Báo cáo nguồn gốc virus corona: Báo Trung Quốc nói Mỹ không biết gì về khoa học
Báo cáo nguồn gốc virus corona: Báo Trung Quốc nói Mỹ không biết gì về khoa học
Đáp trả các quan ngại và chỉ trích từ phương Tây, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng nhiều người đang đọc báo cáo WHO về nguồn gốc COVID-19 bằng con mắt chính trị và chẳng hiểu biết gì về khoa học. “Truyền thông Mỹ cũng chẳng kém chính trị gia”.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nguồn gốc dịch COVID-19 đang tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây. Ít nhất 14 nước, trong đó có Mỹ, đã kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra mới, cáo buộc Bắc Kinh không cung cấp dữ liệu thô đầy đủ cho nhóm chuyên gia WHO.
Trong phần nhận xét được xem như tạm kết, WHO cho rằng không có khả năng virus corona gây COVID-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Cũng theo báo cáo này, virus SARS-CoV-2 (virus corona gây dịch COVID-19) có thể đã nhảy sang người từ một loài động vật trung gian và kêu gọi tiếp tục điều tra, làm rõ có hay không các vụ lây nhiễm xảy ra trước và bên ngoài Trung Quốc nhưng không được ghi nhận.
“Đây là kết luận mang tính khoa học của nghiên cứu về nguồn gốc virus. Tuy nhiên, vì kết luận này không cổ vũ các cáo buộc của Mỹ đối với Trung Quốc nên các lực lượng cực đoan ở Mỹ rất thất vọng”, Thời báo Hoàn Cầu đặt vấn đề trong bài xã luận ngày 30-3.
Tờ báo của chính quyền Bắc Kinh kế đó lý giải sự thất vọng này bắt đầu từ thời tổng thống Donald Trump và ngày càng trở nên thịnh hành trong chính trường, dư luận Mỹ.
“Ngay cả khi họ đọc báo cáo của WHO, họ chỉ muốn tung ra các nhận định chẳng thèm đoái hoài gì tới mặt khoa học của báo cáo”, Thời báo Hoàn Cầu nêu quan điểm.
Tuy nhiên, phản ứng trước việc Chính phủ Mỹ sẽ tổ chức nhóm chuyên gia xem xét báo cáo của WHO, tờ báo thuộc Nhân Dân Nhật Báo cho rằng Washington “có động cơ chính trị rõ ràng”.
Thời báo Hoàn Cầu cũng nhắm vào các tên tuổi của truyền thông Mỹ như New York Times, Wall Street Journal vì bày tỏ nghi ngờ Trung Quốc.
“Tất cả những gì họ muốn là một tuyên bố của WHO, rằng Vũ Hán là nơi COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới. Thậm chí, tốt hơn nữa là WHO thông báo Viện Virus học Vũ Hán đã làm rò rỉ mầm bệnh.
Với một kết luận như vậy – thậm chí có phi khoa học đi chăng nữa – những phương tiện truyền thông này sẽ biến nó trở thành khoa học”, tờ báo có quan điểm cứng rắn của Trung Quốc chỉ trích.
Lo ngại về tính khách quan của báo cáo WHO chủ yếu xuất phát từ việc nhóm chuyên gia của tổ chức này đến Vũ Hán quá trễ nên những dữ liệu quan trọng có thể đã biến mất. Nhóm này đến Trung Quốc cuối tháng 1-2021, tức hơn 1 năm sau khi các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận.
“Nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2 đã bị trì hoãn đáng kể và thiếu sự tiếp cận toàn diện với các dữ liệu thô ban đầu”, Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước phương Tây khác nhấn mạnh trong tuyên bố chung ngày 30-3.
Trưởng nhóm chuyên gia WHO, ông Peter Ben Embarek, xác nhận có vài khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu của Trung Quốc nhưng nhìn chung nhóm đã được truy cập “khá nhiều dữ liệu, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau”, theo Hãng tin Reuters.
Ông Ben Embarek cũng thừa nhận nhóm nghiên cứu đã cảm thấy áp lực chính trị đè nặng, bao gồm cả từ bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhóm WHO chưa bao giờ bị ép buộc phải xóa bất kỳ điều gì khỏi báo cáo cuối cùng.
Trong một tuyên bố ngày 30-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này đã 2 lần mời các chuyên gia WHO sang Trung Quốc và đã hỗ trợ, cung cấp mọi thứ cần thiết.
Chuyến đi thực địa dài 28 ngày của nhóm chuyên gia WHO nhận nhiều ý kiến trái chiều khi họ bị chính quyền giám sát nhất cử nhất động, hạn chế tiếp xúc với báo chí và chỉ được đi những nơi Bắc Kinh cho phép.