23/12/2024

Các đại gia công nghệ: Từ con cưng trở thành quái vật

Các đại gia công nghệ: Từ con cưng trở thành quái vật

Các đại gia công nghệ – Big Tech – từng là niềm tự hào của Mỹ bởi những đóng góp cho kinh tế. Nhưng các chính trị gia Mỹ không thể bỏ qua viễn cảnh những con “quái vật” này nuốt chửng họ khi chúng quá lớn mạnh.

 

Các đại gia công nghệ: Từ con cưng trở thành quái vật - Ảnh 1.

Giới chức Mỹ yêu cầu đánh giá tác động của kênh YouTube Kids lên trẻ em – Ảnh: AFP

Hôm 30-3, bốn nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở Mỹ đã yêu cầu Facebook, Twitter và Alphabet (công ty mẹ của Google) giao nộp nghiên cứu về tác động của các dịch vụ trực tuyến này lên sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Đây là một phần trong các nỗ lực của chính quyền Mỹ nhắm vào khâu quản lý nội dung của những công ty công nghệ lớn (Big Tech).

Nhiều vấn đề nan giải

Dân biểu Đảng Cộng hòa Cathy McMorris Rodgers đặt dấu hỏi cho giám đốc điều hành Facebook, Twitter và Google rằng liệu các công ty này có thực hiện nghiên cứu nội bộ nào liên quan tới sức khỏe tinh thần của trẻ em hay không.

Tác động của mạng xã hội cũng như dịch vụ trực tuyến nói chung lên trẻ vị thành niên là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn hiện nay, khi người lớn lo lắng về các nội dung không phù hợp mà con cái họ gặp phải khi tham gia các mạng xã hội như Google hay Facebook.

Cơ quan hữu trách Mỹ vừa qua cũng yêu cầu nghiên cứu đánh giá tương tự dành cho sản phẩm YouTube trẻ em (YouTube Kids) của Google và Instagram của Facebook – vốn đang phát triển phiên bản Instagram dành cho người dưới 13 tuổi.

Quyền lực của những đại gia công nghệ như Facebook, Twitter, Amazon hay Google không còn là chuyện xa lạ, khi các dịch vụ của họ đã trở thành nhu cầu gần như cơ bản và vì vậy tầm ảnh hưởng đã thấm rất sâu vào đời sống người dân.

Vấn đề là với từng ấy ảnh hưởng lên xã hội, các công ty công nghệ có trách nhiệm với xã hội bao nhiêu.

Điều này lý giải một thực tế rằng hiện nay các nhà làm luật ở Mỹ đang đau đầu với rất nhiều vấn đề liên quan tới Big Tech chứ không chỉ chuyện quản lý nội dung.

Trong một phiên điều trần ở Nevada hồi đầu tuần này, cuộc tranh luận về “quyền được sửa chữa” cũng nổ ra giữa các đại gia công nghệ với chủ những cửa hàng sửa chữa độc lập xung quanh một dự luật mới. Dự luật này yêu cầu các nhà sản xuất phải hỗ trợ những cửa hàng sửa chữa độc lập để sửa những thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng hoặc máy in.

Khúc mắc nằm ở chỗ liệu chính phủ có nên yêu cầu các công ty sản xuất thiết bị này cung cấp quyền truy cập vào các cấu phần hay sơ đồ mạch điện để sửa thiết bị ấy hay không.

Từ góc nhìn của bên ủng hộ, đây là việc làm rất cần thiết khi thiết bị công nghệ giờ đây là nhu cầu thiết yếu và công ty công nghệ phải có trách nhiệm hỗ trợ sửa chữa như đã nêu.

Nhưng từ góc nhìn của các đại gia công nghệ, điều này sẽ ảnh hưởng tới yêu cầu bảo mật. Ví dụ Hãng Apple sẽ không thể hỗ trợ các cửa hàng độc lập quá sâu khi hãng này cần đảm bảo uy tín của sản phẩm về độ bảo mật.

