Thao túng bất thành, Trung Quốc giở trò ‘chiến lang’
Thao túng bất thành, Trung Quốc giở trò ‘chiến lang’
Vụ ồn ào mới đây, giữa Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp với các chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế và chính trị gia sở tại, có yếu tố liên quan mưu đồ thao túng thông tin do Bắc Kinh thực hiện.
Mới đây, giới nghiên cứu đã vạch trần việc Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng đến giới nghiên cứu và chính trị gia của Pháp.
Từ tìm cách “dắt mũi” thông tin
Theo thông tin được tiết lộ, vào tháng 7.2020 khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát, đơn vị China Today thuộc Tập đoàn xuất bản quốc tế Trung Quốc (CIPG) vốn được chính quyền nước này hậu thuẫn, đã phối hợp với Nhà xuất bản La Route de la Soie Editions (có trụ sở ở Paris, Pháp) để cho ra chuyên san Dialogue Chine – France (tạm dịch: Đối thoại Trung – Pháp) với số lượng phát hành khoảng 2.000 bản mỗi số.
Nhà xuất bản La Route de la Soie Editions được điều hành bởi bà Sonia Bressler thông qua Công ty Bressler Conseil. Là một cựu nhà báo, bà Bressler còn được biết đến với nhiều năm phụ trách trang blog tiếng Pháp của một tờ báo Trung Quốc. Cũng theo thông tin trên, hoạt động của các đơn vị vận hành chuyên san Đối thoại Trung – Pháp không chỉ được cung cấp tài chính bởi CIPG mà còn có liên hệ qua lại với cơ quan tình báo và Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp.
Theo một số nguồn tin, nhóm chuyên gia cố vấn thực hiện nội dung của ấn phẩm này còn có ông Wang Shuo, Phó giám đốc bộ phận châu Âu của Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR) – một tổ chức trực thuộc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc vốn được cho là có nhiều hoạt động tình báo.
Trong các ấn bản đã được phát hành, Đối thoại Trung – Pháp thường thể hiện một sự “thân thiện” và “phát triển” của Trung Quốc. Qua đó, ấn phẩm cũng nói rằng có một số nước châu Âu có cái nhìn không thiện cảm với Bắc Kinh do sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS), Viện Nghiên cứu chiến lược (IRSEM) thuộc Lực lượng vũ trang Pháp… cho biết dù không hề đăng ký hay đặt mua nhưng vẫn nhận được các chuyên san Đối thoại Trung – Pháp từ khi ấn phẩm này phát hành vào tháng 7.2020. Vì thế, Đối thoại Trung – Pháp được cho là đang nhằm gây ảnh hưởng lên giới nghiên cứu của Pháp.
Thực tế, nhóm cố vấn và đóng góp nội dung cho chuyên san này còn có ông Jean-Pierre Raffarin, cựu Thủ tướng Pháp và là người được cho là khá thân thiết với Bắc Kinh, nhà nghiên cứu Barthélémy Courmont thuộc Viện Chiến lược và quốc tế Pháp (IRIS) – đơn vị từ năm 2017 đã hợp tác cùng Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức hội nghị thường niên về sáng kiến “Một Vành đai – Một Con đường” (do Bắc Kinh khởi xướng)… Tất nhiên, cả bà Bressler cùng nhiều người tham gia thực hiện chuyên san Đối thoại Trung – Pháp đều chối bỏ việc nhận được lợi ích từ Bắc Kinh, nhưng vẫn không thể thuyết phục được phần lớn giới học giả Pháp về sự trung lập và khách quan của chuyên san này.
|
Đến lớn tiếng xúc phạm
Trả lời Thanh Niên, TS Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS), nhận xét: “Trung Quốc tiếp tục chiến lược tăng cường ảnh hưởng ở châu Âu, dẫn đến việc Bắc Kinh ồ ạt sử dụng nhiều nền tảng trực tuyến như YouTube hay Twitter, đồng thời phát hành một số ấn phẩm mang tính chuyên sâu như Đối thoại Trung – Pháp”.
“Chuyên san này chưa bao giờ giới thiệu về việc được Trung Quốc tài trợ, và kết hợp cùng một nhà xuất bản mới. Đây là nhà xuất bản đã đưa ra nhiều cuốn sách có nội dung sai lệch về vấn đề Tân Cương theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh. Dưới chiêu bài trung lập, Trung Quốc muốn thông qua chuyên san Đối thoại Trung – Pháp để tác động đến giới nghiên cứu chính trị và các chính trị gia Pháp”, TS Bondaz đánh giá và cho rằng: “Trước những chiêu trò làm sai lệch và thao túng thông tin như vậy, giới nghiên cứu phải nỗ lực phản biện. Bản thân tôi trong hơn 1 năm qua đã thực hiện nhiều phân tích về các chiêu trò tuyên truyền mà Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đang tiến hành. Từ đó, tôi đã vạch trần và phản bác lại các thông tin sai lệch liên quan Trung Quốc”.
Cũng vì vạch trần những điều đó, ông Lư Sa Dã, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, mới đây lên tiếng xúc phạm TS Bondaz trên mạng xã hội với những lời lẽ như “kẻ tiểu nhân”, “con linh cẩu điên cuồng với lập trường chống Trung Quốc”…
Những lời nhục mạ này đã khiến cho Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập Đại sứ Lư để phản đối và gây ra nhiều chú ý của truyền thông quốc tế trong tuần qua. Cách mà Đại sứ Lư nhục mạ TS Bondaz và một số chính trị gia Pháp được cho là lối hành xử “chiến lang” đặc trưng của chính sách ngoại giao mà Bắc Kinh tiến hành trong thời gian gần đây. Một chính sách thể hiện sự hung dữ, đầy đe dọa để gây sức ép với đối phương.
“Không riêng gì Pháp mà cả châu Âu cần phải cảnh giác. Kèm theo đó cũng cần đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái lẫn những chiêu trò tìm cách gây ảnh hưởng mà Trung Quốc thực hiện. Giới ngoại giao Trung Quốc không thể bịt miệng các học giả”, TS Bondaz chia sẻ khi trả lời Thanh Niên.
Trung Quốc cấm vận trả đũa Mỹ, Canada
Hãng AFP ngày 27.3 đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cấm vận các cá nhân, tổ chức của Mỹ và Canada, nhằm trả đũa các lệnh cấm vận mà 2 nước này trước đó đưa ra sau khi cáo buộc Bắc Kinh ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ.
Theo đó, Trung Quốc cấm vận 2 thành viên Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ là bà Gayle Manchin và ông Tony Perkin, nghị sĩ Canada Michael Chong và một tiểu ban thuộc quốc hội Canada. Những người này bị cấm đến Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau và bị cấm làm ăn với các công dân và tổ chức Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ và Canada áp dụng các lệnh cấm vận “dựa trên những lời đồn và thông tin sai lệch”, đồng thời đe dọa rằng các cá nhân bị Trung Quốc cấm vận “phải dừng thao túng chính trị về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, dừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào” nếu không muốn “bị bỏng tay”.
Khánh An
NGÔ MINH TRÍ
TNO