TPHCM phải tiến ra biển
TPHCM phải tiến ra biển
Trở thành TP cảng cửa ngõ lớn nhất thế giới
Chuyên gia quy hoạch, KTS Nguyễn Xuân Anh nhắc lại ngày 30.5.2020, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã họp tại Bà Rịa-Vũng Tàu và nhận định TP.HCM cùng 7 tỉnh còn lại sẽ là “bát giác kim cương”, về đích sớm hơn ít nhất 10 năm so với cả nước trong mục tiêu VN hùng cường, thịnh vượng, tức là trở thành một vùng hùng cường vào năm 2035. Tiên liệu đó không đơn thuần chỉ là khẩu hiệu, mà dựa trên những tiềm năng có thật và còn là khát vọng phát triển của quốc gia, đặt trách nhiệm lên vai của vùng. Nếu suy luận trên bản đồ, có thể thấy “bát giác kim cương” nói trên đang khuyết một cạnh, ở chính nơi quan yếu nhất của nó là mặt tiền biển xác định bởi 3 điểm thuộc 3 tỉnh là Gò Công Đông (Tiền Giang) – Cần Giờ (TP.HCM) – Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Để tiến ra biển, một trong những nét chính là cần tiếp cận gần hơn nữa với hành lang hàng hải quốc tế, thay vì chỉ là một TP lùi sâu phía sau H.Cần Giờ. Việc tạo dựng mối liên kết này không phải bằng đường bộ mà thông qua mô hình liên kết chùm đô thị biển sẽ tạo ra bước ngoặt lớn để hoàn thiện mô hình phát triển vùng đô thị. Điều này không chỉ vì lợi ích cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam mà còn mở ra cơ hội thông thương đường thủy mới cho vùng ĐBSCL. Ý tưởng này không phải gần đây mới được đề cập, mà đã được theo đuổi từ cách đây 2 thập kỷ khi năm 2002, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, người đã dành tâm huyết nhiều năm cho bảo vệ và phục hồi rừng Cần Giờ, đã có phân tích về lợi ích của việc phát triển ở Cần Giờ “một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch”. Ông nhấn mạnh rằng: “Khu đô thị này tầm cỡ không chỉ đối với nước ta mà ít ra cũng mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Có thể so sánh Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia với một dạng khác của Nam bộ”. Ông cho rằng bảo tồn khu dự trữ sinh quyển không có nghĩa là “để ngủ quên các tiềm lực khác của Cần Giờ”. Điều đặc biệt là, toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía nam rộng lớn chỉ có một cửa biển ra với quốc tế, đó là vịnh Cần Giờ – Gành Rái. Vùng mặt nước bao quanh quần đảo Cần Giờ, tiến sâu vào đất liền theo mạng lưới sông Sài Gòn – Đồng Nai, tạo nên một vòng cung nước hình chữ U với mặt tiền sông dài tới 160 km, tiện lợi cho tàu biển tiến sâu và cập bến trong đất liền.
Phát triển ra hướng biển là mong muốn của TP.HCM
Chương trình nông thôn mới là nỗ lực phát triển nông thôn bền bỉ và toàn diện, nhưng vẫn chưa xuất hiện những cú hích mạnh mẽ, để khơi thông nguồn lực tiềm ẩn của vùng đất giàu tài nguyên sinh thái và nhân văn này. Năm 2017, dự án phát triển khu đô thị 2.870 ha ra hướng biển được đề xuất, với sự phát triển đồng bộ và toàn diện của vùng Cần Giờ, bao gồm yêu cầu bảo tồn sinh thái, chuyển đổi cơ cấu kinh tế toàn diện và xây dựng đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng. Năm 2018, cuộc thi quốc tế về quy hoạch phát triển Cần Giờ được diễn ra. Ý tưởng quy hoạch của đơn vị tư vấn Nikken Sekkei đoạt giải đề xuất 3 chiến lược phát triển Cần Giờ được cụ thể hóa bằng 3 chiến lược chính: Mô hình quản lý phát triển vùng không chỉ dừng lại ở chức năng quản lý hành chính mà còn thể hiện vai trò quản lý phát triển. Trong đó nhà nước nắm giữ và điều phối nguồn lực công, tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực khác phát huy, cùng chủ động kiến tạo sự phát triển. Khối tư nhân, với kỹ năng phát triển dự án chuyên sâu, cùng sự năng động trong nắm bắt xu thế, marketing và nhạy bén trước những yếu tố thị trường, sẽ phát huy thế mạnh trong quản lý. Những bài học thành công và thất bại từ các trường hợp của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Tây Bắc và khu đô thị Thủ Thiêm cho thấy cần có đổi mới, đột phá trong áp dụng mô hình quản lý phát triển đô thị cho vùng Cần Giờ.