22/01/2025

‘Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chạy 160 – 200 km/giờ không hiệu quả’

‘Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chạy 160 – 200 km/giờ không hiệu quả’

Liên danh tư vấn đã nghiên cứu thêm phương án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vận tốc 160 – 200 km/giờ theo yêu cầu của Bộ KH-ĐT, song cho rằng, phương án này không hiệu quả.
Phương án tốc độ 200 km/giờ hay 350 km/giờ vẫn đang gây tranh cãi /// Ảnh T.N
Phương án tốc độ 200 km/giờ hay 350 km/giờ vẫn đang gây tranh cãi ẢNH T.N
Liên danh tư vấn đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu bổ sung phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vận tốc 160-200 km/giờ khai thác cả tàu khách, tàu hàng.
Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), phương án ban đầu 350 km/giờ (phương án được lựa chọn trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án) là phù hợp với chiến lược và quy hoạch đường sắt. Trong khi đó, phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ 160 – 200 km/giờ không phải là đường sắt tốc độ cao theo định nghĩa của Hiệp hội Đường sắt quốc tế.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu của TEDI, phương án xây dựng tuyến đường sắt mới tốc độ từ 160 km/giờ đến 200 km/giờ không đáp ứng nhu cầu vận tải và tính kinh tế. Với phương án này, nhu cầu vận tải ở cự ly trung bình của đường sắt hiện tại sẽ chuyển sang tuyến đường sắt mới, đồng thời nhu cầu vận tải hành khách đường dài sẽ chuyển sang hàng không. Điều này dẫn đến quá tải đối với tuyến đường sắt mới và hàng không, trong khi tuyến đường sắt hiện hữu dôi thừa nhiều năng lực.
Về chi phí đầu tư, khi nghiên cứu báo cáo tiền khả thi trước đó, tư vấn đã tính toán sơ bộ và so sánh phương án tốc độ cao tốc độ 200 km/giờ khai thác riêng tàu khách với phương án đường sắt tốc độ cao tốc độ 350 km/giờ. Theo đó, tổng mức đầu tư của phương án tốc độ 200 km/giờ chạy riêng tàu khách và tàu hàng vào khoảng 46 tỉ USD, thấp hơn khoảng 15 tỉ USD so với phương án chạy 350 km/giờ.
Song trong trường hợp khai thác chung với tàu hàng (dự kiến tốc độ khai thác tàu hàng là 120 km/giờ), ngoài các ga hành khách, tuyến đường sắt mới sẽ phải bổ sung 20 ga hàng hóa, 74 ga xép tránh tàu, 4 điểm depot tàu hàng… với chi phí rất lớn. Tổng mức đầu tư nếu khai thác chung tàu khách và tàu hàng trên đường sắt xây mới, tổng mức đầu tư dự án khoảng 56,7 tỉ USD.
“Phương án yêu cầu nghiên cứu với tốc độ từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ khai thác chung tàu khách và tàu hàng sẽ có chi phí đầu tư và khai thác lớn, nhu cầu vận tải thấp nên hiệu quả không cao, khai thác tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt khác, phương án này không phù hợp với Chiến lược và quy hoạch phát triển GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt”, tư vấn nêu.
Trước đó, cuối tháng 12.2020, Bộ KH-ĐT đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Theo Bộ KH-ĐT, báo cáo đã lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/giờ, cạnh tranh với hàng không, nhưng công nghệ đường sắt này chỉ khai thác tàu khách, chứ không khai thác cho tàu hàng.
Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án phân tích kịch bản 2 là “nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200 km/giờ” có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, tác động nhiều đến xã hội do tuyến đường sắt hiện hữu đi qua nhiều khu đô thị (chi phí đầu tư lên tới 40 tỉ USD), trong khi phương án đầu tư tuyến mới như kịch bản 3 – xây dựng thêm tuyến đường sắt mới để khai thác cả tàu khách và tàu hàng lại không được đem ra so sánh.
Vì vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT bổ sung thêm phương án vận tải hành khách và hàng hóa với dải tốc độ từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ  để có đầy đủ thông tin cho Hội đồng thẩm định nhà nước của dự án đánh giá, lựa chọn.
MAI HÀ
TNO