23/01/2025

Yêu cầu Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá bị bắt trong hải phận Việt Nam

Yêu cầu Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá bị bắt trong hải phận Việt Nam

Cơ quan chức năng xác định lúc bị tàu của Indonesia bắt giữ, hai tàu cá đang trong vùng biển hoàn toàn của Việt Nam và đã đề nghị phía Indonesia trao trả các ngư dân và tàu cá.

 

Yêu cầu Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá bị bắt trong hải phận Việt Nam - Ảnh 1.

Hai tàu cá của Việt Nam bị bắt đưa về Indonesia và neo tại nước này – Ảnh: Kompas

Trước vụ việc lần này, ngư dân cũng từng phản ảnh chuyện “ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt trên vùng biển của mình, sau đó kéo sang hải phận của họ để lập biên bản”.

Tàu Indonesia vào vùng biển Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Trần Thị Bích Liên (sinh 1978, ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết sau nhiều ngày mất liên lạc, hôm qua (26-3) chị mới liên lạc được với chồng mình là anh Trần Hùng Dũng, chủ kiêm thuyền trưởng tàu BV-4419TS, sau khi tàu này bị tàu Indonesia bắt đem về giam giữ.

Trước đó, sáng sớm 18-3, chị và chồng vẫn liên lạc với nhau, đến gần 8h cùng ngày chị nhận thông tin tàu của gia đình “đang bị tàu Indonesia cập”. Chị Liên kể người trên tàu cho hay khoảng 6h45 khi đang trong vùng biển Việt Nam, tàu của gia đình chị và tàu mua hải sản mang số hiệu BL-93333TS của tỉnh Bạc Liêu nhìn thấy tàu 8001 của Indonesia xuất hiện.

Hai tàu BV-4419TS và BL-93333TS nổ máy chạy sâu vào phía bờ. Tàu Indonesia thả hai canô xuống đuổi theo và chỉ sau 10 phút thì bắt kịp hai tàu Việt Nam. Hai canô khống chế tàu cá của Việt Nam đưa về tàu 8001.

Chị Liên cho biết lúc bị lực lượng Indonesia bắt, trên tàu có chồng và con trai chị cùng 30 ngư dân khác, còn tàu BL-93333TS có 12 ngư dân. Sau đó chị mất liên lạc với tàu BV-4419TS và định vị của tàu cũng bị tắt.

Theo chị Liên, lúc bị tàu Indonesia bắt, tàu của gia đình đang ở tọa độ 6o47’37″ vĩ độ Bắc – 109o33’41″ kinh độ Đông. Đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và được cơ quan chức năng cấp phép đánh bắt.

Cũng theo chị Liên, sau khi bắt tàu cá Việt Nam, phía Indonesia đã kéo hai tàu cá của Việt Nam sang hải phận của họ và rút hộp đen, định vị của tàu. Đến chiều cùng ngày, khi máy định vị được mở lại thì vị trí của hai tàu cá Việt Nam đã nằm trong lãnh hải Indonesia.

Ngày 19-3, chị Liên đã có đơn trình báo sự việc và xin bảo hộ công dân gửi các cơ quan chức năng.

Đánh bắt ở vị trí truyền thống

Ngày 26-3, ông Nguyễn Đức Hoàng, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xác nhận ngày 18-3 ngay sau khi hay tin tàu cá của mình bị Indonesia bắt giữ, phía chủ tàu đã cử người lên chi cục để xem định vị giám sát hành trình của tàu cá.

“Vị trí tàu cá BV-4419TS vào sáng 18-3 thuộc vùng biển Việt Nam hoàn toàn chứ không phải vùng chồng lấn, tranh chấp” – ông Hoàng nói.

Về khả năng trước khi bị bắt, tàu cá Việt Nam đã đánh cá ở vùng biển của Indonesia, ông Hoàng cho biết khả năng này là không có vì tàu BV-4419TS là tàu lưới vây, đánh bắt hải sản xung quanh “cội chà” (“cội chà” hình thành là do ngư dân thả xuống biển những cây tre bự, đá chẻ, cành cây để cá đến trú ở, ẩn nấp và ngư dân thả lưới xung quanh “cội chà” để đánh bắt cá – PV).

“Ngư dân chỉ đánh bắt quanh “cội chà” của họ” – ông Hoàng nói. Trong khi đó, chị Liên cũng khẳng định “cội chà” của gia đình mình ở vị trí trên đã có từ hơn 20 năm nay và gia đình chị thường xuyên đánh bắt cá ở đây.

Yêu cầu Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá bị bắt trong hải phận Việt Nam - Ảnh 2.

