25/12/2024

Dự án trọng điểm “xếp hàng” trễ hẹn: Trắc trở đường vành đai

Dự án trọng điểm “xếp hàng” trễ hẹn: Trắc trở đường vành đai

Là mạng lưới xương sống của hệ thống giao thông nhưng những tuyến đường vành đai nằm trong danh sách trọng điểm vắt từ năm này qua năm kia vẫn dang dở, trở thành nỗi ám ảnh của giao thông 2 TP lớn nhất nước.
Các dự án đường vành đai “trễ hẹn” khiến tình trạng ùn ứ ở 2 đô thị TP.HCM và Hà Nội khó được giải quyết /// Ảnh: Ngọc Thắng
Các dự án đường vành đai “trễ hẹn” khiến tình trạng ùn ứ ở 2 đô thị TP.HCM và Hà Nội khó được giải quyết ẢNH: NGỌC THẮNG

Cấp bách “trên giấy” hàng thập kỷ

Trong danh sách các dự án cấp bách cần ưu tiên hoàn thành trong năm 2021 của Sở GTVT TP.HCM, dự án khép kín đường vành đai 2 vẫn hiện diện. Được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64 km, vành đai 2 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện  hạ tầng giao thông tại TP.HCM, góp phần giảm ùn tắc, phát triển kinh tế. Thế nhưng, sau 14 năm dở dang, đường vành đai 2 đến nay vẫn còn 14 km chưa khép kín.
Bộ GTVT thừa nhận tiến độ đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến vành đai tại Hà Nội và TP.HCM chưa đáp ứng được tiến độ. Lý do có nhiều như quy mô quy hoạch các tuyến khá lớn, trải dài đi qua nhiều địa bàn. Dù theo quyết định, các tuyến vành đai phải được tách thành các dự án độc lập theo từng địa phương, UBND các tỉnh, TP lập dự án, huy động vốn để đầu tư và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, các địa phương đều đề xuất bố trí nguồn vốn T.Ư để triển khai. Tổng mức đầu tư lớn dẫn đến ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện. Trong khi đó, việc kêu gọi đầu tư với kinh phí lớn rất khó khăn, hình thức đối tác công tư PPP chưa hấp dẫn được nhà đầu tư…

Đường vành đai 3 được xếp vào danh sách các dự án dự kiến khởi công trong năm nay, dù theo tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 9.2011, đường vành đai 3 đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020. Liên tục được “xướng tên” trong bảng dự án cấp bách, xác định là nhiệm vụ chính của ngành giao thông TP trong nhiều nhiệm kỳ, nhưng thực tế hệ thống đường vành đai dẫn đầu top các dự án chậm trễ nhất TP.

Tương tự, thủ đô Hà Nội cũng không thoát khỏi nỗi khổ đường vành đai. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 7 đường vành đai, ngoài các tuyến vành đai xuyên tâm trong khu vực nội đô còn có các tuyến liên tỉnh quan trọng như vành đai 3, 4, 5. Dù đã khép kín khá cơ bản các tuyến vành đai 1, 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, song nhiều đoạn của các tuyến này tới nay vẫn đang dang dở. Cụ thể, dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục dài 2,27 km, tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng đang triển khai thực hiện bằng ngân sách TP. Dù được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 12.2017, tới tháng 10.2018, UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án với thời gian dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 – 2020, song dự án Hoàng Cầu – Voi Phục hiện vẫn đang giậm chân tại chỗ. Chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) do nhiều hộ dân không đồng thuận, ngay cả 2 hạng mục cấp bách cần làm trước là 2 cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh – Đê La Thành và cầu vượt nút giao Giảng Võ – Đê La Thành cũng chưa thể khởi công.
Vành đai 2,5 theo quy hoạch dài 30 km, điểm đầu là Tây Hồ Tây đi qua Nguyễn Văn Huyên, Dương Đình Nghệ, Trung Kính, Hoàng Đạo Thúy, khu đô thị Khương Đình – Định Công, Kim Đồng – Tân Mai, điểm cuối là Đền Lừ. Dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 (đoạn từ Vĩnh Tuy – Tân Mai – Kim Đồng tới Định Công). Trong đó, tuyến đường qua Đầm Hồng – QL1A (thuộc Q.Hoàng Mai) đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, bắt đầu triển khai GPMB từ năm 2010, mức đầu tư gần 1.300 tỉ đồng. Đoạn tuyến chỉ dài hơn 2 km này dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12.2016, nhưng sau hơn 10 năm, vẫn chưa hoàn thiện được do vướng mặt bằng.
Đáng chú ý, vành đai 4, 5 dù đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ tháng 7.2011, nhưng tới nay cũng vẫn đang trong giai đoạn đề xuất qua lại giữa các bên.

“Bóp nghẹt” giao thông nội đô

Việc chậm trễ đầu tư, xây dựng các tuyến vành đai 4, 5 vùng thủ đô khiến toàn bộ các xe đều phải quá cảnh qua các đường vành đai nội vùng của Hà Nội, nhiều tuyến đường đô thị phải đảm nhận chức năng vừa là đường đô thị, vừa là đường đối ngoại cho các phương tiện vận tải của các tỉnh xung quanh, dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng tại vành đai 3 và hệ thống đường nội đô.
Theo khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, lưu lượng xe trên tuyến vành đai 3 bình quân hiện khoảng 5.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn. Đây cũng là tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm hoặc gia tăng đột biến phương tiện dịp lễ, tết. Một tuyến khác cũng đang phải gồng gánh phương tiện rất lớn và thường xảy ra ùn tắc là cầu Thanh Trì, đã vượt quá lưu lượng thiết kế tới 8 lần, khoảng 120.000 xe/ngày đêm, trong khi lưu lượng thiết kế chỉ là 15.000 xe/ngày đêm.
Hà Nội gần như đã vẽ xong mạng lưới vành đai cơ bản mà áp lực giao thông vẫn chưa thể giải quyết. Trong khi đó, TP.HCM sau gần 15 năm chật vật mới chỉ hoàn thiện duy nhất đường vành đai 1 (đường Võ Văn Kiệt), nhưng nay cũng trở thành đường nội đô khi gánh vác lượng xe đô thị lưu thông quá lớn, lại càng đè áp lực nặng nề lên mạng lưới đường nội đô. Thiếu trầm trọng giao thông kết nối với các tỉnh dẫn đến tình trạng các tuyến đường độc đạo như xa lộ Hà Nội, các đường liên tỉnh như tỉnh lộ 25, quốc lộ 22… cửa ngõ TP thường xuyên tắc nghẽn.
MAI HÀ – HÀ MAI
TNO