay mức khoán thuế chưa sát thực tế, cũng có nhiều xầm xì về việc “cưa đôi” thuế” – ông Được nói.

Cũng theo ông Được, cần có cơ chế công khai hơn với mức khoán thuế như dán ở địa chỉ kinh doanh thay vì chỉ niêm yết thông tin này tại chi cục thuế, hội đồng tư vấn thuế… như hiện nay. Đó cũng là cách để khách hàng, người kinh doanh giám sát lẫn nhau. Chẳng hạn, có thể dễ dàng đặt câu hỏi rằng vì sao quán này đông thế mà doanh thu khoán thấp thế, thuế đóng ít thế so với quy mô…

Bà H., tiểu thương bán vải tại một chợ lớn ở TP.HCM, cho rằng phải dựa vào doanh thu thực tế để tính toán mức thuế khoán nhưng thực tế theo hướng ngược lại, căn cứ vào mức thuế khoán để truy ngược ra doanh thu. Theo lời bà H., có năm kinh doanh không thuận lợi nhưng cơ quan thuế vẫn tăng mức thuế khoán thêm 50.000 hoặc 100.000 đồng/hộ kinh doanh.

Khi bà H. phản ứng, cán bộ thuế mới giải thích là do doanh thu kinh doanh của hộ bà H. bị áp mức 6 triệu đồng/ngày để tính thuế, dù thực tế thấp hơn. “Do tiểu thương phản ứng, phòng thuế cho người xuống ngồi tại sạp đếm, không đạt doanh thu như mức khoán mới hiệp thương rồi giảm thuế” – bà H. kể.

Theo quy định, chậm nhất vào ngày cuối cùng của quý phải nộp thuế khoán. Nhiều tiểu thương băn khoăn tiền thuế khoán được điều chỉnh cho quý bị giảm doanh thu hay tính cho quý tiếp theo? Theo các tiểu thương, để phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, cần tăng/giảm tiền thuế khoán cho thời gian doanh thu biến động. Hộ kinh doanh có thể nộp thuế khoán theo doanh thu thực tế hay không?

Mức thuế khoán sẽ có tăng, có giảm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tạ Thị Phương Lan – phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ, vừa và cá nhân (Tổng cục Thuế) – cho biết do hộ kinh doanh không có sổ sách kế toán nên cơ quan thuế không nắm được doanh thu chính xác. Do đó, để đơn giản nhất trong công tác hành thu, chỉ có cách là áp dụng thuế khoán một lần từ đầu năm và sẽ điều chỉnh khi doanh thu biến động (dự kiến là 20%).

Cả nước có khoảng 1,8 triệu hộ kinh doanh đang nộp thuế với tổng số thu khoảng 2% tổng số thu ngân sách (khoảng 27.000 tỉ đồng/năm – PV). Khi doanh thu giảm hoặc tăng 20%, những hộ/cá nhân kinh doanh có tờ khai bổ sung nộp lên cơ quan thuế quản lý. Trên cơ sở tờ khai của người nộp thuế và dữ liệu riêng của ngành thuế cùng ý kiến hội đồng tư vấn thuế xã phường, cơ quan thuế sẽ quyết định điều chỉnh mức thuế khoán cho thời gian còn lại của năm.

Chẳng hạn, nếu doanh thu bị giảm 40% trong tháng này, hộ kinh doanh phải nộp tờ khai bổ sung cho cơ quan thuế về doanh thu giảm và đề xuất áp dụng mức thuế khoán giảm từ tháng 3. Căn cứ vào tờ khai bổ sung của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ điều tra, xác minh và kết luận. Doanh thu giảm 20% sẽ điều chỉnh mức thuế khoán phù hợp để đảm bảo công bằng cho hộ kinh doanh.

Lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực Q.12 – Hóc Môn, địa bàn đang quản lý 20.000 hộ kinh doanh, cho hay với quy định mới, mức thuế khoán với các hộ kinh doanh sẽ có tăng có giảm. Nhưng trên thực tế thời gian qua, do ảnh hưởng bởi COVID-19 nên doanh thu nhiều hộ khoán giảm, nhất là những hộ kinh doanh cà phê, quán ăn…, chỉ số ít giữ được mức doanh thu cũ.

“Khi doanh thu biến động, chủ hộ kinh doanh có thể gửi đơn lên hội đồng tư vấn thuế phường, xã hoặc chi cục thuế để cơ quan thuế kết hợp với các bên đi khảo sát nhằm xem xét lại doanh thu khoán cho đúng với thực tế”, vị này cho biết.

Sẽ quản lý hộ kinh doanh bằng bản đồ số

Ông Lê Duy Minh – cục trưởng Cục Thuế TP.HCM – cho biết sẽ lập bản đồ số để quản lý hộ kinh doanh trên địa bàn, nhằm giúp cơ quan thuế nhanh chóng phát hiện và đưa vào diện quản lý thuế với những hộ còn sót lọt.

Trong năm 2020, cơ quan thuế đã triển khai thí điểm giải pháp quản lý hộ kinh doanh trên bản đồ số tại Chi cục Thuế khu vực Q.12 – huyện Hóc Môn và Chi cục Thuế Q.1 trên 2 tuyến đường.

Đến nay phương pháp này đã đạt được những kết quả nhất định, giúp cơ quan thuế quản lý hộ kinh doanh một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn, nhanh chóng phát hiện người nộp thuế có hoạt động kinh doanh nhưng chưa đăng ký với cơ quan thuế.

Trong năm 2021, cơ quan này cũng sẽ thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề kết hợp với kiểm tra sử dụng hóa đơn đối với các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển nhằm phát hiện các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

ÁNH HỒNG – LÊ THANH
TTO