Luật chống độc quyền của chúng ta đã suy yếu và chúng không phù hợp để xử lý hành vi chống độc quyền của thế kỷ 21. Thực thi chống độc quyền truyền thống không hiệu quả, vì Big Tech đã trở nên quá lớn và quá quyền lực.

Thượng nghị sĩ New York Michael Gianaris

Cuộc chiến đang “nóng”

Câu chuyện Big Tech không chỉ dừng lại ở các vấn đề xã hội. Giới chính trị gia ở Mỹ đang rơi vào thế lưỡng nan khi xử lý các quy định liên quan tới Big Tech, bất chấp các nhà hoạt động vì người tiêu dùng và các chủ doanh nghiệp nhỏ hay nghị sĩ bang khắp nước Mỹ đang kêu gọi biện pháp kiềm chế sức ảnh hưởng quá lớn của Amazon, Apple, Facebook và Google.

Vấn đề nằm chính ở chỗ các công ty này đang… quá lớn.

Hãng tin AP ngày 27-3 dẫn lại ví dụ về một vụ đầu tư của Amazon để minh họa cho mối quan hệ khó nói giữa Big Tech và chính trị.

Năm 2018, thượng nghị sĩ Michael Gianaris được cho đã rất vui mừng khi thấy Amazon chọn Long Island City (New York) làm trụ sở mới vì dự án này có thể mang lại 25.000 việc làm và 2,5 tỉ USD giá trị công trình cho quận Queens của ông.

Tuy nhiên, thái độ của Gianaris đã thay đổi sau khi ông biết rằng các lãnh đạo thành phố và bang này đã bí mật đàm phán và hứa cho Amazon giảm trừ thuế 3 tỉ USD.

Dù các phản ứng sau đó khiến kế hoạch đầu tư sụp đổ, vụ việc cũng khiến ông Gianaris khẳng định quyền lực quá lớn của các công ty công nghệ đang thống trị ngành công nghiệp của họ, áp đảo các doanh nghiệp truyền thống và dùng điều đó để mở rộng ảnh hưởng của mình rộng hơn.

Hiện nay Gianaris đang thúc đẩy một dự luật được xem mang tính bước ngoặt về việc nâng cao tiêu chuẩn chống độc quyền với Big Tech.

Dù vậy, theo AP, các công ty công nghệ cũng không khoanh tay đứng nhìn, khi tích cực vận động hành lang với các nghị sĩ bang để chống lại những quy định hạn chế nhắm vào họ.

Theo một báo cáo của Public Citizen, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Texas (Mỹ), các công ty công nghệ đã thay thế những đại gia dầu mỏ hay thuốc lá để trở thành nguồn chi tiêu vận động hành lang số một tại Mỹ. Trong năm 2020, Amazon và Facebook đã chi tiền vận động hành lang nhiều gần gấp đôi so với Exxon và Philip Morris.

Mỹ nên học kinh nghiệm của châu Âu?

Giới làm chính sách Mỹ đang nhìn sang châu Âu như một bài học về ứng xử với Big Tech. Trong một bài viết về cách Liên minh châu Âu trở thành “nhà quản lý công nghệ hàng đầu thế giới”, đài CNBC đã nêu bật ý kiến của bà Dessislava Savova, đối tác tại Công ty luật Clifford Chance: “Trong EU có một ý chí thực sự và sự ủng hộ rộng rãi vào việc đặt ra tiêu chuẩn cao nhất toàn cầu đối với các quy định nhằm vào công nghệ”.

Những người Mỹ không thích cựu tổng thống Donald Trump có thể cho rằng Twitter đã hành động đúng khi khóa tài khoản của ông Trump, nhưng với những cái đầu lạnh như châu Âu thì đó là biểu hiện nguy hiểm của thứ quyền lực Big Tech.

NHẬT ĐĂNG
TTO