23/12/2024

Hãy lắng nghe bản thân khi lựa chọn ngành nghề

Hãy lắng nghe bản thân khi lựa chọn ngành nghề

Lựa chọn ngành học là điều quan trọng nhất đối với học sinh lớp 12 trong thời điểm này khi chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển các trường ĐH, CĐ.
Học sinh đặt câu hỏi tại chương trình tư vấn ở Bình Thuận /// ẢNH: QUẾ HÀ
Học sinh đặt câu hỏi tại chương trình tư vấn ở Bình Thuận ẢNH: QUẾ HÀ
Trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2021 của Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại Trường tiểu học – THCS – THPT Lê Quý Đôn ngày 28.3, những thắc mắc về việc lựa chọn ngành nghề đã được học sinh nêu lên và các chuyên gia giải đáp hết sức cặn kẽ.

Không có lựa chọn nào sai lầm

Trả lời câu hỏi của học sinh: “Làm sao để lựa chọn ngành học phù hợp nhất?”, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, bắt đầu câu chuyện của mình rằng ông đã đi qua rất nhiều trường lớp trong cuộc đời và nhận ra không có chọn lựa nào sai lầm – chỉ có không chọn lựa mới là sai lầm. Hãy quyết đoán chọn lựa một điều gì đó, chọn lựa ngành học nào đó.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị đã phối hợp thực hiện chương trình: Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, Trường tiểu học – THCS – THPT Lê Quý Đôn (Bình Thuận), Mobifone Bình Thuận.
Cảm ơn Công ty du lịch Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn. Cảm ơn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho học sinh tham dự chương trình.
“Chọn lựa ngành học, trường học là một quá trình nhận thức để xác nhận tiếng nói bên trong mình và yếu tố bên ngoài tác động rồi quyết định. Hãy ngồi trong một không gian yên tĩnh, lắng nghe nội tại bảo mình rằng “tôi muốn học gì, muốn làm gì, tìm đến đâu, đầu tư thế nào” để đạt được điều đó. Khi đã lắng nghe được bản thân cũng có nghĩa mình đã có lựa chọn mình thấy hài lòng nhất. Nhưng hãy nhớ, không phải học xong là hết. Học xong, rồi ra trường và đi làm là một cuộc trưởng thành, là hành trình luôn cần tiếp tục đầu tư và nuôi dưỡng”, tiến sĩ Viên chia sẻ.
Tiến sĩ Phạm Trần Bích Thuận, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết từng học về thiết kế vi mạch (chip). Chuyên ngành học cô học nghe qua tưởng là khô khan nhưng chỉ cần thích và đam mê là có thể theo đuổi và đạt được. “Thích thú, đam mê với ngành mình chọn là một yếu tố rất quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét mình có phù hợp với ngành học không, về khả năng học hành, tài chính, điều kiện gia đình… Sau đó cần hỏi kỹ thầy cô từng làm việc đó, hỏi người lớn tuổi để đưa ra lựa chọn cho mình”, cô Thuận khuyên.
Trong buổi tư vấn, sự tham gia và chia sẻ của Võ Lập Phúc, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mang đến nhiều thích thú. Câu chuyện lựa chọn ngành học của Phúc rất đặc biệt. Phúc chọn duy nhất một ngành học, một trường ĐH khi đăng ký xét tuyển ĐH, đó là ngành quốc tế học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Lý do quan trọng của sự lựa chọn này là Phúc nhận ra được mình thích gì, có thế mạnh gì và mong muốn làm gì.

Cơ hội từ những ngành học mới

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giải đáp câu hỏi của học sinh về một ngành học rất mới của trường trong năm nay là sư phạm (SP) khoa học tự nhiên. Theo thạc sĩ Quốc, rất nhiều người sẽ thấy lạ lẫm với tên ngành học này. Nhưng việc mở ngành này cũng xuất phát từ lý do thực tế. Đó là vào cuối năm 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trong đó, có xuất hiện môn học tích hợp, cụ thể là môn khoa học tự nhiên bắt đầu áp dụng từ lớp 6 năm nay và lần lượt áp dụng các khối lớp cao hơn những năm kế tiếp. Ngành đào tạo giáo viên giảng dạy môn học này tương ứng là ngành SP khoa học tự nhiên.
Theo thạc sĩ Quốc, ngoài ngành này, còn một ngành đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp khác là SP lịch sử – địa lý. Nếu như khi ra trường, sinh viên học ngành SP khoa học tự nhiên có thể dạy cấp THCS thì sinh viên học ngành SP lịch sử – địa lý còn có thể dạy cả học sinh cấp tiểu học. Từ thực tế của việc mở ngành học nên nhu cầu việc làm hiện nay rất lớn, những ngành này đang được học sinh và xã hội quan tâm.
Một thí sinh hỏi: “Ngành toán kinh tế là ngành gì và ra trường sẽ làm những việc gì?”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết đây là ngành mới trường mở năm nay bên cạnh một ngành khác là luật kinh tế. Ngành này tại trường đào tạo chuyên ngành tài chính định lượng, nhằm phát huy khả năng định lượng phân tích các vấn đề về kinh tế (con số, thống kê…). Học sinh học khá trở lên về môn toán để có thể tiếp cận ngành này để ra trường làm phân tích, thống kê tài chính, phân tích số liệu… giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Nguyễn Trung Hậu, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, đặt câu hỏi: “Gần đây ngành công nghệ thông tin rất “hot”, rất nhiều người đăng ký học. Nhưng vì sao nhiều người học như thế mà thông tin trên truyền thông cho biết ngành này còn cần rất nhiều nhân lực?”.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên nhận định xã hội đang chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội dựa trên nền tảng thông tin. Chẳng hạn, có thể thấy rõ qua thực tế gần đây, dịch Covid-19 dẫn đến nhiều hoạt động tương tác không thể trực tiếp mà phải hoàn toàn tương tác trên mạng. Tất cả mọi lĩnh vực của xã hội hiện nay gần như đều dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Vì vậy, mặc dù nhà nước có nhiều chính sách để thúc đẩy ngành này, có rất nhiều trường đào tạo sinh viên ngành này nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu hiện nay của xã hội.
ĐĂNG NGUYÊN
TNO