24/12/2024

Trung Quốc ‘tây tiến’ tìm bạn

Trung Quốc ‘tây tiến’ tìm bạn

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc đang như con thoi, hôm nay nước này ngày mai nước kia để ‘tìm bạn’ trong lúc Mỹ đang tìm cách củng cố lại các liên minh ít nhiều bị tổn thương trong 4 năm qua.

 

 

 

Trung Quốc tây tiến tìm bạn - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc hội đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman ngày 24-3 tại Riyadh – Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trung Quốc có mục tiêu tổng thể để trở thành quốc gia hàng đầu thế giới, giàu có nhất và quyền lực nhất thế giới. Điều đó sẽ không xảy ra, theo quan điểm của tôi, bởi vì Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về đường hướng phát triển của Trung Quốc ngày 26-3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định trong cuộc họp báo đầu tiên ngày 26-3 rằng ông sẽ không để Trung Quốc vượt Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Tuyên bố được ví như tiếng pháo hiệu cho các động thái kiềm chế Bắc Kinh hơn nữa từ phương Tây, dưới sự thúc đẩy của Washington.

Trung Quốc đã không ngồi yên chờ bao vây, thậm chí có phần chủ động hơn từ sau cuộc gặp căng thẳng với Mỹ ở Alaska hôm 18-3.

Tìm bạn ở Trung Đông

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du 6 nước Trung Đông (phía tây Trung Quốc) với điểm dừng chân đầu tiên là Saudi Arabia, một đối tác của Mỹ và là nước có vai trò dẫn dắt khối Ả Rập. Trong lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đến 4 nước châu Âu để truyền tải thông điệp Bắc Kinh không phải là mối đe dọa, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Cả hai chuyến đi trên diễn ra cùng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm châu Âu để tái khẳng định các cam kết của Mỹ và thảo luận về cách “thúc đẩy dân chủ”.

Ngay tại điểm dừng chân đầu tiên, ông Vương Nghị đã nhận được một tín hiệu ủng hộ quý giá. Theo Tân Hoa xã, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman – người đang điều hành đất nước trên thực tế – đã “ủng hộ lập trường của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Tân Cương và Hong Kong, phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc dưới bất kỳ lý do nào và nỗ lực của một số bên nhằm gieo rắc bất đồng quan điểm giữa Trung Quốc và thế giới Hồi giáo”.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Saudi Arabia sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc đã ca ngợi lãnh đạo Saudi Arabia và các nước Ả Rập “có cái nhìn sắc bén” về vấn đề Tân Cương, nhắc lại việc 21 nước Ả Rập đã ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề này. Nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc kế đó nêu trên Đài Al Arabiya “sáng kiến 5 điểm để đạt được an ninh và ổn định tại Trung Đông”, trong đó nguyên tắc đầu tiên là “tôn trọng lẫn nhau”, loại bỏ áp lực và sự can thiệp từ bên ngoài.

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Zhu Weilie, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, lập luận chuyến công du Trung Đông của ông Vương Nghị nhằm tìm kiếm hợp tác phát triển hơn là chống lại liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng mô hình quyền lực truyền thống ở Trung Đông, với Mỹ giữ vai trò chi phối, đã thay đổi và nhiều nước đang ngày càng cởi mở với Trung Quốc.

Mỹ tập hợp lực lượng

Ngay trước khi ông Blinken đến châu Âu, Liên minh châu Âu cùng với Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt một số quan chức Trung Quốc với cáo buộc liên quan các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Hành động tập thể của các nước phương Tây, chính xác là 30 nước, đã làm thay đổi cách Bắc Kinh nhìn về châu Âu, theo báo Washington Post. Tờ báo của Mỹ bình luận việc Bắc Kinh đáp trả và tìm kiếm cơ hội bắt tay với các nước khác cũng là điều dễ hiểu: “Trung Quốc cũng muốn chứng tỏ họ có bạn bè”.

Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Nhưng các diễn biến hiện tại cho thấy chính quyền của ông có chiều hướng cứng rắn và cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken trước các nước NATO ngày 24-3 đã nhắc tới Trung Quốc 10 lần với tư cách là một trong những mối đe dọa quân sự và phi quân sự đối với châu Âu.

Trong cuộc họp báo ngày 26-3, Tổng thống Biden tiếp tục bắn tín hiệu sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc. Ông tuyên bố sẽ làm việc với các đồng minh của Mỹ để “buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ đối với Đài Loan, Hong Kong, Biển Đông”, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như thúc đẩy Bắc Kinh tuân thủ nguyên tắc thương mại quốc tế.

“Tôi đã nói rõ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng: Mỹ coi trọng khái niệm tự do, nhân quyền và được thành lập dựa trên nguyên tắc đó. Do đó, chừng nào ông và đất nước của ông tiếp tục vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn, chúng tôi sẽ tiếp tục không ngừng kêu gọi sự chú ý của thế giới, và phơi bày những gì đang xảy ra. Ông ấy hiểu những gì tôi nói” – Tổng thống Biden thuật lại cuộc nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc.

Ông Biden họp báo lần đầu

Hôm 25-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên của ông kể từ lúc nhậm chức tổng thống Mỹ, với việc đề cập tới một loạt chủ đề từ đại dịch COVID-19 tới vấn đề nhập cư.

Nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cuộc họp báo với việc hứa hẹn phân phối 200 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống tính tới cuối tháng 4, gấp đôi mục tiêu ban đầu của ông. Đặc biệt, ông Biden cho biết có kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024 và hi vọng Phó tổng thống Kamala Harris tiếp tục là liên danh tranh cử của ông.

Hãng tin AFP đánh giá với việc đào sâu vào các chi tiết và đưa ra những câu trả lời không quá sôi nổi, ông Biden cho thấy một tính cách hoàn toàn khác biệt với cựu tổng thống Donald Trump trong cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên với báo giới ở Nhà Trắng.

BẢO ANH

DUY LINH
TTO