23/01/2025

Huyện Cần Giờ sẽ thành đô thị biển: TP.HCM sẽ trở thành ‘cửa ngõ’ của khu vực và thế giới

Huyện Cần Giờ sẽ thành đô thị biển:

TP.HCM sẽ trở thành ‘cửa ngõ’ của khu vực và thế giới

Theo các chuyên gia thì TP.HCM cũng cần vượt nhiều rào cản để trở thành vùng cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á…
Cần có sự liên kết giữa Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công để thành lập chuỗi đô thị kết nối /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cần có sự liên kết giữa Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công để thành lập chuỗi đô thị kết nối ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Vùng TP.HCM có tiềm năng và thực tế tiếp cận vào tuyến hàng hải quốc tế lớn nhất đi qua Biển Đông, nhưng theo các chuyên gia thì TP.HCM cũng cần vượt nhiều rào cản để trở thành vùng cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á có năng lực cạnh tranh cao thì mới thành công về kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế.

Kết nối Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công

PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững, phân tích, hệ thống hàng hải khu vực châu Á đang tập trung tại các đô thị giáp biển như Singapore, Thẩm Quyến, Hồng Kông, Thượng Hải, Macau, Busan và Tokyo.
Tôi ủng hộ chiến lược lấy biển Cần Giờ như là một điểm để khai thác hiệu quả kinh tế biển TP.HCM muốn tiến ra biển, phát triển kinh tế biển, phải qua Cần Giờ. Vấn đề chính là tạo được quan hệ cộng sinh giữa đô thị, du lịch và rừng ngập mặn
GS Đặng Hùng Võ
Trong đó, TP.HCM là một địa chỉ trung gian, là hub (trung tâm) hàng hóa của các vùng “cửa ngõ” này và kết nối trực tiếp với hệ thống cảng biển của Singapore. Vì Singapore có những giới hạn và sự tách biệt về không gian địa lý dẫn đến những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển như sức ép về nhà ở, khả năng hữu ích của vận tải đường sắt và đường bộ, về dịch vụ đô thị sau cảng và sự hạn hẹp đất đai. Đây chính là cơ hội cho các địa điểm trung gian như các cảng biển vùng TP.HCM cạnh tranh trong tương lai để chủ động tham gia vào chuỗi giá trị hàng hải quốc tế.
Đề xuất mô hình cluster (theo liên kết chuỗi và cụm) kinh tế biển cho vùng TP.HCM, theo ông Nguyễn Hồng Thục, TP.HCM có xu thế phát triển tiến ra biển với vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế, mang tiềm năng trở thành một vùng cửa ngõ của khu vực Nam bộ, Tây nguyên và nam Trung bộ.
Bên cạnh đó TP.HCM có lực lượng lao động dồi dào và vị trí chiến lược đang không ngừng tăng trưởng và là động lực phát triển vùng trong nhiều thập kỷ qua. Dựa trên phương pháp thiết lập bản đồ địa kinh tế – không gian, ông Thục khẳng định vùng TP.HCM rất tiện lợi để xây dựng hệ thống đô thị cửa ngõ vùng của 8 tỉnh, trong đó, TP.HCM là trung tâm kết nối – siêu đô thị cửa ngõ (các thành phố cửa ngõ bao gồm Biên Hòa; Bình Khánh – cụm cảng Hiệp Phước; Phú Mỹ – hệ thống cảng Cái Mép; chuỗi đô thị mặt tiền biển vịnh Cần Giờ: Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công Đông; Long Thành – Đồng Nai, Đông Cần Giuộc…). Hệ thống đô thị cửa ngõ này trở thành khu vực hoạt động kinh tế biển đầy tiềm năng để trở thành vùng kết nối đủ mạnh, để cạnh tranh trên khu vực và quốc tế. Trong đó, chuỗi đô thị biển Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công đóng vai trò quan trọng đối với khu vực phát triển kinh tế biển vùng TP.HCM.
Trong tham luận rất chi tiết, cụ thể, dẫn chứng nhiều mô hình đô thị biển thành công trên thế giới, PGS-TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, có ba vấn đề cần khai thông để TP.HCM tiến biển và có vị thế quốc tế mới trong khu vực.
Thứ nhất, mở rộng tiếp cận biển ở toàn bộ mặt tiền vịnh Cần Giờ và vịnh Gành Rái, thay vì phải thông qua cửa Soài Rạp như truyền thống. Thứ hai, vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong công tác quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển cho vùng TP.HCM để thoát ra khỏi tấm áo chật chội của ranh giới hành chính, tạo cơ chế cho sự tham gia của các bên liên quan trong liên kết vùng và chuyển sang liên kết bằng lợi ích vùng (City Cluster). Thứ ba, thay đổi bộ mặt xã hội theo hướng hội nhập quốc tế và văn minh sinh thái biển; phát triển kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội “cộng sinh” trong phát triển; từ đó dẫn đến những thay đổi về chất lượng nguồn lao động, tạo nền tảng thu hút lực lượng lao động chất lượng cao và phát triển các dịch vụ chất lượng.
Đó chính là sự thay đổi căn bản để tạo bộ mặt xã hội mới, văn minh, hiện đại và nhân bản cho TP.HCM. Cụ thể, phân công chức năng kinh tế cho chuỗi đô thị biển vịnh Cần Giờ: Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công với hai cánh tay đông và tây nối dài ra biển. Trong đó, cánh tay phía đông được hình thành với chức năng kinh tế công nghiệp – dịch vụ – cảng biển (sân bay Long Thành và Tân Cảng Cái Mép – Thị Vải đóng vai trò làm hạt nhân); cánh tay phía tây được xác định chức năng kinh tế nông nghiệp sinh thái/nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái (kết nối với Gò Công và đồng bằng sông Cửu Long).

