23/12/2024

Cơn sốt ảo lan đột biến: Giao dịch trăm tỉ, không thu được đồng thuế nào

Cơn sốt ảo lan đột biến: Giao dịch trăm tỉ, không thu được đồng thuế nào

Trong khi các giao dịch lan đột biến (VAR) với giá trị tiền tỉ được quảng bá tràn lan trên mạng xã hội thì cơ quan thuế hầu như vẫn đứng ngoài cuộc, không thu được đồng thuế nào.
Một cây lan nhỏ được rao bán trên Facebook với giá 500 triệu đồng /// ẢNH: T.X
Một cây lan nhỏ được rao bán trên Facebook với giá 500 triệu đồng ẢNH: T.X

Có dấu hiệu lừa đảo, ngụy tạo

Chuyên gia trong ngành thuế, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng tất cả giao dịch hoa lan đột biến được truyền thông trên mạng xã hội cho thấy đều thực hiện bằng tiền mặt.
Lượng tiền mặt rất lớn dễ tạo hiệu ứng tâm lý, tạo niềm tin cho người tiêu dùng nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy đây là những giao dịch giả tạo. Thứ nhất, nếu giao dịch bằng thanh toán qua ngân hàng thì sẽ để lại dấu vết. Các bên tham gia giao dịch phải có đủ số tiền, tức là lượng tiền phải có thực vài tỉ đến vài chục tỉ, thậm chí vài trăm tỉ đồng thì mới có thể giao dịch được. Thứ hai, nếu giao dịch bằng chuyển khoản thì rủi ro giữa các bên có thể xảy ra giữa người mua và người bán do giao dịch không có thực. Trong khi đó nếu giao dịch bằng tiền mặt thì các bên không phải chứng minh tiền đó là có thật hay không. Hay nói đúng hơn là có điều kiện để ngụy tạo giao dịch hơn.
Ông Được cho rằng các giao dịch tiền mặt không để lại dấu vết nên khi cơ quan chức năng như công an, thuế vào xác minh thì người giao dịch có nhiều chiêu trò và nhiều cơ hội để biến tướng thành hình thức khác nhau như: hủy giao dịch, trả lại hàng… tức là không có giao dịch để không phải kê khai nộp thuế hoặc để che đậy những hành vi, chiêu trò lừa đảo người tiêu dùng… “Đằng sau giao dịch lan VAR này có hay không giao dịch giả tạo nhằm che đậy giao dịch hoặc hành vi mờ ám bất hợp pháp? Có hay không hiện tượng bóp méo sự thật để tạo scandal cũng như hiệu ứng truyền thông hay marketing, hay chỉ là những giao dịch nhằm mục đích hợp thức hóa dòng tiền… Sự thật những giao dịch này ra sao thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét một cách cẩn trọng và đúng bản chất”, ông Được nói.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp (DN) tự trồng và bán lan không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong trường hợp DN đáp ứng điều kiện trồng trọt ở địa phương khó khăn theo quy định thì được miễn thuế thu nhập DN. Trường hợp lan đột biến do DN, hợp tác xã bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%. Trường hợp lan đột biến do DN, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu. Còn đối với giao dịch mua bán lan của hộ gia đình, cá nhân, đóng thuế GTGT 1% và thuế thu nhập cá nhân 0,5%. Trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu thuế GTGT.
Lấy biểu thuế suất này “ứng” sang vụ giao dịch của ông N.T.X (ở Bình Phước) mua 3 cây lan giá 32 tỉ đồng (lần lượt mỗi cây 12 tỉ, 10 tỉ và 9,9 tỉ đồng) quảng cáo trên mạng thì số tiền thuế lẽ ra phải nộp vào khoảng 320 triệu – 1,6 tỉ đồng. Trường hợp giao dịch lan VAR có trị giá 250 tỉ đồng ở Quảng Ninh, số thuế tính ra từ 2,5 – 12,5 tỉ đồng (thuế suất thuế GTGT từ 1- 5%); trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh mua bán lan thương mại đóng thuế 1,5%, tương ứng 3,75 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó chánh văn phòng Tổng cục Thuế, cho biết từ năm 2020, cơ quan thuế đã nắm được một số thông tin giao dịch lan VAR ở Bình Phước, Phú Thọ nhưng đến nay chưa thu thuế được trường hợp nào vì việc giao dịch lan hàng chục tỉ đồng không xác định được.

Giao dịch tiền mặt, khó thu thuế?

Theo ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, việc xác định giao dịch để thu thuế các thương vụ lan VAR không đơn giản bởi người mua và bán “rù rì” với nhau thì không ai biết được giá là bao nhiêu. Hơn nữa, lan là cây không đăng ký sở hữu tài sản như xe nên việc xác định chuyển nhượng rất khó. Ông Xoa cho hay: “Một cây hay hoa lan có tuổi đời rất ngắn mà giá lên đến hàng chục tỉ đồng thì chỉ có thể nói là ảo, bong bóng. Ở đây giao dịch bằng tiền mặt thì đừng nói đến việc thu thuế. Để chống thất thu thuế không chỉ trong lĩnh vực lan mà các thị trường khác cần có quy định hạn chế giao dịch tiền mặt trong xã hội”.
Sau khi đưa hình một cây lan nhỏ khoảng 10 cm được rao bán cách đây 1 tuần với giá 500 triệu đồng, ông Phan Dũng Khánh, thỉnh giảng tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét: Qua theo dõi thông tin tăng giá hoa lan VAR cho thấy giống hiện tượng bong bóng tài sản “Hoa tulip” thế kỷ 16. Thời điểm đó, giá một củ hoa tulip tăng đến chóng mặt, có thể đổi được hàng chục tấn lúa mạch, 5 ha đất… Đến khi thị trường bán tháo, giá hoa tulip sụt giảm mạnh còn 1% cũng chẳng ai giao dịch. Ở đây, hiện tượng FOMO (nỗi sợ hãi mình bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm – PV) lặp lại trên thị trường lan. Giá “nóng” quá dễ tạo ra bong bóng và người mua sau cùng lan đột biến sẽ gánh chịu thiệt hại lớn.
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện công tác quản lý thuế đối với giao dịch mua bán lan đột biến tại các tỉnh, thành. Trong quá trình thực hiện nếu có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan chức năng có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.
THANH XUÂN – PHAN HẬU
TNO