23/01/2025

Đánh thuế YouTuber: Google thu ngay cho Mỹ, ngó lơ yêu cầu Việt Nam

Đánh thuế YouTuber: Google thu ngay cho Mỹ, ngó lơ yêu cầu Việt Nam

Cơ quan thuế Việt Nam cần yêu cầu Google khấu trừ thuế tại nguồn với thu nhập mà các YouTuber nhận được từ lượt xem tại Việt Nam, sau khi “ông lớn” công nghệ này cho biết sẽ khấu trừ thuế với thu nhập của các YouTuber từ lượt xem tại Mỹ.

 

Đánh thuế YouTuber: Google thu ngay cho Mỹ, ngó lơ yêu cầu Việt Nam - Ảnh 1.

Trong khi cá nhân làm công ăn lương đang bị khấu trừ thuế tại nguồn thì với các cá nhân có thu nhập từ YouTube, Google, Facebook cơ quan thuế phải dò từng tài khoản để truy thu nếu các cá nhân này không tự giác – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia sau khi Google ra thông báo cho biết từ tháng 6-2021, các YouTuber sẽ bị khấu trừ 15% hoặc 30% thu nhập nhận được từ người xem tại Mỹ, tùy vào quốc gia đã ký hoặc chưa ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Mỹ.

Thậm chí, nếu không cung cấp thông tin trước ngày 31-5, các YouTuber có thể bị trừ đến 24% tổng thu nhập nhận được từ người xem trên toàn cầu.

YouTuber lo bị đánh thuế 2 lần

Việc Google áp dụng biện pháp khấu trừ thuế tại nguồn với thu nhập nhận được từ lượt xem tại Mỹ khiến không ít YouTuber người Việt lo lắng. Ông Đạt Nguyễn, chủ kênh TechMag, cho biết trong mạng lưới của TechMag cũng có kênh YouTube sản xuất nội dung phục vụ người xem ở Mỹ.

“Với chính sách này, chúng tôi có thể phải chịu thuế cả 2 lần. Do đó, nhiều chiến lược làm nội dung của TechMag có thể phải thay đổi trong thời gian tới”, ông Đạt Nguyễn nói.

Cũng theo ông Đạt Nguyễn, để tránh bị đánh thuế 2 lần, có thể sẽ có một làn sóng dịch chuyển nội dung sang các thị trường khác không liên quan đến Mỹ, hoặc thậm chí chuyển dịch nguồn lực và nội dung sang nền tảng khác…

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, phần lớn các kênh YouTube đăng ký tại Việt Nam đều có nội dung tiếng Việt, phục vụ thị trường trong nước nên lượng người xem cũng chủ yếu đến từ Việt Nam.

Với những kênh YouTube này, lượng người xem từ Mỹ chiếm tỉ lệ rất thấp, nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy định mới của Google. Trong khi đó, tại Việt Nam đang có không ít kênh YouTube có nội dung tiếng Việt nhưng lại đăng ký kinh doanh tại Mỹ, phục vụ người Việt trên toàn cầu, thu nhập phát sinh ở Việt Nam không ít.

Tuy nhiên, các YouTuber này chỉ đóng thuế ở Mỹ chứ không đóng thuế ở Việt Nam. Đây sẽ là một trong những đối tượng nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay theo nguyên tắc của hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, các cá nhân và doanh nghiệp sẽ được miễn thuế trực thu, gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế gián thu nên không được miễn.

VN đang thu thuế với các YouTuber là 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% là thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, nếu hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ có hiệu lực, các YouTuber sẽ được trừ khoản 2% thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, hiệp định này vẫn chưa có hiệu lực nên các YouTuber tại Việt Nam sẽ không được trừ khoản này.

Việt Nam vẫn thất thu thuế

Trong khi Google hợp tác với Chính phủ Mỹ để thu thuế các YouTuber có thu nhập từ người xem tại Mỹ, các “ông lớn” công nghệ như Google hay Facebook đến nay vẫn chưa hợp tác với cơ quan thuế Việt Nam trong hoạt động thu thuế này, dù phía Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngay từ năm 2012, ngành thuế đã nêu quan điểm rằng dù không hiện diện tại Việt Nam nhưng các tập đoàn như Google, Facebook… có doanh thu từ Việt Nam nên sẽ phải nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại nguồn, nghĩa là ai chi trả sẽ phải khấu trừ và nộp thuế.

Tuy nhiên, tình trạng thất thu thuế vẫn diễn ra ở cả hai chiều chuyển đến và chuyển đi. Vào năm 2017, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu để yêu cầu các dịch vụ quảng cáo trên Facebook, Google… thanh toán qua cổng nội địa Công ty CP Thanh toán quốc gia (Napas), nhằm kiểm soát doanh thu và thu thuế.

Bộ Tài chính cũng đề xuất các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam và khai báo nộp thuế nhà thầu.

