25/12/2024

Lo ngại về tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Lo ngại về tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của tàu dân quân biển ở đá Ba Đầu đang khiến giới quan sát lo ngại về những gì có thể xảy ra tại cụm đảo Sinh Tồn ở Biển Đông.

 

Lo ngại về tàu Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Phía Trung Quốc nói rằng các tàu xuất hiện tại đá Ba Đầu chỉ là tàu cá, trong khi Philippines cho rằng những tàu này là tàu dân quân biển Trung Quốc – Ảnh: AFP/Maxar Technologies

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Suốt một tuần nay, dư luận quốc tế sôi sục khi Philippines nói có khoảng 220 tàu dân quân biển Trung Quốc tập trung tại đá Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng về vụ việc này.

Lo ngại an ninh

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 25-3 ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.

“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc” – bà Thu Hằng nói.

Trước đó, Philippines và một số nước cũng bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của nhóm “tàu cá” Trung Quốc ở đá Ba Đầu. Đơn cử trong một tuyên bố ngày

23-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi Trung Quốc “ngưng sử dụng dân quân biển để đe dọa và khiêu khích các bên khác, vì vốn dĩ đây là hành động làm suy yếu hòa bình và an ninh”.

Trong khi đó, ngoài những lập luận phản bác lại các tuyên bố của Philippines, Mỹ cũng như đồng minh của Mỹ, phía Trung Quốc được biết vẫn duy trì tình trạng neo đậu của hàng trăm con tàu nêu trên cũng như tiếp diễn việc xây dựng phi pháp tại đá Subi, cũng thuộc quần đảo Trường Sa.

Dấu hỏi ở cụm Sinh Tồn

Việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển để củng cố các kế hoạch phi pháp nhằm chiếm trọn Biển Đông không phải điều mới lạ. Tuy nhiên, sự xuất hiện đông đảo của đội tàu này ở đá Ba Đầu cũng khiến giới quan sát lo ngại về mục đích thực sự của Bắc Kinh.

Trong một bài viết trên trang 9DASHLINE, học giả Philippines Jay Batongbacal thậm chí cảnh báo về viễn cảnh đá Ba Đầu sẽ là một “bãi cạn Scarborough” cho chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Năm 2012, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. Hiện nay, những con tàu tương tự của Trung Quốc cũng đã bị phát hiện có mặt ở Scarborough, đảo Thị Tứ cũng như một số khu vực ở Trường Sa mà Philippines gọi là nhóm đảo Kalayaan.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Satoru Nagao – nghiên cứu viên khách mời tại Viện Hudson (Mỹ) – cho rằng những con tàu nêu trên có thể làm rõ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

TS Nagao dẫn lại những gì xảy ra ở Scarborough cũng như việc tôn tạo và quân sự hóa ở các nơi khác tại Biển Đông để lưu ý về kế hoạch xây dựng một “vạn lý trường thành” trên biển.

Trong khi đó, theo giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI, CSIS) Gregory Poling, các tàu dân quân biển của Trung Quốc đã xuất hiện thường xuyên tại đá Ba Đầu ít nhất từ năm ngoái.

“Dường như đây trở thành nơi neo đậu ưa thích của Trung Quốc khi họ hoạt động xung quanh cụm Sinh Tồn… Có vẻ họ đang cố gắng thiết lập quyền kiểm soát thực tế đối với các vùng biển quanh Sinh Tồn, giống như cách họ có ở những nơi như bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây hay cụm bãi Luconia” – ông Poling nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Poling khẳng định hàng loạt những động thái gần đây cho thấy sự “quyết đoán” ngày càng tăng của Trung Quốc không hề bị gián đoạn.

“Năm ngoái, chúng ta chứng kiến hết vụ này tới vụ khác, với các hoạt động gia tăng của cả cảnh sát biển lẫn hải quân Trung Quốc, bất chấp đại dịch toàn cầu. Xu hướng này tiếp nối trong năm 2021, khi Bắc Kinh dường như quyết tâm thể hiện ảnh hưởng của mình khắp nơi” – ông nói.

“Câu hỏi lớn vào lúc này là liệu số lượng tàu tăng bất ngờ tới 220, cao hơn nhiều so với một vài chục tàu mà chúng ta thấy trong quá khứ, có phải nhằm gửi đi một dạng thông điệp nào không, hay chỉ là sự leo thang căng thẳng thông thường trong sự hiện diện của Trung Quốc” – ông Poling phân tích với Tuổi Trẻ.

NHẬT ĐĂNG
TTO