Phát triển chuỗi đô thị biển

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, cũng cho rằng ngoài chức năng khu rừng ngập mặn, Cần Giờ còn là không gian có thể phát triển đô thị biển gắn liền với du lịch biển. Nếu nhìn TP.HCM với vai trò là thành phố biển hiện đại, thì H.Cần Giờ là vùng duy nhất tiếp giáp cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Đồng thời cũng chính là điểm giáp biển để phát triển các loại hình kinh tế biển.
“Không thể chỉ bảo đảm bền vững môi trường mà không phát triển, còn nếu phát triển mà không bảo đảm bền vững môi trường thì phải xem xét lại. Tôi ủng hộ chiến lược lấy biển Cần Giờ như là một điểm để khai thác hiệu quả kinh tế biển TP.HCM muốn tiến ra biển, phát triển kinh tế biển, phải qua Cần Giờ. Vấn đề chính là tạo được quan hệ cộng sinh giữa đô thị, du lịch và rừng ngập mặn”, GS Võ chia sẻ.
Trong khi đó, GS-TSKH Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, cũng cho biết Chính phủ và TP.HCM đã 20 năm nghiên cứu phát triển H.Cần Giờ. Nay gặp vận hội mới, cần đồng thuận việc Cần Giờ trở thành khu đô thị sinh thái cộng sinh với điều kiện tự nhiên để bảo tồn rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển. Để đô thị hóa H.Cần Giờ cần được chú trọng phát triển theo hình thức đô thị có hàm lượng carbon thấp để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển khỏi tác động xấu về môi trường. TP nên định hướng phát triển Cần Giờ theo chuỗi đô thị Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công. Đây sẽ là động lực tiến ra biển, làm kinh tế biển, cảng biển, logistics kết hợp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm tăng hiệu quả đầu tư và tạo bộ mặt mới cho TP và vùng lân cận.
TP.HCM với lợi thế tiếp cận trực tiếp với biển tại vịnh Cần Giờ có diện tích 42.000 km2 nên định hướng chiến lược để TP.HCM có kinh tế cảng biển và chuỗi đô thị biển kết nối quốc tế và khu vực đã trở thành nhu cầu tất yếu và cấp thiết. Chuỗi đô thị này có ý nghĩa tạo mặt tiền biển để TP.HCM chủ động đón nhận những cơ hội phát triển kinh tế biển với giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế. Nếu làm được điều này TP.HCM sẽ trở thành TP cửa ngõ kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế.
Ông Lưu Thế Anh
PGS-TS Lưu Thế Anh nhìn nhận Cần Giờ đang bị lãng quên, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của khu dự trữ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để chuyển hóa và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế của TP. Chính vì vậy TP nên chọn liên kết vùng để phát triển chuỗi đô thị biển mặt tiền tại vịnh Cần Giờ, đảm bảo được sinh thái do gắn kết với giá trị kinh tế sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới và là chuỗi đô thị quốc tế có mức độ quốc tế hóa, sức chống chịu cao.
Theo các chuyên gia, để tiến ra biển, một trong những điểm mấu chốt là TP cần tiếp cận gần hơn nữa với hành lang hàng hải quốc tế, thay vì chỉ là một TP lùi sâu phía sau H.Cần Giờ. Thông qua mô hình liên kết chùm đô thị biển sẽ tạo ra bước ngoặt lớn để hoàn thiện mô hình phát triển vùng đô thị của TP trong tương lai.
ĐÌNH SƠN
TNO