Cục Thuế TP.HCM cũng từng kiến nghị Bộ Tài chính cần đưa ra quy định các tổ chức nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới như dịch vụ đặt phòng trực tuyến (Agoda, Booking.com…) và các dịch vụ cung cấp trên Google, Facebook, YouTube… có trách nhiệm đăng ký, kê khai nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam với doanh thu phát sinh tại Việt Nam, có trách nhiệm khấu trừ thuế với các cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, các kiến nghị này vẫn không thực hiện được và cơ quan thuế các địa phương phải mất nhiều công sức để… truy đuổi, thi thoảng mới thu được một vài cá nhân có doanh thu hàng chục tỉ đồng từ Google, Facebook… Trong khi đó, số thất thu vẫn rất lớn bởi số tiền mà các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam chuyển cho các “ông lớn” công nghệ này lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Theo số liệu công bố cuối năm 2017 của Cục Thuế TP.HCM, chỉ tính riêng bốn ngân hàng mà cơ quan này yêu cầu cung cấp thông tin, số tiền các tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển cho Google, Facebook lên đến trên 1.000 tỉ đồng.

Và theo quy định mới nhất tại nghị định 126, ngân hàng thương mại có trách nhiệm phải cung cấp tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan thuế, đồng thời phải khấu trừ thuế với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google… nếu cá nhân không nộp.

Đánh thuế YouTuber: Google thu ngay cho Mỹ, ngó lơ yêu cầu Việt Nam - Ảnh 2.

Cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh tay với các trường hợp thu nhập khủng từ các “ông lớn” như Google, Facebook, YouTube nhưng không khai thuế – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cần áp “án lệ” của Google tại Việt Nam

Việc Google đưa ra quy định sẽ khấu trừ thuế tại nguồn với thu nhập mà YouTuber nhận được từ lượt xem tại Mỹ, theo các chuyên gia, là cơ sở để Việt Nam yêu cầu các “ông lớn” như Google, Facebook… áp dụng biện pháp tương tự tại Việt Nam, thay vì thu thuế theo kiểu Google, Facebook “thả gà ra” – chi trả thu nhập nhưng không khấu trừ, cơ quan thuế Việt Nam phải đi “đuổi” – tìm người có thu nhập để thu thuế – như lâu nay.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng dù Việt Nam đã đặt vấn đề khấu trừ tại nguồn với khoản thu nhập mà Google, Facebook trả cho các cá nhân tại Việt Nam, các “ông lớn” này cũng nhiều lần khẳng định “luôn tuân thủ nghiêm túc điều luật về thuế tại các quốc gia có hoạt động kinh doanh”, nhưng việc thất thoát thuế trong thực tế lại rất lớn.

Do vậy, theo ông Sơn, với quy định khấu trừ thuế đối với các YouTuber của Google, Việt Nam có thể một lần nữa đặt lại vấn đề với Google về việc này. “Nếu làm theo nguyên tắc khấu trừ tại nguồn, cơ quan thuế Việt Nam có thể quản lý nguồn thu từ các YouTuber dễ dàng và không tốn nhiều công sức như hiện nay”, ông Sơn nói.

Chuyên gia Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng về nguyên tắc, các tổ chức có nhận thu nhập phải nộp thuế, nhưng việc thu thuế với các tổ chức đa quốc gia này là vấn đề đau đầu không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều quốc gia đã đạt một số thỏa thuận trong nhiều vấn đề với các “ông lớn” công nghệ này.

“Cơ quan thuế hoặc cấp cao hơn phải làm việc với Google, Facebook… để đạt được thỏa thuận khấu trừ tại nguồn với thuế mà các cá nhân Việt Nam được nhận từ các tổ chức này. Khó nhưng không phải không làm được”, ông Nghĩa đề nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Facebook và Google đang dẫn đầu về thị phần và doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam với trên 70 – 80% tổng doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Số tiền mà các tổ chức này thu được lên đến vài trăm triệu USD/năm.

“Việt Nam cần nhân cơ hội này để thực hiện các cuộc đàm phán cấp cao nhằm đạt được thỏa thuận về thuế với các “ông lớn” công nghệ này. Bởi không lý gì Google có thể khấu trừ tại nguồn với phần thuế cho Chính phủ Mỹ trong khi lại không làm điều ngược lại với các thị trường khác mà các tổ chức này có doanh thu, trong đó có Việt Nam”, ông Được nêu ý kiến.

YouTuber Việt Nam sẽ bị Google khấu trừ 30% thu nhập

Trong email gửi đến các YouTuber, Google yêu cầu gửi thông tin thuế cho AdSense để biết số thuế chính xác của người sáng tạo nội dung. Nếu không cung cấp thông tin trước ngày 31-5, Google có thể sẽ khấu trừ tới 24% tổng thu nhập của những người này trên toàn thế giới.

Nếu gửi thông tin theo yêu cầu, các YouTuber tại các quốc gia có mối quan hệ hiệp ước về thuế với Mỹ sẽ chỉ bị khấu trừ 15% thu nhập từ người xem ở Mỹ. YouTuber tại những quốc gia chưa ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Mỹ sẽ bị khấu trừ tới 30% tổng thu nhập từ lượt xem tại Mỹ.

ÁNH HỒNG – ĐỨC THIỆN
TTO