23/01/2025

Thủ tướng nhất trí vay 2 tỉ USD phát triển ĐBSCL

Thủ tướng nhất trí vay 2 tỉ USD phát triển ĐBSCL

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt trong phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ vào chiều 31-3.

 

Thủ tướng nhất trí vay 2 tỉ USD phát triển ĐBSCL - Ảnh 1.

Dự án cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng nối liền với dự án cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi làm cho việc vận chuyển hàng hóa về vùng An Giang, Kiên Giang rất thuận lợi – Ảnh: CHÍ QUỐC

Phiên họp còn chốt một số nội dung khác, trong đó có việc sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế hộ chiếu vắcxin.

Tuổi Trẻ trích lược một số nội dung chính của phiên họp này và một số nội dung tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ sau đó.

1. Sản xuất vắcxin trong nước rất quan trọng

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc tiêm vắcxin cũng như nghiên cứu, sản xuất vắcxin trong nước. “Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiêm mũi thứ 2 thử nghiệm vắcxin trong nước, tôi có hỏi thăm thì biết sức khỏe của phó thủ tướng tốt. Chúng ta đẩy mạnh nhập khẩu vắcxin nhưng nhiệm vụ sản xuất vắcxin trong nước cũng rất quan trọng” – Thủ tướng chia sẻ.

2. Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long là cấp bách

Chính phủ đã nghe, thảo luận báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ: Nhiệm vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ cấp bách, rất khó khăn, cần có nguồn lực, nguồn vốn với các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài. Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỉ USD (của World Bank, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể, xác định dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương thì cấp phát 100%, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa nghị định 97 theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các giai đoạn bị tác động của COVID-19 còn kéo dài.

3. Sốt đất tiềm ẩn nhiều rủi ro

“Hiện tượng sốt đất ở nhiều địa phương và khu vực tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế nếu không quản lý tốt các hệ thống tín dụng” – Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi họp báo.

Thông tin về tình hình tín dụng vào bất động sản, ông Đào Minh Tú – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – cho rằng thời gian gần đây thị trường bất động sản khá nóng và giá cả có chiều hướng tăng lên ở một số địa phương. Nguyên nhân được chỉ ra, đó là tình trạng một số đối tượng cơ hội tung thông tin không chính xác dựa vào công tác điều hành giá cả, thuế đất, quy hoạch để kiếm chênh lệch, lợi nhuận đầu tư.

4. Xử lý xăng dầu giả, karaoke “tra tấn” đến đâu?

Tại buổi họp báo, báo Tuổi Trẻ đã đặt các câu hỏi liên quan đến vụ án xăng dầu giả tại Đồng Nai, quản lý tiếng ồn, đặc biệt là vấn nạn karaoke.

Ông Tô Ân Xô, chánh Văn phòng – người phát ngôn của Bộ Công an, khẳng định tại cuộc họp ngày 18-3, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã quyết định đưa vụ án xăng dầu tại Đồng Nai vào diện theo dõi và chỉ đạo. Theo đó, cơ quan công an đã khởi tố vụ án với các hành vi: sản xuất, buôn lậu hàng giả, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Điều tra ban đầu cho thấy có buông lỏng quản lý, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, nên đã khởi tố 52 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can về tội nhận hối lộ, thu giữ nhiều vật chứng, tang vật với tài sản lên tới trên 200 tỉ đồng. Ông Xô cũng cho hay hoạt động buôn lậu diễn ra lâu và quy mô rộng, thủ đoạn tinh vi, nên Bộ Công an đã đưa lực lượng đặc nhiệm vào đánh án.

Đối với việc quản lý ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là vấn nạn karaoke, ông Lê Công Thành, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay mặc dù đã có quy định về quản lý tiếng ồn nhưng rất khó để xử lý, do không có căn cứ đánh giá, xử phạt. Do đó, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, quản lý tiếng ồn là tiêu chí gia đình văn hóa, tới đây bộ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng quy định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường 2020, nghị định liên quan để kiểm soát đồng bộ hơn.

maitiendung

Bộ trưởng , Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo Chính phủ – Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ: “Đến nay, Chính phủ của Quốc hội khóa XIV đã thực hiện tốt, với tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại hay không có tư tưởng chợ chiều trong lúc chờ đợi, bàn giao kiện toàn bộ máy”. Ông Dũng nhấn mạnh tinh thần là bàn giao những gì tốt nhất để Chính phủ mới triển khai nhiệm vụ tốt nhất, đảm bảo tính kế thừa, liên tục.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình công tác của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và kiểm soát dịch bệnh nhằm duy trì đà tăng trưởng, nghiên cứu và ban hành cơ chế hộ chiếu vắcxin…

Đối thoại cởi mở, tạo thêm niềm tin

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm qua 31-3 thật đặc biệt khi dự kiến chiều nay 1-4, Quốc hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm người đứng đầu Chính phủ. Một nhiệm kỳ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng ví von “đầu nhiệm kỳ là Formosa và cuối nhiệm kỳ là Corona” thì những phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng do Thủ tướng chủ trì, họp báo Chính phủ vẫn đều đặn được tổ chức để người dân kịp thời được biết Chính phủ đang làm gì, với từng thách thức.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ rằng ông đã không “nghỉ” một buổi họp báo Chính phủ thường kỳ nào trong suốt 5 năm qua. Trong suốt cả nhiệm kỳ, những vấn đề nóng được xem là “nhạy cảm”, mà trước đây ít khi được nhắc đến liên quan đến công tác cán bộ, kỷ luật và xử lý cán bộ vi phạm cũng được nêu ra.

Không ít những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân, từ điều hành giá xăng dầu, điều chỉnh giá điện, tăng giá thịt heo, ùn tắc tại trạm BOT Cai Lậy, đến những bất cập trong nội dung sách giáo khoa, gian lận thi cử, trật tự vỉa hè tại TP.HCM… đều được đặt ra chất vấn để Chính phủ và các bộ ngành giải đáp.

Không vì thế, câu chuyện quản lý vĩ mô bị bỏ qua như tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh khoa học công nghệ… đều được đề cập trong các phiên họp báo của Chính phủ.

Tuy không tránh khỏi những nội dung trả lời chưa thể thỏa mãn được mong mỏi và sự quan tâm của người dân, có bộ ngành trả lời qua loa, hoặc thậm chí “xin trả lời sau” hay “trả lời riêng phóng viên có nhu cầu quan tâm” cũng còn xuất hiện, nhưng những buổi họp báo công khai của Chính phủ cũng tạo sức ép cho các bộ ngành tăng tính công khai, minh bạch.

Cũng vì thế, Chính phủ đã trở nên gần dân hơn, sát dân, lắng nghe hơi thở và những yêu cầu, bức xúc của người dân để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Nhiệm kỳ tới, Chính phủ sẽ đối mặt với những nút thắt lâu nay còn chưa được tháo gỡ như thể chế liên quan đến đất đai, tín dụng, hạ tầng, nhân lực chất lượng cao, nâng cao tính nghiêm minh trong thi hành pháp luật của cán bộ thì việc tăng cường đối thoại nhằm xây dựng một môi trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh, công khai và minh bạch thông tin với người dân chắc chắn cũng sẽ là đòi hỏi khách quan và cần thiết.

NGỌC AN

THANH HÀ – NGỌC AN
TTO