23/01/2025

Vì sao trường nghề kiến nghị được dạy văn hóa?

Vì sao trường nghề kiến nghị được dạy văn hoá?

Mỗi lần tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS, đại diện các trường cao đẳng, trung cấp lại nhận được câu hỏi của phụ huynh: ‘Nếu đi học nghề, con tôi có được thi tốt nghiệp THPT?’.
Học sinh Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM học các môn văn hóa do Trung tâm GDTX Q.Tân Phú (TP.HCM) dạy /// ẢNH: V.Đ
Học sinh Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM học các môn văn hóa do Trung tâm GDTX Q.Tân Phú (TP.HCM) dạy ẢNH: V.Đ
Đây là tâm lý có thực, trở thành rào cản rất lớn đối với trường nghề trong việc tuyển sinh, vì lâu nay các trường chỉ được dạy 4 môn văn hóa theo quy định trong khi để thi tốt nghiệp THPT thì phải học chương trình văn hóa gồm 7 môn.

Thiếu cơ sở pháp lý để thuyết phục phụ huynh

Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex, cho biết khi Bộ GD-ĐT còn quản lý các trường CĐ và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), việc đào tạo văn hóa cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS học nghề (bao gồm CĐ, TC nghề và CĐ, TCCN) được thực hiện theo Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2010. Theo đó, HS được học nghề và học 4 môn toán, văn, lý, hóa. Sau khi hoàn thành chương trình, HS được cấp bằng TC và bằng này có giá trị tương đương với bằng THPT, có thể liên thông lên CĐ.

Các hiệp hội gửi công văn kiến nghị lên Thủ tướng

Mới đây, ngày 26.3, Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội VN, Hiệp hội Các trường CĐ, TC kinh tế – kỹ thuật đã gửi công văn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phản ánh về việc giảng dạy văn hóa THPT cho HS tốt nghiệp THCS học trong các cơ sở GDNN đang bị ách tắc do Bộ GD-ĐT chậm ban hành thông tư quy định liên quan.
Theo các hiệp hội trên, năm 2019, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của luật Giáo dục 2019 (gồm 4 môn) để chỉ liên thông từ TC lên CĐ, chứ không liên thông được ĐH.
“Quan điểm này chưa đúng với quy định của luật Giáo dục năm 2019 và chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 vào ngày 31.10.2020, gây khó khăn cho các cơ sở GDNN và nhất là cho người học”, công văn này viết.
Từ đó, các hiệp hội trên đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT cho phép các trường TC, CĐ đã được sở GD-ĐT địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT thì tiếp tục giảng dạy chương trình này cho đến khi có quy định mới. Đồng thời sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN, trong đó cần quy định rõ các điều kiện để cơ sở GDNN được dạy kiến thức văn hóa THPT và chương trình GDTX cấp THPT, người học đáp ứng đủ các điều kiện về học nghề và văn hóa tại các cơ sở GDNN sẽ được liên thông lên trình độ ĐH và được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm.

“Mấy năm gần đây, khi Bộ LĐ-TB-XH tiếp quản hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), các trường nghề muốn dạy văn hóa cho HS THCS tại trường mình phải xin phép sở GD-ĐT và cũng chỉ được dạy 4 môn. Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh muốn con em mình học nghề nhưng vẫn phải có bằng tốt nghiệp THPT. Trước tình hình tuyển HS THPT ngày càng khó, các trường chỉ còn cách nhắm tới HS tốt nghiệp THCS, và nhu cầu của các em sau lớp 9 đi học nghề ngày càng tăng, thì việc được dạy văn hóa ngay tại trường càng trở nên cần thiết”, tiến sĩ Hải Vân nhìn nhận.