Hình ảnh vị trí của tàu BV-4419TS sáng 18-3 trên máy định vị, trước khi bị Indonesia bắt giữ

Bảo vệ những “cột mốc chủ quyền” trên biển

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết bằng chứng việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ khi đang ở vùng biển của nước mình là dữ liệu định vị, giám sát hành trình.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ ở vùng chồng lấn. Trong khi đó, phạm vi hoạt động của bộ đội biên phòng không ra đến các vùng biển ngoài xa nên không thể xác nhận được mà chỉ ghi nhận lại trình báo của ngư dân.

“Muốn biết chính xác vị trí ngư dân bị bắt phải làm việc được với ngư dân và làm việc được với cả cơ quan chức năng của nước ngoài” – vị này cho biết.

Năm 2017, tại hội thảo “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản”, một ngư dân Phước Tỉnh (H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã phản ảnh chuyện “ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt trên vùng biển của mình, sau đó kéo sang hải phận của họ để lập biên bản”.

Theo ngư dân này, do bất đồng ngôn ngữ, trình độ hiểu biết hạn chế nên ngư dân buộc phải ký vào biên bản vi phạm mà phía nước ngoài lập. Sau đó bị nước ngoài giam giữ và xét xử.

Luật sư Hà Hải – phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, người từng nhiều lần hỗ trợ pháp lý cho ngư dân Việt Nam tại các phiên tòa ở nước ngoài – cho biết ông và các cộng sự từng thắng kiện trong một vụ án Philippines xét xử ngư dân Việt Nam “xâm phạm chủ quyền” vào tháng 8-2011. Kết quả, phía bạn phải thả 122 ngư dân cùng tàu cá.

Từ kinh nghiệm của vụ thắng kiện này, luật sư Hà Hải cho biết: “Đây là vấn đề rất lớn và nhạy cảm. Rất cần sự vào cuộc chủ động, tích cực để bảo hộ công dân từ Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với ngư dân, luật sư tại các phiên tòa. Như vụ thắng kiện ở Philippines là nhờ có sự vào cuộc chủ động, tích cực của Đại sứ quán Việt Nam”.

Theo luật sư này, hiện có khoảng 300 ngư dân Việt Nam đang bị nước ngoài giam giữ.

Những năm gần đây, các lực lượng chức năng của Việt Nam liên tục có mặt ở vùng giáp ranh để ngăn chặn tàu cá Việt Nam sang vùng biển nước bạn đánh bắt và để bảo vệ ngư dân của mình. Một lãnh đạo cơ quan chức năng Việt Nam xác nhận trên thực tế có những vụ việc lực lượng Việt Nam có mặt tại hiện trường đã kịp thời can thiệp, làm việc với phía bạn để ngư dân không bị “bắt oan”.

“Bảo vệ ngư dân chính là bảo vệ những cột mốc chủ quyền trên biển. Do đó, lực lượng chức năng kiên quyết bảo vệ những ngư dân hành nghề đúng hải phận, đúng vị trí” – vị lãnh đạo này khẳng định.

* Luật sư Hà Hải (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Không cho phép bên nào tự ý áp đặt ranh giới

Đối với vùng nước ở phía trên thềm lục địa, Công ước quốc tế về Luật biển 1982, điều 78, khoản 1 quy định rõ: “Các quốc gia ven biển có thềm lục địa chỉ được thực hiện quyền đối với thềm lục địa quốc gia mình mà không đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước ở phía trên hay của vùng trời trên vùng nước của quốc gia khác”.

Trong trường hợp hai quốc gia sau khi phân định được ranh giới thềm lục địa chồng lấn mà chưa phân định được ranh giới vùng nước phía trên thì không cho phép bên nào được tự ý áp đặt ranh giới theo yêu sách của mình để có quyền đơn phương thực thi chủ quyền và quyền tài phán trong phạm vi vùng còn chồng lấn này.

Do đó, có những vụ cơ quan chấp pháp của nước bạn truy đuổi, bắt giữ ngư dân Việt Nam ở vùng nước chồng lấn, chưa phân định là sai với Công ước quốc tế về Luật biển 1982.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói gì?

Ngày 25-3, trả lời câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng về vụ việc tàu cá mang số hiệu BV-4419TS và

BL-93333TS của Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ trong khi đang đánh bắt tại khu vực đường phân định của Việt Nam và Indonesia. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã tuyên truyền, đề nghị với phía Indonesia trao trả các ngư dân và tàu cá.

ĐÔNG HÀ
TTO