Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 47,11 tỉ USD, tăng 25,5%, tương ứng tăng 9,56 tỉ USD so cùng kỳ năm trước.
Tăng mạnh mua linh kiện, máy móc, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc
Trong đó, riêng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 15,42 tỉ USD, tăng gần 66%, tương đương hơn 6 tỉ USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đang lớn hơn tổng kim ngạch nhập từ các thị trường: Mỹ, Nhật, Asean…
Nhìn vào rổ hàng mua từ nước ngoài của Việt Nam có thể dễ dàng thấy những nhóm hàng nhập khẩu chủ lực đến từ Trung Quốc số lượng cực lớn. Chẳng hạn, nhóm hàng nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Trung Quốc đạt 2,88 tỉ USD, đứng thứ 2 sau Hàn Quốc nhưng tốc độ tăng trưởng cao chóng mặt, tăng hơn 78% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi thị trường dẫn đầu lại giảm gần 5%. Thứ 2 là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,37 tỉ USD, tăng mạnh 70,7%; nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) đạt 1,8 tỉ USD, tăng 43,5% và chiếm tỷ trọng 51% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả năm.
Trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Trung Quốc đạt 2,88 tỉ USD, tăng 78% ẢNH: NG.NGA
|
Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, có một nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong 2 tháng qua là ô tô nguyên chiếc với hơn 2.000 chiếc, tăng gấp 8 lần so cùng kỳ năm ngoái (chỉ hơn 200 xe).
Ở chiều ngược lại, trong 2 tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng mạnh ở nhóm hàng điện tử và linh kiện, hàng điện thoại. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,37 tỉ USD, tăng mạnh 102,5%. Đến nay, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng này của Việt Nam. Thứ 2 là nhóm hàng xuất khẩu sắt thép, 2 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ước hơn 300.000 tấn.
Tăng tận dụng lợi thế từ FTA trong nhập khẩu máy móc
Chuyên gia
kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài chính) cho rằng không chỉ Việt Nam mà các nước sản xuất trên thế giới đều nhập khẩu từ Trung Quốc lượng lớn nguyên liệu, máy móc để phục vụ sản xuất, từ bao năm qua. Thế nên, việc nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn thường là “không quá khó hiểu”. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 66% so cùng kỳ năm ngoái có thể lý giải, tại thời điểm này của năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) và lan rộng sang các nước. Các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Giao thương thế giới ngưng trệ, sản xuất tại Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật, buộc phải dừng lại do thiếu nguyên liệu, thiếu đơn hàng… Nên năm nay nhập khẩu tăng chứng tỏ sản xuất của Việt Nam nói riêng và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới nói chung đang từng bước phục hồi tốt.
Ngoài ra, một số thông tin cho thấy, việc mở rộng đầu tư của một số công ty lắp ráp điện tử, gia công cho các hãng điện thoại lớn cũng đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng theo. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, có thể các nhà máy gia công, láp ráp cho các hãng điện tử lớn
thế giới trong xu thế rời Trung đã mở rộng và đầu tư nhà máy mới ở các tỉnh phía Bắc đẩy mạnh việc nhập khẩu dây chuyền máy móc này.
Tuy nhiên, phân tích sâu hơn vào các tỷ lệ kim ngạch nhập từ Trung Quốc tăng vọt với máy điện thoại, linh kiện tăng gần 80%, máy móc tăng hơn 70%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 43,5%… PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần có sự lưu ý. Khi nguyên liệu, máy móc, nguyên liệu dệt may vẫn phụ thuộc nhiều từ Trung Quốc chứng tỏ Việt Nam chưa tận dụng tốt các Hiệp định tự do thương mại như kỳ vọng.
Ông nói: “Trung Quốc là thị trường quan trọng với Việt Nam, nhưng để tránh rủi ro do phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, nhiều năm qua, chúng ta khuyến khích doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác. Đặc biệt, với 2 hiệp định thương mại tự do (
EVFTA) và bảo hộ đầu tư (EVIPA), ngoài việc giúp nâng cao năng lực của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, còn giúp Việt Nam đa dạng hóa tốt hơn thị trường, khách hàng, sản xuất, chế biến, xuất nhập, khẩu, tránh rủi ro kỹ thuật do phụ thuộc sâu vào một thị trường khi chưa có các hiệp định này. Sau khi các hiệp định EVFTA, CPTPP, UVFTA, RCEP… có hiệu lực, chúng ta kỳ vọng nhiều thương mại 2 chiều. Vừa đa dạng hóa thị trường, nâng sản xuất hàng chất lượng cao hơn, vừa kỳ vọng nhập khẩu được hàng hóa, máy móc, thiết bị miễn thuế từ các thị trường phát triển. Với những con số nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng chủ lực nói trên tăng mạnh, cần tuyên truyền, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp để có nhiều chọn lựa trong nhập khẩu được máy móc thiết bị tốt trong đầu tư mới”.