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường TC Nghề Việt Giao, cũng chia sẻ hiện nay phụ huynh vẫn rất nặng nề bởi tâm lý con em mình phải có bằng THPT. “Lẽ ra, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã phải ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo quy định của luật Giáo dục 2019, các trường mới có cơ sở pháp lý để thuyết phục phụ huynh”, thạc sĩ Phương chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nova (CĐ Bách Việt trước đây) cũng cho biết trường rất muốn tuyển HS tốt nghiệp THCS nhưng do có quá nhiều các quy định trái chiều, chưa có thông tư rõ ràng nên trường cũng chưa dám tuyển sinh.
Mối lo ngại này có cơ sở khi nhìn vào diễn tiến của sự việc. Năm 2019, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của luật Giáo dục 2019 (gồm 4 môn) để chỉ liên thông từ TC lên CĐ, chứ không liên thông được ĐH.
Chính vì thế vào tháng 10.2020, Bộ LĐ-TB-XH gửi công văn đề nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện thuận lợi cho HS tốt nghiệp THCS có thể vừa học nghề vừa học văn hóa THPT ngay tại trường và sau 3 năm là có cả bằng TC lẫn bằng tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng.
Bộ GD-ĐT cũng có công văn trả lời thống nhất để các cơ sở GDNN đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng theo quy định của luật Giáo dục 2019 thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho HS có bằng tốt nghiệp THCS theo học TC nghề và sớm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo quy định của luật Giáo dục 2019.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với các trung tâm GDTX để thực hiện giảng dạy văn hóa THPT.

Trung tâm giáo dục thường xuyên có “kham” nổi ?

Tại Trường CĐ Lý Tự Trọng, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin hiện trường có 6.000 HS tốt nghiệp THCS theo học TC nghề. Sở GD-ĐT TP.HCM cho phép trường dạy 4 môn văn hóa theo quy định dành cho đối tượng này.
“Trong số đó, rất nhiều em có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT. Nếu phối hợp với một trung tâm GDTX để dạy thì liệu trung tâm đó có đủ năng lực để đáp ứng một số lượng lớn như vậy hay không? Đó là chưa kể việc liên kết sẽ gặp rất nhiều nhiêu khê, trường sẽ bị động về thời gian, cùng nhiều vấn đề khác nữa. Vì thế, nên để các trường được chủ động trong chuyện này”, tiến sĩ Lộc nhận định.
Theo tiến sĩ Lộc, nếu được cho phép giảng dạy chương trình GDTX bậc THPT, trường sẽ tuyển thêm đội ngũ giáo viên cơ hữu, mời giáo viên thỉnh giảng đảm bảo đáp ứng các điều kiện mà Bộ GD-ĐT đưa ra.
Thạc sĩ Trần Phương cũng cho rằng việc phối hợp với trung tâm GDTX sẽ có nhiều bất tiện, thậm chí có thể sẽ có những khó dễ cho trường về thời gian, học phí… “Chưa kể có trung tâm chỉ đủ giáo viên để dạy cho 5 – 10 lớp của họ, thì làm sao họ đủ điều kiện để dạy cho HS trường nghề”, thạc sĩ Phương cho hay.
Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM hiện cũng đang phối hợp với Trung tâm GDTX Q.Tân Phú để giảng dạy các môn văn hóa gồm 4 môn cho HS học TC theo quy định. “Trường cũng rất muốn tự đào tạo để chủ động hơn. Các trường khác cũng lo ngại các trung tâm khó bố trí giáo viên nếu như số lượng người học quá đông”, thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo, nhìn nhận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phạm Đại, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Bình Thạnh, TP.HCM, bày tỏ: “Đúng là các trường nghề đề xuất vậy để được chủ động hơn trong nguồn tuyển sinh cũng như đào tạo. Việc này cũng là phù hợp theo các quy định mới đây trong luật Giáo dục, luật Giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng… Trên thực tế, trung tâm chúng tôi hiện chỉ đang phối hợp với Trường TC Nghề Tôn Đức Thắng để dạy văn hóa nhưng số lượng rất ít. Nếu dạy cho số lượng đông thì trung tâm cũng khó đáp ứng do không đủ giáo viên”.
Ông Đại cho biết thêm việc tuyển giáo viên các môn văn, ngoại ngữ, sử, địa, tin học… rất khó, năm nào cũng thiếu do người tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm ra vẫn muốn dạy ở các trường THPT hơn. Hiện trung tâm chỉ có khoảng hơn 30 giáo viên, vì vậy chỉ đủ đáp ứng cho khoảng 500 HS.
MỸ QUYÊN
TNO